Đặc biệt, biểu hiện này rất thường gặp ở người cao tuổi do chức năng các cơ quan bị lão hóa.
Vì sao nuốt nghẹn gặp nhiều ở người già?
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, ở người trên 50 tuổi phàn nàn nuốt nghẹn tới gần 40%. Hiện tượng nghẹn và khó nuốt gặp nhiều hơn ở người cao tuổi được lý giải rằng khi cơ thể bị thoái hóa theo tuổi, ống tiêu hóa cũng bị thu hẹp lại, biểu mô đường tiêu hóa không tăng tiết đủ lượng dịch để bôi trơn thức ăn gây khó khăn cho quá trình nuốt. Cùng với lão hóa, răng và lợi hoạt động cũng khó khăn hơn do đó người cao tuổi thường giữ thức ăn ở trong miệng lâu hơn, đồng thời khả năng cắt thức ăn của răng cũng giảm, họ phải nuốt các đoạn thức ăn to hơn trong khi đường tiêu hóa hoạt động lại kém hiệu quả càng làm cho họ dễ bị nghẹn. Biểu hiện là bữa ăn của người cao tuổi kéo dài hơn. Khi nuốt đôi khi họ phải dùng tay đưa lên cổ để vuốt với hy vọng thức ăn sẽ xuống nhanh hơn. Bữa ăn họ luôn luôn phải chan canh để dễ nuốt hơn.
Quá trình nuốt thức ăn bình thường.
Ngoài ra, nuốt nghẹn ở người cao tuổi còn do:
Nuốt nghẹn do dị vật đường ăn: Biểu hiện đang ăn bỗng nhiên nghẹn không ăn uống được, tăng tiết nước bọt, đau tức dọc theo đường giữa. Nếu cố nuốt mà dị vật trôi xuống dưới được, các triệu chứng trên sẽ giảm dần và hết trong một tuần. Nếu dị vật không xuống được mà mắc lạii dọc đường ăn, người bệnh sẽ nghẹn tăng dàn, có thể kèm theo khó thở hoặc thể trạng nhiễm trùng. Điều trị duy nhất là soi lấy dị vật.
Nuốt nghẹn do các khối u vùng hạ họng hoặc thực quản: Biểu hiện là nuốt nghẹn liên tục, tăng dần, dẫn đến không ăn uống được, kèm theo khó thở, cơ thể gầy sút nhanh chóng. Khám thấy khối u vùng họng hoặc thực quản. Các khối u đường ăn ảnh hưởng tới ăn uống thường là các khối u ác tính. Cách xử trí: Phẫu thuật nếu có chỉ định, tia xạ hoặc hóa chất.Đặt sonde hoặc mở thông dạ dày tùy theo chỉ định cho từng người bệnh cụ thể.
Nuốt nghẹn do viêm: Viêm nhiễm ảnh hưởng tới các bộ phận tham gia quá trình nuốt như viêm họng, viêm amidan, dị ứng cùng họng, hội chứng trào ngược.
Nuốt nghẹn do bỏng thực quản: Ở người có tiền sử uống nước sôi hoặc hóa chất... sau đó nuốt đau và không nuốt được tăng dần.Bên cạnh dấu hiệu nuốt nghẹn còn có biểu hiện của viêm như sốt (nếu trong viêm cấp), nuốt đau, có thể có thay đổi giọng nói hoặc khó thở (nếu là dị ứng vùng họng gây phù Quink).Khám không thấy khối u, không thấy dị vật mà niêm mạc đỏ, tăng tiết dịch vùng đường ăn.
Nuốt nghẹn do hội chứng trào ngược: Bệnh nhân nuốt nghẹn được khám thấy có biểu hiện phù nề, ban đỏ vùng miệng thực quản, thanh quản, hạ họng theo từng mức độ, có thể kèm thêm biểu hiện bệnh lý dạ dày như đau tức vùng thượng vị, ợ hơi, ợ chua...Điều trị bằng thuốc chống trào ngược bệnh sẽ thuyên giảm.
Hội chứng cổ: Do chèn ép, thoái hóa, xơ hóa các cơ cổ, cột sống cổ gây hiện tượng giảm lưu lượng máu lên não cũng gây nuốt nghẹn.Thường phải xoa bóp vùng cổ hoặc sử dụng các thuốc làm mềm cơ, tăng tưới máu não, an thần...
Liệt một số dây thần kinh vận động vùng họng: Như trong tai biến mạch máu não, ung thư vòm,ung thư vùng họng, ung thư tuyến giáp, viêm nhiễm gây liệt hồi quy hoặc các khối u bất thường vùng đỉnh phổi.
Nhận biết dấu hiệu của nghẹn có khó không?
Không khó để phát hiện một người bị nghẹn do những biểu hiện xảy ra bất ngờ, thường dữ dội và liên quan đến bữa ăn. Khi bị nghẹn, thức ăn có thể gây tắc ở cổ họng, thực quản, khí quản hoặc cả hai.
Nếu thức ăn làm bít tắc thực quản: Người bệnh đang ăn bỗng thấy khó nuốt và bằng mọi cách sẽ cố nuốt dẫn đến nấc và nôn oẹ. Theo phản xạ, thức ăn sẽ di chuyển vào khí quản. Lúc này, người bị nghẹn ho sặc sụa, nói không ra tiếng, khó thở tùy từng mức độ, có thể bị nghẹt thở.
Nếu thức ăn làm tắc khí quản: Người bị nghẹn đột nhiên thở khó, sắc mặt đỏ tía rồi tím ngắt, thần sắc lờ đờ, nấc cụt. Nếu không được xử trí kịp thời và đúng cách, chỉ trong vài phút, người bị nghẹn sẽ trong tình trạng thiếu ôxy nghiêm trọng, dẫn tới tử vong.
Xử trí cấp cứu ngay tại chỗ cho người bị nghẹn
Đối với các trường hợp bị nghẹn nói chung và người cao tuổi bị nghẹn nói riêng, việc xử trí cấp cứu ngay tại chỗ cho người bệnh bằng cách khai thông đường thở vô cùng quan trọng. Biện pháp này được thực hiện trong các trường hợp người bị nghẹn nhưng vẫn tỉnh táo. Khi đó, nhanh chóng để nạn nhân ngồi, hơi cúi nửa người trên ra phía trước. Động viên họ gắng sức ho mạnh vì khi ho sẽ tạo ra dòng khí nhằm đẩy thức ăn ra ngoài đường hô hấp hoặc ít ra cũng tạo được khe hở cho việc thở.Người cấp cứu đứng đằng sau, để nạn nhân ngồi hơi cúi về phía trước, ôm ngang bụng nạn nhân, hai tay khóa chặt, dùng ngón cái miết mạnh vào bụng trên 4 lần theo chiều lên miệng nạn nhân. Làm vài lần để đẩy thức ăn ở khí quản, ở cửa thanh môn ra hoặc tạo khe hở để phục hồi chức năng hô hấp.
Nếu người bị nghẹn bị bất tỉnh, cần cho nạn nhân nằm nghiêng, lấy ngón tay ấn lưỡi nạn nhân xuống, dùng khuỷu tay đánh mạnh 4 cái vào vùng lưng chỗ giữa hai xương bả vai. Hoặc để nạn nhân nằm ngửa, đầu ngả ra sau, người làm cấp cứu tỳ chặt khuỷu tay (có thể hai tay đan chặt) vào bụng nạn nhân, hích 4 cái hướng vào trong lên trên. Mục đích vẫn là tạo dòng không khí từ phổi, đẩy phần tắc nghẽn ra, tạo thông đường thở cho bệnh nhân.
Ung thư thực quản - một nguyên nhân gây nuốt nghẹn.
Nếu thức ăn đặc, nhầy, dính như bánh trôi, bánh gatô... thì ngoài cách cấp cứu nêu trên, phải để nạn nhân nằm nghiêng, dùng hai ngón tay móc hoặc kẹp thức ăn bị tắc ra. Chỉ cần lách được khe hở là có thể cứu sống được bệnh nhân.
Nếu áp dụng các phương pháp trên mà tình trạng bệnh nhân vẫn không được cải thiện, cần hô hấp nhân tạo ngay bằng cách để nạn nhân nằm ngửa trên nền nhà (trên nền cứng), nắm hai tay nạn nhân ép xuống ngực nạn nhân rồi nhấc lên cao quá vai, làm liên tục. Sau đó nhanh chóng chuyển nạn nhân tới cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.
Điều trị và dự phòng nghẹn như thế nào?
Việc điều trị phụ thuộc vào các nguyên nhân gây nuốt nghẹn: Tập cho cơ nuốt đối với bệnh nhân bị các bệnh về não, thần kinh, cơ. Dùng thuốc điều trị các trường hợp bị khó nuốt do chứng ợ nóng, viêm thực quản, ngăn chặn acid từ dạ dày trào ngược lên thực quản. Nếu bị nhiễm khuẩn ở thực quản, phải điều trị bằng thuốc kháng sinh. Đối với bệnh nhân bị chứng khó nuốt nghiêm trọng, sonde dạ dày. Thay đổi các loại thức ăn, dùng thức ăn lỏng để nuốt dễ dàng hơn. Nong giãn thực quản. Nội soi để lấy các dị vật mắc kẹt trong thực quản. Phẫu thuật để cắt bỏ khối u, túi thừa, lấy dị vật…
Đối với người cao tuổi, nuốt nghẹn là do sự lão hóa không thay đổi được thì biện pháp hiệu quả nhất là thực hiện các biện pháp dự phòng, tránh tình huống có thể xảy ra bằng cách:
Thường xuyên nhắc nhở: Người nhà, người thân nên nhắc NCT ăn chậm, nhai kỹ vì khả năng nhai, nuốt kém. Bên cạnh đó làkhông bao giờ được phép giục NCT ăn nhanh để tránh tình trạng nghẹn hay hóc dị vật đường thở.
Tập trung khi ăn: NCT không nên nói chuyện khi ăn và mải mê suy nghĩ. Cũng không mang tâm trạng bực bội vào bữa ăn vì căng thẳng, lo buồn, cáu giận làm ăn mất ngon, dễ rối loạn động tác nuốt.
Ăn thức ăn mềm, dễ nuốt: Nếu có điều kiện và thời gian, người thân nên làm những loại thức ăn mềm, dễ tiêu hóa hoặc cắt thức ăn thành những miếng nhỏ cho người cao tuổi để tránh cho NCT ăn những thức ăn cứng, khó nhai, dễ gây nuốt nghẹn.
TS. Phạm Bích Đào
PS st Theo SK&ĐS