"Mùa đông với sức khỏe người cao tuổi" - Thiếu tướng Hoàng Kiền

Ngày đăng: 06:28 13/01/2018 Lượt xem: 725
         Thời tiết mùa đông thường rất bất lợi cho việc giữ gìn sức khỏe của người cao tuổi. Mùa đông năm nay với đợt rét kéo dài này và dự báo còn một số đợt rét tới sẽ có những diễn biến khác thường khó lường khác, bởi vậy vấn đề giữ gìn sức khỏe của người cao tuổi cần được mỗi người chúng ta quan tâm hơn.
         Ban Biên tập Trang Thông tin Trường Sơn xin trân trọng giới thiệu đến các đồng chí và bạn đọc chia sẻ của Thiếu tướng Hoàng Kiền về những kinh nghiệm thực tế cùng với những kết quả sưu tầm chọn lọc để nói về giữ gìn sức khỏe mùa đông đối với thế hệ những người cao tuổi chúng ta.

 
MÙA ĐÔNG VỚI SỨC KHỎE NGƯỜI CAO TUỔI

GIỮ GÌN SỨC KHOẺ NGƯỜI CAO TUỔI
         Sức khoẻ đối với người cao tuổi nhiều vấn đề đã được các giáo sư, tiến sĩ, bác sỹ nghiên cứu viết bài. Thế nhưng không phải ai cũng biết để áp dụng. Tôi gặp nhiều trường hợp bị ốm, ra đi rất thương tiếc do không biết cách giữ gìn sức khoẻ .Tuy tuổi đã cao, nhưng vẫn còn sống nhiều năm nữa nếu biết giữ gìn tốt.
         NÓI CHUNG VỀ GIỮ GÌN SỨC KHOẺ BAO GỒM:
         Ăn uống hợp lý
         Vận động toàn diện
         Bỏ thuốc, bớt rượu
         Tâm trạng thoải mái
I. ĂN UỐNG
         Ăn uống nói chung, đặc biệt ăn uống đối với người cao tuổi rất quan trọng. Ăn ít hơn lúc trẻ, ăn ít thịt ăn cá tốt hơn thịt. Ăn nhiều rau đậu, ăn đồ mềm dễ tiêu.
         Tôi nghe tin chị dâu họ bị ốm nặng bệnh viện trả về, tôi về thăm ngay. Chị tôi 89 tuổi bị bệnh tim, không ăn uống được, đưa lên viện họ bảo không chữa được. Tôi ngồi cạnh hỏi han chị vẫn nhận ra, còn biết chú Kiền. Tôi cho là do chăm sóc, chỉ có hai mẹ con gái ở với nhau, ngày nào cũng ba bữa cơm già khó nuốt, rồi không nuốt nổi. Tôi hướng dẫn các cháu cho mẹ uống sữa, ăn súp rồi ăn cháo, chị còn sống để sáng năm mừng thọ 90. Mấy hôm sau tôi về chị và con trai đang ngồi nhai bánh mì, cười nói vui vẻ. 
         Tôi đến thăm bác Đậu trung tá CCB Công binh, hai ông bà 84 tuổi vẫn nhanh nhẹn khoẻ mạnh vui tươi hoạt bát. Bà ốm cách đây hai chục năm bệnh viên trả về chờ chết. Ông đã chữa trị cho bà trong đó có phương pháp ăn uống. Bác bảo mười mấy năm nay hai ông bà cứ ngày ba bữa cháo, chẳng còn bệnh tật gì nữa.
NGƯỜI CAO TUỔI cũng như trẻ con, hãy ăn mềm, ăn cháo là tốt nhất.

 
 
II. VẬN ĐỘNG THỂ LỰC
         Hypocrate tổ sư của nền y học phương Tây cách đây 2400 năm có một câu nói vẫn được lưu truyền cho đến nay:
         1.Ánh sáng mặt trời. 3.Nước. 2. Không khí. 4. Vận động.
         Đó là nguồn gốc của sự sống và sức khoẻ. Ai muốn sống và khoẻ mạnh thì không thể thiếu được bốn thứ đó.
Từ cổ xưa người ta đã nói rằng "dòng sông không chảy là dòng sông hôi, cánh cửa không quay là cánh cửa mọt...", ngày nay cũng vậy, cái kim không dùng lâu ngày cũng han cũng gỉ, cái xe không chạy lâu ngày hỏng trục mục bi.vv. Người không vận động cũng không khoẻ người, điều đó chẳng sai.
         Vận động trước hết là lao động, lao động giúp con người trẻ lâu và sống hữu ích. Lịch sử loài người đã chứng minh, không kẻ lười biếng nào có thể sống lâu. Những người có tuổi thọ cao đều là những người cần cù, chăm chỉ và hăng hái. Theo số liệu đã thống kê 95% các cụ già sống trên 100 tuổi là những người lao động từ bé cho đến lúc qua đời
         Từ những vấn đề đã nêu trên cho thấy VẬN ĐỘNG là một vấn đề cần được nhận thức đầy đủ, quan tâm để giữ gìn sức khoẻ cho con người hiện nay.
         Trên một sườn núi ở Hy Lạp, quê hương của phong trào OLympic có khắc ba dòng chữ:
"Bạn muốn khoẻ mạnh
Hãy chạy và đi bộ"
"Bạn muốn thông minh
Hãy chạy và đi bộ"
"Bạn muốn thân hình đẹp
Hãy chạy và đi bộ"
         + Đi bộ là phương pháp luyện tập tốt nhất cho mọi lứa tuổi, đặc biệt rất phù hợp với người ở lứa tuổi trung niên trở lên.
         Chúng ta đều biết xơ vữa động mạch là hiện tượng phổ biến ở người có tuổi, thực tiễn chứng minh "đi bộ" là cách luyện tập tốt nhất làm cho động mạch từ xơ cứng trở lại mềm dẻo, đồng thời còn làm giảm lượng mỡ và các cặn bã trong máu.
         Các môn thể thao vận động quá sức dễ gây nguy hiểm, nhưng đi bộ tuyệt đối an toàn, tự ta điều chỉnh được thời gian, nhịp độ...
         Đi bộ là cách vận động thích hợp nhất cho người cao tuổi, nhất là những ai đã mắc bệnh tim mạch. Nhưng Đi bộ như thế nào cho tốt nhất ? có thể gói gọn trong ba con số là: 3, 5, 7.
3 là mỗi lần đi trên 3 km
5 là mỗi tuần đi trên 5 lần
7 là thước đo liều lượng "vừa sức", nếu quá sẽ có hại. Cách kiểm tra sau khi đi bộ như sau: Số lần đập của tim trong một phút cộng với số tuổi phải bằng 170. Ví dụ 60 tuổi thì nhịp đập sau khi đi bộ nên là 110. Nếu cao hơn là quá sức, thấp hơn là chưa đủ độ.
         + Chạy: Chạy cũng là phương pháp vận động tốt, tuỳ theo lứa tuổi, tình trạng sức khoẻ mà tập luyện cho hợp lý. Với những người bị bệnh tim mạch, huyết áp cao không nên chạy. Người cao tuổi cũng không nên chạy, hoặc chỉ nên chạy nhẹ nhàng, vì đĩa đệm đã bị xẹp xuống, chạy dễ bị lệch, xương chèn ép gây thoát vị đĩa đệm.
         + Chơi các môn thể thao như bơi lội, bóng bàn, đá cầu, thể dục dụng cụ, xà, tạ vv tuỳ theo thể lực và ý thích của từng người cho phù hợp.
         * Một số chú ý khi vận động: Không nên vận động, luyện tập vào sáng sớm. Theo quy luật đồng hồ sinh học, sáng sớm là lúc nhiệt độ cơ thể thấp, huyết áp thấp, nội tiết tố thượng thận cao gấp 4 lần buổi tối. Vận động mạnh dễ xảy ra chuyện, dễ làm tim ngừng đập. Trung niên và cao niên sáng sớm vận động mạnh, chạy đường dài, leo núi thì trăm đường hại không có một đường lợi. Xin có lời khuyên là hãy tập luyện vào buổi chiều.
Tôi về quê, nhà tôi cạnh đường, cứ khoảng 4 giờ sáng đã thấy các ông các bà goi nhau đi bộ râm ran khắp làng. Tôi thường xuyên trao đổi với thượng tá Trần Thanh Tú, đồng đội Công binh Hải quân, cứ 8 giờ tối gọi đến đã thấy anh mắc màn rồi, 4 giờ sáng gọi đến không nghe máy hỏi ra thì biết anh đang lang thang trên đường làng. Tôi tham gia, tuổi ngoài 70 đi như thế là nguy hiểm không khéo lại đột ngột mất một trưởng ban liên lạc Công binh Hải quân Nam Định.
         Rất nhiều trường hợp các cụ già dậy sớm ra ngoài bị ngã gục tại sân, cứ bảo là phải gió. Nghuyên nhân là đang trong nhà ấm, ra ngoài lạnh đột ngột mạch máu co lại, huyết áp tăng đột ngột, xuất huyết não tức thời rất nguy hiểm.
         + Cần chú ý với người cao tuổi là không tập quá lâu, không quá ít. Áp dụng nguyên tắc ba nửa giờ:
- Sáng dậy đi bộ hay tập thái cực quyền hoặc tập dưỡng sinh, yoga thời gian khoảng nửa giờ.
- Trưa nằm ngủ nửa giờ.
- Tối giành nửa giờ đi bộ nhẹ nhàng để có giấc ngủ ngon. + Ngủ: Ngủ là tạm ngừng vận động, chuyển sang trạng thái tĩnh. Đối với người cao tuổi chú ý mùa hè ngủ sớm dậy sớm, mùa đông ngủ muộn dậy muộn. Hết sức chú ý vận động khi ngủ dậy, không thay đổi tư thế đột ngột dễ gây xuất huyết não hoặc truỵ tim. 
         Có người vừa mở mắt ra đã bật thoắt dậy là chết luôn tại chỗ. Cần áp dụng quy tắc 3 nửa phút:
- Khi muốn dậy nên nằm thêm nửa phút.
- Đã dậy nên ngồi thêm nửa phút.
- Bỏ chân xuống giường nên chờ thêm nửa phút rồi mới đi.
         CẦN NHỚ RẰNG: Vận động có thể thay được thuốc, chứ thuốc không thể thay được vận động, vận động tốt nhất là đi bộ.
                                                    





 

 III. BỎ THUỐC LÁ, BỚT RƯỢU
         Thuốc lá có hại hãy cố gắng bỏ, với những người nghiện rất khó bỏ, cần có biện pháp nhưng cũng từ từ, cái gì đột ngột cũng không tốt.
         Rượu là phát minh vĩ đại của loài người sau lửa, ngày nay đã thành văn hoá rượu. Người cao tuổi hãy giữ gìn uống rượu có văn hoá và giữ sức khoẻ. 
         Nên uống rượu vang đỏ, rượu tỏi theo liều lượng hợp lý, một số loại rượu thuốc uống một chén nhỏ vào buổi tối kích thích tiêu hoá, ngủ ngon, sáng mắt.
         Nên dùng làm thuốc mà thôi
         Già thì uống ít, trẻ thời cấm ngăn.
         Uống bia nhiều cũng ảnh hưởng không tốt đến sức khoẻ. Uống bia nhiều là nguyên nhân gây ra 4 căn bệnh như sau: tim mạch, ung thư, phổi tắc nghẽn, đái tháo đường. Việt Nam ta đứng đầu Đông Nam Á, thứ Ba châu Á, gần đây có thông tin cho biết chúng ta uống bia nhiều thứ tư thế giới tính bình quân theo đầu người, cần phải tuyên truyền để giảm bớt.
         Phương pháp giã rượu xin mách: Khi đã bị say rượu bia nguy hại đến sức khoẻ, cần phải có biện pháp giã rượu ngay. Hiện nay có thuốc giã rượu bán ở các cửa hàng nhưng độ tin cậy không cao. Xin giới thiệu một số biện pháp đơn giản, hiệu quả, dễ làm:
- Uống cafe đặc, nước chè xanh.
- Uống nước mía, nước sắc lá gừng, nước củ cải trắng ép, nước rau cần ép, tinh bột sắn dây.
- Uống nước sắc củ gừng hoà mật ong.
- Ăn cháo đậu xanh.
- Ăn nõn cây chuối, hoặc nõn cây dong (có nơi còn gọi là cây chóc).
         * Bài thuốc cai rượu: dùng quả ké đầu ngựa (hái hoặc mua ở hiệu thuốc Bắc) ngâm vào rượu cho người nghiện uống là sợ rượu rồi bỏ rượu, tôi được một thầy thuốc người Hoa truyền cho đấy.
THUỐC LÁ - RƯỢU
Thuốc lá chẳng lợi chút nào
Bao nhiêu tác hại hút vào thật nguy
Muốn khoẻ hãy bỏ thuốc đi
Khó khăn cũng gắng kiên trì dứt ngay
Rượu là đồ uống chất cay
Giữ "Văn hoá rượu" đẹp hay tinh thần
Say là rước bệnh hại thân
Thế nên kiềm chế bớt dần vừa thôi
Bỏ thuốc, giảm rượu đi đôi
Cho mình thêm khoẻ, cho đời thêm vui.
IV. TÂM TRẠNG THOẢI MÁI
         1.Giữ cho tâm trạng thoải mái là biện pháp quan trọng nhất giúp ta giữ gìn sức khoẻ trong bối cảnh có rất nhiều áp lực trong cuộc sống, môi trường bị ô nhiễm, bệnh tật phát sinh, tệ nạn xã hội, tiêu cực phức tạp diễn ra hàng ngày. Người ta đã hỏi các cụ già sống trên 100 tuổi, tất cả đều có câu trả lời chung là tinh thần luôn thoải mái, yêu đời và tính cách luôn rộng lượng hướng thiện. Trạng thái tâm lý không tốt thì dù ăn uống đúng cách, tập luyện tốt đến mấy cũng đều vô ích. Để có tâm trạng thoải mái mỗi người cần kiềm chế những mặt tác động không tốt, phát huy những mặt tích cực về tâm lý để có cơ thể khoẻ mạnh.
         Xoá đi tức giận, hận thù:
         Tức giận dễ gây khối u. Với tính tình nóng nảy, dễ bực tức thì có thể chỉ trong vài phút mạch máu bị thu hẹp lại dẫn đến nghẽn mạch mà tử vong. Tâm trạng căng thẳng đáng sợ như vậy đó, cần phải kiềm, nhất là người cao tuổi.
         Lý Bạch là nhà thơ nổi tiếng nhất thời nhà Đường còn trên cả Đỗ Phủ có viết:
Vui tươi thoải mái trên đời
Là liều thuốc bổ ông trời cho ta
         2. Quên đi lo lắng : 
Lo lắng gây ra tác hại cũng rất lớn đến sức khoẻ chỉ sau giận giữ. Lo lắng tác hại đến thần kinh, làm suy giảm trí nhớ, thậm chí có thể dẫn đến mắc bệnh tâm thần, mất trí hoặc phát điên lên. Lo lắng làm tăng huyết áp, làm đau tim, làm co thắt cơ ngang ruột kết, làm giảm sự tiêu hoá gây ra viêm loét đường tiêu hoá, còn gây mệt mỏi sụt cân; có người quá lo mà chỉ một tuần gầy tọp đi gần chục ký. Lo lắng làm huỷ hoại cả thể lực và tinh thần của con người. Lo lắng làm suy giảm khả năng miễn dịch, giảm sức đề kháng chống lại các căn bệnh hiểm nghèo trong đó có ung thư, lo lắng còn là nguy cơ sinh ra bệnh tiểu đường .
         3. Hãy gạt bỏ phiền não, khép lại nỗi buồn, luôn nở nụ cười:
+ Trong cuộc sống ai cũng có lúc gặp nỗi buồn, thậm chí là đau đớn vô cùng, có thể bị thất bại về công danh sự nghiệp, có thể bị tổn thất về vật chất, đổ vỡ tình cảm, hoặc tổn thất về thân thể, có thể có việc do người khác làm cho ta buồn vv. Khi đó tạo nên trạng thái tinh thần mệt mỏi u uất, trầm cảm... thân thể rã rời. 
" Khi vui non nước cùng vui
Khi buồn trống thúc kèn đôi cũng buồn ".
         Cần phải cố gạt bỏ phiền muộn, khép lại nỗi buồn, bật ra tiếng cười cho người thêm khoẻ.
         Hãy quên đi những gì không có lợi cho sức khoẻ.
Uất hận, lo lắng, buồn rầu
“Ba thằng” nó hại, bạc đầu bại chân
Gạt phăng cái “lũ bất nhân”
Giữ tâm thanh thản, cười luôn khoẻ người
         Hãy giữ gìn sức khoẻ để hưởng thọ trăm năm các bậc cao niên ạ
Bao nhiêu tuổi vẫn chưa già
Trăm năm vẫn trẻ vui là thọ cao
         Hãy luôn lạc quan tin tưởng ở ngày mai cuộc sống sẽ đem lại nhiều điều tốt đẹp cho ta. Tất cả những việc xảy ra trong cuộc sống đều là nhất thời, không có cái gì là vĩnh viễn cả. Nếu ta luôn sống hướng thiện với tấm lòng rộng mở, yêu cuộc sống và thưởng thức cuộc sống, chấp nhận thực tế khách quan biết đủ, biết "tạm được" thì lúc nào cũng vui, luôn cảm thấy nhẹ nhõm, thanh thản tâm hồn và tất nhiên sẽ ảnh hưởng tích cực đến sức khoẻ.
XIN GỬI CÁC BẬC CAO NIÊN MẤY LỜI
         Dược bổ bất như thực bổ, có nghĩa là dùng thuốc men để trị bệnh không tốt bằng ăn uống để khỏi bệnh.
        Thực bổ bất như động bổ, có nghĩa là giữ gìn sức khoẻ do ăn uống không quan trọng bằng thường xuyên vận động thân thể. 
         Động bổ bất như tâm bổ, có nghĩa là giữ gìn sức khoẻ bằng vận động không tốt bằng làm cho tâm trí luôn thanh thản.
         Thân thể luôn khoẻ mạnh
         Tinh thần luôn minh mẫn
         Trái tim luôn trong sạch
         Là hạnh phúc trên đời.
 
Hoàng Kiền
tin tức liên quan