Những thuốc tuyệt đối không được uống khi bị sốt xuất huyết
Phải hết sức thận trọng khi uống thuốc. Ảnh minh hoạ: Internet
Aspirin
Tuyệt đối không được dùng aspirin trong sốt xuất huyết. Aspirin là thuốc hạ sốt, giảm đau, chống viêm không steroid, nhưng lại là thuốc có tác dụng ức chế kết tập tiểu cầu. Chính vì tác dụng ức chế kết tập tiểu cầu, chống đông máu nên thuốc không được dùng cho người có bệnh ưa chảy máu hoặc có nguy cơ chảy máu như sốt xuất huyết. Nếu dùng aspirin sẽ làm cho nguy cơ chảy máu tăng lên, làm cho việc xuất huyết không cầm được, sự rối loạn đông máu càng trầm trọng hơn, có thể xuất huyết dạ dày, nội tạng, nguy hiểm đến tính mạng.
Không chỉ gây nguy hiểm cho bệnh mà người bệnh còn có nguy cơ gặp tác dụng phụ của thuốc, ví dụ như buồn nôn, nôn, khó tiêu, khó chịu ở thượng vị, ợ nóng, đau dạ dày, loét dạ dày - ruột... Đối với trẻ em, khi dùng thuốc này còn gây hội chứng Reye ở trẻ. Hội chứng Reye là một bệnh có liên quan trực tiếp đến não và gan... sẽ gây ra hiện tượng phù não, thoái hóa tế bào thần kinh não, suy gan...
Bệnh sốt xuất huyết Dengue có biểu hiện lâm sàng đa dạng, diễn biến nhanh chóng từ nhẹ đến nặng. Bệnh thường khởi phát đột ngột và diễn biến qua ba giai đoạn: giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn hồi phục. Nếu không được phát hiện sớm, điều trị đúng và kịp thời sẽ dễ dẫn tới tử vong. Vì vậy, khi người bệnh có các biểu hiện lâm sàng ở giai đoạn sốt như sốt cao đột ngột, liên tục; nhức đầu chán ăn, buồn nôn; đau cơ, đau khớp, nhức hai hố mắt; da sung huyết (thường có chấm xuất huyết ở dưới da), chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam... cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị thích hợp. Tránh tự ý dùng thuốc không đúng sẽ làm trầm trọng thêm bệnh.
Bệnh bắt đầu với triệu chứng thở nhanh và lượng đường trong máu thấp, nôn mửa, thậm chí co giật hoặc hôn mê. Hội chứng Reye thường xuất hiện ở trẻ dưới 5 tuổi nhưng có thể gặp ở trẻ lớn hơn. Hiện vẫn chưa có cách điều trị, bệnh nhân có thể tử vong trong vòng vài ngày hoặc trở thành tàn phế suốt đời.
Ngoài aspirin thì tất cả các kháng viêm không steroid đều có tác dụng ức chế kết tập tiểu cầu (tuy mức độ không mạnh như aspirin) nhưng cũng không có lợi trong bệnh sốt xuất huyết. Trên thị trường có một số sản phẩm phối hợp chữa cảm cúm, làm giảm đau có chứa kháng viêm không steroid như là ibuprofen, diclofenac... Vì vây, người bệnh cần lưu ý đọc kỹ thành phần của thuốc hoặc hỏi dược sĩ, bác sĩ để tránh dùng phải các thuốc trên.
Thuốc kháng sinh
Kháng sinh không được khuyến cáo sử dụng trong sốt xuất huyết vì sốt xuất huyết là do virut gây nên mà kháng sinh lại không diệt được virut. Chỉ dùng kháng sinh khi có biểu hiện của nhiễm trùng (điều này phải do bác sĩ khám, chỉ định dùng và khi dùng cũng cần tránh các kháng sinh gây giảm tiểu cầu, gây hại gan, thận).
Như vậy, nếu người bệnh tự ý mua kháng sinh về dùng sẽ gây lãng phí tiền bạc, người bệnh lại có nguy cơ gặp phải tác dụng phụ của thuốc (nhất là đối với người có cơ địa dị ứng) làm cho người bệnh cùng một lúc mắc nhiều bệnh như vừa bị sốt xuất huyết, vừa bị dị ứng thuốc, việc chữa trị sẽ phức tạp hơn, tốn kém rất nhiều cho người bệnh.