Bệnh mạch vành xuất hiện khi có một hay nhiều các nhánh của động mạch vành bị hẹp lại và bị cản trở do những mảng bám hình thành, tích tụ bên trong mạch máu.
Khi đó các động mạch trong cơ thể vốn dĩ rất mềm mại và có tính đàn hồi sẽ trở nên hẹp hơn, cứng hơn bởi sự xuất hiện của những mảng bám này qua thời gian dài. Cholesterol cùng một số chất khác có thể là chất bám trên thành mạch, đây gọi là chứng xơ vữa động mạch.
Khi bệnh mạch vành trở nên nặng hơn, máu sẽ lưu thông kém hơn, khó khăn hơn. Hậu quả của việc này đó là tim không thể nhận được đủ lượng máu, oxy cần thiết để duy trì sự sống dẫn đến những cơn đau thắt ngực và tình trạng nhồi máu cơ tim.
Nguyên nhân chính của nhồi máu cơ tim là do có một cục máu đông đột ngột di chuyển tới nơi động mạch bị hẹp và cứng, nó gây tắc mạch máu, chặn nguồn cung cấp máu cho tim, gây tổn thương vĩnh viễn cho tim.
Bên cạnh nguy cơ đột ngột trên thì bệnh mạch vành cũng làm cho tim phải hoạt động mệt nhọc hơn để có thể đem máu để duy trì sự sống, điều này sẽ làm cho tim nhanh chóng bị suy yếu, dẫn đến những nguy cơ gây suy tim, loạn nhịp tim. Đây chính là những biến chứng rất nguy hiểm của các bệnh mạch vành.
Một khi mắc bệnh mạch vành thì nguy cơ biến chứng lớn nhất là cơn nhồi máu cơ tim cấp, có thể lấy đi tính mạng bất cứ lúc nào.
Biểu hiện của bệnh mạch vành
Các triệu chứng ban đầu có thể không rõ ràng hoặc chúng chỉ có thể xảy ra khi tim đập mạnh như khi tập thể dục, làm việc nặng. Giai đoạn này, động mạch vành bị hẹp tương đối nhẹ, không gây ra triệu chứng rõ ràng, nhưng vẫn làm giảm cung cấp máu và oxy đến cơ tim.
Triệu chứng phổ biến nhất của bệnh mạch vành chính là cơn đau thắt ngực, khó thở. Một số trường hợp còn đi kèm với cơn tăng huyết áp, nhịp tim nhanh... Với phụ nữ thì ít bị đau ngực nhưng thường có cảm giác chán ăn, mệt mỏi, ợ nóng, buồn nôn, đau lưng, đau hàm...
Ngoài ra, có nhiều người mắc bệnh mạch vành không có triệu chứng, còn gọi là thiếu máu cơ tim thầm lặng. Quá trình bệnh tiến triển âm thầm không gây ra bất kỳ dấu hiệu cảnh báo nào. Điều này đặc biệt nguy hiểm khi người bệnh không nhận biết được tình trạng sức khỏe của mình để điều trị kịp thời, chỉ đến khi cơn nhồi máu cơ tim xảy ra thì đã quá muộn để phòng tránh.
Những yếu tố nguy cơ dẫn đến xơ vữa mạch vành, bao gồm: Rối loạn lipid máu, cholesterol máu cao, tăng huyết áp, tiểu đường, hút thuốc lá, tiền sử gia đình có người mắc bệnh tim sớm (nam trước 55 tuổi và nữ trước 65 tuổi), tuổi cao... Nếu là một trong số những người thuộc nhóm đối tượng có nguy cơ cao, hãy phòng ngừa bệnh mạch vành ngay từ sớm để tránh biến chứng có thể xảy ra.
Cách nào để hạn chế mắc bệnh mạch vành?
Để hạn chế bệnh mạch vành cần từ bỏ các thói quen không tốt: hút thuốc lá, thuốc lào, uống rượu bia… Thực hiện chế độ ăn lành mạnh: hạn chế đồ mỡ, tinh bột, ăn nhiều rau xanh…
Tập thể dục: tập thường xuyên và phù hợp với sức khỏe. Nếu cần có thể tư vấn bác sĩ để đánh giá và có bài tập phù hợp cho từng trường hợp cụ thể.
Kiểm soát cân nặng: tránh thừa cân, quá béo, duy trì BMI < 25.
Theo dõi, kiểm tra định kỳ, điều trị và kiểm soát các bệnh nền theo hướng dẫn của bác sĩ. Điều trị các yếu tố nguy cơ đối với bệnh mạch vành như: cholesterol cao, tăng huyết áp hoặc nhịp tim không đều…
Tỉ lệ người mắc bệnh động mạch vành ngày càng tăng cao với các triệu chứng điển hình là đau thắt ngực. Cơn đau thắt ngực xuất hiện khi lượng máu đến tim kém do động mạch vành bị hẹp, bít tắc. Vậy làm thế nào giúp tăng lưu thông máu, hỗ trợ giảm nguy cơ đau thắt ngực do thiểu năng mạch vành.