Đây là căn nguyên của nhiều bệnh tật mà chính người dân đang và sẽ có nguy cơ cao trong tương lai, việc thay đổi này lập tức với tất cả tuy khó, nhưng mỗi người dân cần tự ý thức điều này…
Thói quen “ăn uống” gây hại
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc học tập, quán triệt Nghị quyết Trung ương 6, khóa XII của Đảng đã diễn ra trong hai ngày 29 và 30/11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam dành nhiều thời gian giới thiệu Nghị quyết “Tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới” và Nghị quyết về “Công tác dân số trong tình hình mới”.
Theo ông, thế giới đánh giá cao các mặt tích cực của y tế Việt Nam. Một trong những điểm đáng mừng là nhân lực y tế phát triển mạnh, số lượng tăng từ 200.000 (năm 1993) lên 465.000 người vào năm 2016; đến nay, 87,5% số xã đã có bác sĩ, 96% thôn, bản có nhân viên y tế... Tuy nhiên, việc chăm sóc sức khỏe nói chung còn nhiều hạn chế, tầm vóc người Việt tăng chậm, hiện trung bình nam giới cao 1,64m, nữ cao 1,53m.
Thói quen ăn nhậu, uống nhiều rượu bia và ăn ít rau là nguy cơ bệnh tật cho nhiều người.
Trong đó, đáng chú ý là bữa ăn người Việt không đủ vi chất nên tỉ lệ thấp còi còn cao, lên tới 24,6%. Theo nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có tới 52,7% người trưởng thành ăn thiếu rau, trong khi ăn mặn gấp đôi so với mức cần thiết - rất không tốt cho sức khỏe. Số liệu thống kê cũng cho thấy người Việt hút thuốc lá cao hơn mức trung bình của thế giới, lên tới 22,5%.
Cộng thêm vào đó là thực trạng đáng lo ngại về lượng tiêu thụ rượu bia tại Việt Nam với tỉ lệ 43,8% uống bia và 22,4% uống ở mức nguy hại (tương đương 6 lon bia mỗi ngày). Nếu tính cộng dồn trung bình, mỗi người Việt trên 15 tuổi uống 6,6 lít cồn nguyên chất mỗi năm.
Ông Nguyễn Phương Nam - chuyên gia WHO tại Việt Nam cho rằng, điều đáng lo ngại là độ tuổi của những người sử dụng rượu bia ngày càng trẻ. Trong đó, tỉ lệ sử dụng ở mức nguy hại chiếm tới 44,2% nam giới và 1,22% nữ giới. Đáng nói là người Việt quan niệm rằng có rượu bia mới tạo quan hệ bạn bè, có lợi cho việc làm ăn, xả stress, thậm chí đến 97% nam giới cho rằng uống bia… mát, không có hại.
Căn nguyên của nhiều bệnh tật
Trước đó, tháng 5/2017, tại buổi tọa đàm về bệnh không lây nhiễm do Bộ Y tế, Trường Đại học Y tế công cộng (Hà Nội) và Bộ Hợp tác phát triển Đan Mạch tổ chức, nhiều chuyên gia y tế đã bày tỏ lo ngại về tình trạng bệnh không lây nhiễm đang gia tăng nhanh chóng tại nước ta mà nguyên do không nằm ngoài “tội từ cái miệng” mà ra. Trong các nguyên nhân chính gây ra tình trạng này, đó là việc nhiều người hút thuốc, sử dụng rượu bia ở mức có hại và thiếu hoạt động thể lực.
Các bệnh không lây nhiễm phổ biến nhất là tim mạch, đái tháo đường, ung thư và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính; chiếm tới 2/3 tổng gánh nặng bệnh tật và 73% các trường hợp tử vong hàng năm ở nước ta. Ước tính Việt Nam hiện có khoảng 12 triệu người tăng huyết áp, gần 3 triệu người bị bệnh đái tháo đường, 2 triệu người mắc bệnh phổi mạn tính và mỗi năm có khoảng 120.000 ca mắc mới ung thư.
Hơn một nửa số người trưởng thành ở nước ta ăn ít rau, quả so với mức khuyến cáo (tối thiểu là 400gr mỗi ngày). Tuy nhiên, có tới một nửa số nam giới trong độ tuổi trưởng thành thường xuyên hút thuốc, 77% nam giới trưởng thành uống rượu bia, trong đó 44% số người uống ở mức nguy hại và 1/3 số người trưởng thành thiếu hoạt động thể lực. Thế nhưng, ngoài việc ăn thiếu rau, trái cây so với khuyến cáo, người dân ta còn quen ăn mặn với lượng muối gần gấp đôi (9,4gr/ngày) so với lời khuyên của WHO (5gr/ngày). Việc ăn nhiều muối là yếu tố dẫn đến nguy cơ gây tăng huyết áp, đột quỵ, ung thư dạ dày, suy thận, loãng xương và một số bệnh tim mạch, đột quỵ.
Trước tình trạng bệnh không lây nhiễm có chiều hướng gia tăng ở nước ta, Bộ Y tế đã đề ra chiến lược đến năm 2025 với mục tiêu chỉ còn 20% số ca tử vong sớm do bệnh không lây nhiễm, trong đó phấn đấu giảm 30% số người hút thuốc, giảm 10% số người uống rượu bia ở mức có hại, giảm 30% mức tiêu thụ muối/người, kiểm soát thừa cân béo phì dưới 15%, tăng huyết áp dưới 30%, đái tháo đường dưới 8%... Để có thể đạt được mục tiêu này, Bộ Y tế cũng đã đưa ra các giải pháp, chính sách kiểm soát yếu tố nguy cơ như xây dựng Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia; Luật Phòng chống tác hại thuốc lá; xây dựng kế hoạch thực hiện chiến lược quốc gia về dinh dưỡng…
Về phía người dân, không thể chỉ chờ các cơ quan chức năng đưa ra giải pháp, thực trạng đáng lo ngại này cho thấy đã tới lúc người dân cần tự ý thức để thay đổi lối sống hiện nay, tránh những hậu quả về lâu dài. Theo các chuyên gia, vấn đề cần thay đổi đầu tiên là lối sống khoa học và tích cực hơn, trong đó, ăn uống khoa học đóng vai trò quan trọng nhất.
Hải Đăng
PS st Theo SK&ĐS