Sau mưa, bão, lũ lụt, đất, bụi, rác, chất thải, vi sinh vật... hòa vào dòng nước, làm ô nhiễm môi trường và lây lan bệnh tật. Bệnh xuất hiện do sử dụng nguồn nước không hợp vệ sinh, thực phẩm bị ô nhiễm.
Các bệnh hay gặp qua đường tiêu hóa mùa bão, lũ
Tiêu chảy do vi khuẩn E.coli
Gia súc là ổ chứa vi khuẩn E.coli quan trọng nhất, đặc biệt là những loài động vật ăn cỏ nhai lại như trâu, bò, dê, cừu. Thời gian ủ bệnh từ 2-10 ngày, trung bình 3-4 ngày. Người lớn bị bệnh đào thải vi khuẩn E.coli trong phân khoảng 1 tuần. Trẻ em có thể đào thải mầm bệnh qua phân đến 3 tuần.
Thông thường, những người bị nhiễm vi khuẩn E.coli sẽ hồi phục trong khoảng thời gian 5-10 ngày không cần dùng thuốc.
Tác hại của vi khuẩn E.coli là nguyên nhân gây các bệnh về đường tiêu hóa:
-
Nhiễm độc thức ăn: Người bệnh có biểu hiện sốt, tiêu chảy, nôn. Biến chứng nặng xảy ra thường là do tiêu chảy nhiều mà không được bù dịch kịp thời dẫn đến trụy mạch, rối loạn tuần hoàn, suy thận...
-
Nhiễm khuẩn huyết là khi vi khuẩn này xâm nhập vào đường tiêu hóa rồi tiếp tục xâm nhập vào các mạch máu trong cơ thể làm tổn thương các tạng lân cận như tim, thận, não khiến người nhiễm E.coli có thể tử vong.
-
Nhiễm khuẩn đường tiểu do vi khuẩn E.coli, đi từ bộ phận cuối cùng của đường tiêu hóa là hậu môn sang lỗ tiểu ngoài, đi ngược dòng vào đường niệu.
Bệnh tả
Bệnh tả ở người (Cholerae) là một bệnh truyền nhiễm cấp tính xảy ra ở đường tiêu hoá, do phẩy khuẩn tả Vibrio cholerae gây ra. Biểu hiện bệnh tả chủ yếu là nôn và tiêu chảy số lượng lớn, người bệnh dễ dẫn đến mất nước và điện giải trầm trọng, gây sốc nặng. Nếu bệnh nhân không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tử vong.
-
Bệnh tả ở người gây tiêu chảy liên tục, đi ngoài rất nhiều lần với khối lượng lớn, có khi hàng chục lít phân một ngày. Đặc điểm phân trong bệnh tả điển hình chỉ toàn là nước, màu trắng lờ đục như nước vo gạo, không thấy có nhầy máu.
-
Nôn nhiều.
-
Bệnh nhân mắc bệnh tả thường không sốt, ít khi đau bụng.
-
Tình trạng nguy hiểm nhất đối với bệnh tả là mất nước và điện giải gây mệt lả, chuột rút...
Bệnh lỵ trực khuẩn
Đây là bệnh kiết lỵ do trực khuẩn lỵ Shigella gây ra nhiễm trùng ruột và trực tràng. Các dấu hiệu chính của nhiễm Shigella là tiêu chảy và phân thường có lẫn máu. Do tiếp xúc với trực khuẩn Shigella thông qua miệng như tiếp xúc trực tiếp giữa người với người. Do thực phẩm ở gần khu vực có chứa nước thải ô nhiễm; do sử dụng nguồn nước bị ô nhiễm: uống nước hoặc bơi trong môi trường nước bị nhiễm trực khuẩn Shigella.
Các triệu chứng bệnh lỵ trực khuẩn bao gồm: sốt (đối với trẻ em có thể sốt rất cao); co thắt ở vùng bụng theo cơn; tiêu chảy, buồn nôn hoặc nôn mửa; đau cơ hoặc mỏi cơ, trong phân có máu hoặc chất nhầy.
Đối với trẻ em nếu bị tiêu chảy ra máu, tiêu chảy cùng lúc với mất nước, sụt cân và sốt 38 độ C trở lên cần nhanh chóng đưa đến các cơ sở y tế thăm khám và điều trị để tránh các biến chứng lỵ trực khuẩn khó lường.
Bệnh thương hàn
Bệnh thường khởi phát đột ngột và có nhiều biến chứng nặng nề như xuất huyết tiêu hoá, thủng ruột, viêm cơ tim, viêm não… có thể dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, cũng có trường hợp bệnh nhẹ có ít hoặc không có triệu chứng.
-
Thời kỳ ủ bệnh: Dao động 3-21 ngày và thường không có triệu chứng gì đặc biệt.
-
Thời kỳ khởi phát: Sốt tăng dần từng ngày. Nhức đầu kèm theo mệt mỏi, chán ăn, đau cơ các chi, mất ngủ. Đau bụng, buồn nôn, nôn, táo bón. Ho khan, đau bụng, tức ngực ít gặp hơn.
-
Thời kỳ toàn phát: Từ tuần thứ 2 và kéo dài 2 – 3 tuần. Sốt cao liên tục 39 – 40oC kèm theo nhức đầu và mệt mỏi. Rét run từng cơn. Dấu hiệu nhiễm trùng nhiễm độc toàn thân nặng: môi khô, má đỏ, lưỡi bẩn, hơi thở hôi; bệnh nhân không tỉnh táo rồi dần chuyển thành hôn mê. Đi ngoài phân lỏng, trướng bụng, đầy hơi, đau nhẹ lan khắp bụng; gan to, lách to gặp 30 - 50% các trường hợp.
Bệnh viêm gan A
Virus viêm gan A lây truyền thông qua đường tiêu hóa, từ nguồn thức ăn và nước uống nhiễm bẩn. Nếu người bệnh mắc bệnh nhẹ có thể phải kéo dài vài tuần, nếu bệnh nhân bị viêm gan nghiêm trọng có thể kéo dài hàng tháng. Phần lớn nguyên nhân mắc bệnh viêm gan A do người bệnh ăn hoặc uống thực phẩm bị nhiễm phân của người nhiễm virus. Đường lây truyền viêm gan A cũng có thể xảy ra nếu bệnh nhân ăn trái cây, rau hoặc thực phẩm khác bị ô nhiễm trong quá trình xử lý; ăn động vật có vỏ sống dưới nước có virus trong đó.
Các triệu chứng của viêm gan A là: vàng da, đau bụng, ăn không ngon, buồn nôn và nôn, mệt mỏi, tiêu chảy, sốt.
Phòng bệnh hay gặp qua đường tiêu hóa mùa bão, lũ
-
Đảm bảo xử lý nước ăn uống, vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân. Thực hiện nguyên tắc "Ăn chín, uống chín", đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.
-
Đảm bảo đủ nuớc sạch cho ăn uống, sinh hoạt.
-
Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh.
-
Xử lý tốt nguồn phân, chất thải, rác thải và xác động vật chết.
-
Uống hoặc tiêm vaccine phòng bệnh khi có chỉ định đối với các bệnh đã có vaccine.
-
Thường xuyên rửa tay với xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
-
Vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa chân sạch và lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước lũ, nước bị nhiễm bẩn.
-
Thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng hóa chất để khử trùng nước ăn uống và sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
-
Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất.
BS. Nguyễn Thị Út