Nguyên Thứ trưởng Y tế: 'Nghề Y có quyền lực, dễ dẫn đến cạm bẫy'

Ngày đăng: 07:01 21/10/2017 Lượt xem: 553


Nguyên Thứ trưởng Y tế: 'Nghề Y có quyền lực, dễ dẫn đến cạm bẫy'



Khán phòng rộng lớn im phăng phắc khi GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng nhắc nhở 87 tân bác sĩ về y đức, nếu tâm bất chính sẽ dễ lợi dụng nghề để mưu toan. 




Lễ tốt nghiệp Bác sĩ đa khoa khóa 2011-2017 Khoa Y (Đại học Quốc gia TP HCM) ngày 20/10 có gần nghìn phụ huynh, sinh viên và các tân bác sĩ tham dự. Khán phòng rộng lớn tại Đại học Quốc gia TP HCM không một tiếng động, khi GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng (nguyên Thứ trưởng Y tế năm 1997-2003) nói về ngành Y.

"Nghề y không phải là nghề chữa bệnh, mà là nghề chữa con bệnh. Người ta dùng chữ 'con' ở đây để nhấn mạnh đó là con người - loài động vật cao cấp nhất", ông mở đầu bài phát biểu và giải thích khái niệm này chỉ đối tượng kép: con người cụ thể và một căn bệnh cụ thể.

Do đó, trong mối quan hệ với bệnh nhân, bác sĩ phải ứng xử với con người trước chứ không phải ứng xử với bệnh. Thầy thuốc phải quý trọng, hiểu con người bởi mỗi người có đặc điểm khác nhau, sự nhạy cảm với bệnh khác nhau và chịu tác dụng của thuốc khác nhau.
 

nguyen thu truong y te nghe y co quyen luc de dan den cam bay


GS.TSKH Phạm Mạnh Hùng nói chuyện với tân bác sĩ tại Khoa Y. Ảnh: Mạnh Tùng.


Dẫn lời của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng, GS Hùng nói rằng, ít có nghề nghiệp nào mà xã hội đòi hỏi phẩm chất và tài năng cao như người làm trong ngành y tế. Đó là nghề đặc biệt, đòi hỏi sự hiểu biết sâu rộng, tấm lòng nhân ái, từng trải và kinh nghiệm nghề nghiệp mà mọi công việc dù nhỏ đến đâu đều liên quan đến tính mạng con người, hạnh phúc của mỗi gia đình.

Giáo sư Hùng cho rằng, những người làm nghề y đầu tiên của nhân loại là những người truyền đạo, họ muốn cứu con người cả tinh thần lẫn thể xác. Khởi nguồn của nghề này là làm phúc chứ không phải kiếm sống, càng không phải vì lợi nhuận trên thể xác của người khác.

Trong lịch sử cũng chưa có người nào thành tỷ phú bằng nghề y bởi tư duy khoa học cứu người không thể chen lẫn với tư duy kiếm lời. Nó phải gắn liền với tuy duy trách nhiệm, xả thân, sẵn sàng chịu thiệt thòi để giúp người khác.

"Nếu thầy thuốc kê đơn gồm những thuốc không cần thiết và đắt tiền, hoặc chỉ định xét nghiệm không cần thiết, thì chính họ gây ra nghèo đói cho người bệnh. Một nền chăm sóc sức khỏe tốt không chỉ là khám chữa bệnh tốt mà còn góp phần làm cho người dân không bị nghèo hóa", ông nói.

Nguyên Thứ trưởng Y tế tiếp tục bằng luận điểm có nhiều cơ hội dẫn người hành nghề y đến cạm bẫy, bởi đây là nghề có quyền lực lớn. Giải thích từ "quyền lực", ông nhấn mạnh "bác sĩ có những quyền liên quan mật thiết đến sinh mạng, thân thể của người bệnh". Nếu tâm của bác sĩ bất chính, họ có thể lợi dụng nghề để mưu toan, tính toán cá nhân một cách hèn mạt.

Thêm nữa, nghề y có thể biết nhiều bí mật của người bệnh, dễ làm lộ đời tư của họ, dẫn đến vi phạm nhân quyền. Ông kể, trong một ca phẫu thuật do mình thực hiện mấy chục năm trước, ông phát hiện nam thanh niên không phải con ruột của người cha qua mẫu máu. "Đó là thông tin mà nếu bị bác sĩ lợi dụng có thể phá hoại hạnh phúc của cả gia đình người khác, điều mà họ đã gìn giữ mấy chục năm qua", ông nói.
 

nguyen thu truong y te nghe y co quyen luc de dan den cam bay


87 tân bác sĩ tuyên thệ. Ảnh: Mạnh Tùng.


Ông dặn dò tân bác sĩ, nếu hành nghề không đúng phương pháp và chuẩn mực được dạy dễ bị người khác quy tội. Bởi nhiều tình huống, bác sĩ bị hiểu lầm mà lương tâm của người cùng nghề mới giải thích và thông cảm được cho nhau.

Ông dẫn chứng thời còn làm Thứ trưởng Y tế, ông chủ trì cuộc họp kỷ luật nam bác sĩ trẻ bị tố giác "xâm hại tình dục" bệnh nhân nữ. Bác sĩ này đã làm đúng nghiệp vụ, không có ý đồ xấu nhưng sự việc bị mổ xẻ bởi thao tác này ở vùng nhạy cảm của phụ nữ, trong phòng phẫu thuật kín và bệnh nhân đang bị gây mê.

Thứ trưởng Y tế khi đó quyết định hình thức khiển trách bác sĩ này bởi cho rằng người này không tuân thủ Chín điều y huấn của Hải Thượng Lãn Ông, trong đó có điều "Khi xem bệnh cho đàn bà góa, con gái... phải có người nhà bên cạnh mới bước vào phòng thăm bệnh".

Ông khuyên, cách tốt nhất để tránh cạm bẫy phải luôn đặt tính mạng, sức khỏe của bệnh nhân lên trên quyền lợi của mình và phải luôn học hỏi, trau dồi kỹ năng, nâng cao tính chuyên nghiệp.

Giáo sư có hơn 50 năm công tác trong ngành Y đưa ra nhiều hình ảnh về chiếc ống nghe khám bệnh của bác sĩ đặt với nhiều vật khác nhau. Ông giải thích, hình ảnh ống nghe đặt lên trái tim là bác sĩ đang nghe được nhịp thở, bắt bệnh cho người.

Hình ảnh ống nghe được đặt lên chồng sách, đặt bên cặp kính lão được ông giải thích "muốn bắt chính xác bệnh, phải học nhiều, tích lũy kinh nghiệm và từng trải".

Còn chiếc ống nghe ôm trọn xấp tiền và chiếc ống nghe được cách điệu thành hình chiếc còng số 8 được ông cho lời cảnh tỉnh.

"Khi đó, bác sĩ không còn nghe được hơi thở của bệnh nhân nữa mà chỉ thấy hơi tiền. Nếu hành nghề y bằng thủ đoạn, mưu đồ xấu và trục lợi thì chiếc còng số 8 sẽ chờ đợi người đó", ông nói.

Cuối bài nói chuyện, ông dẫn lời Hải Thượng Lãn Ông: "Suy cho cùng, tôi hiểu rằng thầy thuốc là người bảo vệ tính mạng con người, sống chết trong tay mình nắm, phúc họa trong tay mình giữ thì đâu thể không có kiến thức đầy đủ, đạo đức không trọn vẹn, hành vi không thận trọng mà dám học đòi làm cái nghề cao quý đó chăng".
 

nguyen thu truong y te nghe y co quyen luc de dan den cam bay


PGS.TS Huỳnh Thành Đạt, Giám đốc Đại học Quốc gia TP HCM, trao bằng cho tân bác sĩ đa khoa. Ảnh: Mạnh Tùng.


Bài nói chuyện của giáo sư Hùng kết thúc trong tiếng vỗ tay kéo dài của cả nghìn người. Nhiều phụ huynh và người thân của các tân bác sĩ đến dự lễ tốt nghiệp thoáng chút ưu tư.

"Chỉ mong con mình làm nghề giỏi và có lương tâm, giữ lấy y đức. Nhiều câu chuyện xấu xí về ngành y, dẫu biết là số ít nhưng ai dám chắc mình sẽ không mắc phải do bất cẩn hoặc không giữ được mình trước đồng tiền ", một bà mẹ chia sẻ.

Dù không lạ lẫm với nhiều khái niệm trong bài nói chuyện, song Mỹ Dung (tân bác sĩ) tỏ ra khá xúc động. "Mỗi lần nghe chuyện y đức thì chúng tôi lại như được đánh thức, lại trăn trở và suy nghĩ nhiều về nó. Tấm bằng tốt nghiệp trên tay là chìa khóa để bước vào nghề, quãng đường phía trước là học hỏi, trau dồi liên tục. Các thầy luôn dạy chúng tôi, nghề Y không có chỗ cho sự tự mãn, học không bao giờ là đủ", chị chia sẻ.

Được thành lập giữa năm 2009, một năm sau Khoa Y (Đại học Quốc gia TP HCM) tuyển sinh khóa đầu tiên với 75 chỉ tiêu, tỷ lệ chọi khá cao - 14,3. Năm ngoái 64 tân bác sĩ đã tốt nghiệp khóa đầu tiên, năm nay có 87 người.

Về lâu dài, Khoa Y sẽ phát triển thành đại học sức khỏe theo mô hình trường - viện, trực thuộc Đại học Quốc gia TP HCM.

tin tức liên quan