Lưu huỳnh - Lợi và hại với sức khỏe

Ngày đăng: 06:19 07/08/2017 Lượt xem: 601

Lưu huỳnh - Lợi và hại với sức khỏe

(SKDS) - Người tiêu dùng lại một phen hoang mang trước thông tin măng khô dùng chất lưu huỳnh để bảo quản khi mà mới đây Phòng Cảnh sát môi trưòng (Công an tỉnh Thanh Hóa) phối hợp với đội quản lý thị trường số 9 đã thu giữ nhiều măng khô và lưu huỳnh không có nguồn gốc, xuất xứ tại hai cơ sở chế biến măng khô ở xã Xuân Bái (Thọ Xuân).

Lưu huỳnh là nguyên tố tự nhiên quen thuộc, có trong thức ăn hàng ngày của chúng ta những thực phẩm có chứa lưu huỳnh như thịt, cá, trứng (nhất là lòng đỏ), hải sản, nấm, tỏi, hạt có dầu… Nhu cầu về acid amin có lưu huỳnh ước tính mỗi ngày khoảng 13mg/kg trọng lượng đối với phụ nữ và 14mg/kg trọng lượng đối với nam.
 Lưu huỳnh không có nguồn gốc xuất xứ và măng khô dùng chất lưu huỳnh để bảo quản bị thu giữ ở Thanh Hóa.  Ảnh: Hoàng Lam
 

Lưu huỳnh nguyên chất (công nghiệp) thường được sử dụng để sấy và chống mốc, hoặc phòng trừ một số bệnh hại cây trồng. Lưu huỳnh công nghiệp là hóa chất độc hại không được phép sử dụng trong chế biến và bảo quản thực phẩm. Tuy nhiên ở nước ta, tình trạng lạm dụng lưu huỳnh công nghiệp rất phổ biến trong tẩm sấy các dược liệu, nhất là loại có hàm lượng tinh bột cao, sấy hoa quả khô, măng khô… Vì lợi nhuận, bất chấp việc ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng, nhiều cơ sở sản xuất đã sử dụng lưu huỳnh để chống mốc, tạo màu vàng đẹp cho măng bằng cách tẩm trực tiếp.

Hiện chưa có báo cáo cụ thể nào về các bệnh nhân mắc bệnh có liên quan thực phẩm chứa chất lưu huỳnh hoặc sử dụng chất lưu huỳnh để bảo quản. Tuy nhiên, nếu người tiêu dùng sử dụng thực phẩm có chứa chất lưu huỳnh công nghiệp có nồng độ cao, lâu dài sẽ gây tổn thương về thần kinh, thay đổi hành vi; ảnh hưởng hệ tuần hoàn, chức năng tim mạch, tổn thương mắt, giảm thị lực, ảnh hưởng chức năng sinh sản, hệ miễn dịch, tuyến nội tiết. Nếu cấp tính, thì có biểu hiện ngạt mũi, chảy nước mắt, đau đầu, tức ngực...

Nếu sử dụng lưu huỳnh bừa bãi và quá mức cho phép trong thực phẩm sẽ gây suy thận, bệnh phổi, ảnh hưởng đến sự phát triển của não...

Nhất là những người chế biến và người sống xung quanh nếu không có biện pháp đảm bảo an toàn thì khi đốt lưu huỳnh để sấy sẽ hình thành khí SO2 một phần lưu huỳnh thăng hoa, khi hít phải sẽ thấy khó chịu và có thể gây các bệnh ở đường hô hấp.

Theo tin từ Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì từ cuối tháng 9 đến đầu tháng 10/2012, Cục sẽ tiến hành kiểm tra ở một số địa phương chuyên sản xuất măng, các địa phương tiêu thụ măng nhiều trên cả nước… Việc kiểm tra diễn ra đột xuất, lấy mẫu phân tích, kể cả ở các cơ sở kinh doanh măng khô. Ngoài chất này, cũng sẽ kiểm tra một số hóa chất khác trên măng để cảnh báo, ngăn chặn. 
 

Theo ThS. Hoàng Khánh Toàn, Chủ nhiệm khoa Ðông y - Bệnh viện TƯ Quân đội 108, cơ thể con người cần được cung cấp lưu huỳnh, tuy nhiên nếu vượt quá ngưỡng sẽ gây hại cho sức khỏe. Trước đây, trong sản xuất và chế biến Ðông dược, người ta dùng phương pháp xông bằng lưu huỳnh để bảo quản, chống ẩm mốc. Nhưng hiện nay, nhiều cơ sở đã lạm dụng lưu huỳnh khi tẩm sấy trực tiếp vào Ðông dược, măng khô… gây ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe người tiêu dùng.

   Hoàng Hoa
PS st Theo SK&ĐS


tin tức liên quan