Những biến đổi hệ tim mạch

Ngày đăng: 07:18 18/01/2018 Lượt xem: 508

Những biến đổi hệ tim mạch

 
Suckhoedoisong.vn - Theo thời gian, quá trình lão hóa sẽ xảy ra trong cơ thể làm biến đổi chức năng hoạt động của các cơ quan, tổ chức, bộ máy cần thiết giúp duy trì sự sống nên một số bệnh lý có thể xảy ra, trong đó hệ tim mạch cũng bị ảnh hưởng.

Sự lão hóa của hệ tim mạch

Sự lão hóa hay già hóa hệ tim mạch ở người cao tuổi thường được ghi nhận từ những biến đổi ở tim, mạch máu, thành phần sinh hóa của máu và huyết áp...

Biến đổi ở tim: thực tế nếu người cao tuổi không có bệnh lý gì kèm theo thì khối lượng nặng của cơ tim thường giảm đi theo tuổi tác, hệ tuần hoàn nuôi tim cũng giảm hiệu lực làm ảnh hưởng đến sự dinh dưỡng của cơ tim. Trên lâm sàng, sự biến đổi ở tim trái rõ hơn tim phải. Nhịp tim thường chậm hơn lúc còn trẻ do giảm tính linh hoạt của xoang tim. Khi tuổi càng tăng cao, sẽ có suy giảm tim tiềm tàng, giảm dẫn truyền trong tim; lượng máu cung cấp cho các cơ quan, đặc biệt là cho tim và não bị gảm dần.

Biến đổi ở mạch máu: ở người cao tuổi thường thấy các động mạch nhỏ ngoại biên có đường kính hẹp lại, làm giảm lượng máu cung cấp cho các mô tế bào, làm tăng sức cản, hậu quả là tim phải tăng sức bóp nên bị tiêu hao nhiều năng lượng hơn, thường phải tăng đến khoảng 20% so với lúc còn trẻ. Tình trạng xơ cứng động mạch chủ cũng rất phổ biến. Tĩnh mạch giảm trương lực và độ đàn hồi do đó dễ giãn ra. Sự tuần hoàn mao mạch giảm hiệu lực do mất một số mao mạch, đồng thời tính phản ứng bù trừ của số mao mạch còn lại cũng giảm đi.

Những biến đổi hệ tim mạch

Biến đổi về thành phần sinh hóa của máu: sự biến đổi này có liên quan đến biến đổi ở hệ timmạch. Khi tuổi đã cao, nhóm bêta lipoprotein tăng, đồng thời nhóm alpha lipoprotein giảm. Hoạt tính của men lipase phân hủy lipoprotein giảm dần. Lượng lipid toàn phần, triglycerid, axít béo không este hóa, cholesterol trong máu đều tăng. Khi ăn thức ăn có chất mỡ, máu tăng đông, hệ thống tiêu fibrin không tăng theo, các tiểu cầu dễ dính vào nhau. Nếu có hiện tượng tăng huyết áp thì các đặc điểm này lại càng rõ.

Biến đổi về huyết áp: ở người khỏe mạnh nhưng khi tuổi cao thì huyết áp động mạch thường có tăng theo nhưng không vượt quá giới hạn cho phép, huyết áp tối đa tăng 29mmHg và huyết áp tối thiểu tăng 8,6mmHg so với lúc còn trẻ. Khi chỉ số huyết áp tối đa quá 160mmHg và huyết áp tối thiểu quá 95mmHg thì tình trạng tăng huyết áp không còn là hiện tượng bình thường nữa.

Bệnh lý tim mạch thường gặp

Ở người cao tuổi, bệnh lý tim mạch thường gặp là cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, tăng huyết áp, xơ vữa động mạch; ngoài ra còn gặp bệnh tâm phế mạn, rối loạn nhịp tim và dẫn truyền, suy tim, tắc nghẽn động mạch.

Cơn đau thắt ngực: đây là cơn đau thắt từng cơn ở vùng tim do thiếu máu cơ tim và là hậu quả của một tình trạng mất cân bằng tạm thời giữa sự cung cấp và nhu cầu oxy cần thiết, tình trạng này có thể phục hồi được một cách tự nhiên. Cơn đau thắt ngực khởi phát chủ yếu do gắng sức, khi thời tiết trở lạnh hoặc sau khi ăn no. Vị trí đau ở giữa phía sau xương ức, đau kiểu co thắt đè nặng hay cảm giác bị ép, có khi đau rát, đôi khi gây ngạt thở. Đau thường lan lên cổ, xương hàm, vai hoặc lan ra cánh tay, bờ trong của cẳng tay đến tận ngón 4, 5 ở một hay cả hai bên. Thời gian của cơn đau thường ngắn khoảng 2 - 5 phút và mất dần sau khi ngưng gắng sức hoặc dùng thuốc giãn mạch vành. Đồng thời có các triệu chứng khác đi kèm với cơn đau như: khó thở nhanh và nông, đánh trống ngực, hồi hộp, buồn nôn, chóng mặt, vã mồ hôi, có trường hợp xuất hiện đi tiểu nhiều.

Tai biến mạch máu não: còn gọi là cơn đột quỵ xảy ra khi nguồn cung cấp máu cho một phần của não bộ bị gián đoạn hoặc suy giảm nghiêm trọng, làm thiếu hụt oxy cung cấp và dinh dưỡng mô tế bào não; chỉ trong vòng vài phút các tế bào não sẽ bắt đầu chết. Tai biến mạch máu não phải được xử trí cấp cứu, việc điều trị sớm rất quan trọng vì can thiệp kịp thời có thể giảm thiểu tổn thương não và các biến chứng tiềm tàng. Bệnh lý này có thể ngăn ngừa được nhờ biện pháp kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ gây nên đột quỵ như: cao huyết áp, hút thuốc lá, cholesterol cao... Các triệu chứng lâm sàng thường gặp như: có hiện tượng khó đi lại, có thể vấp ngã hoặc chóng mặt đột ngột, mất thăng bằng hoặc mất sự phối hợp; nói và hiểu có sự nhầm lẫn, nói khó hoặc không thể giải thích những gì đang xảy ra giống như mất ngôn ngữ, lặp lại một câu nói đơn giản nhưng không thể được; bị tê liệt hoặc tê ở một bên cơ thể hay khuôn mặt, có thể phát triển tê liệt, yếu hoặc liệt ở một bên của cơ thể đột ngột, nâng cao cả hai tay trên đầu một lúc thấy một cánh tay bắt đầu yếu, một bên miệng có thể bị trễ xuống khi cố gắng để cười; có hiện tượng với tầm nhìn ở một hoặc cả hai mắt, có thể đột nhiên bị mờ mắt hoặc tối mắt hay nhìn đôi; bất ngờ bị nhức đầu nghiêm trọng có thể kèm theo nôn mửa, chóng mặt hay thay đổi ý thức...Nhồi máu cơ tim: phần lớn các trường hợp nhồi máu cơ tim là do cục máu đông hiện diện trong lòng mạch máu nuôi tim gọi là động mạch vành làm tắc mạch máu. Thường động mạch vành cung cấp máu và oxy đến để nuôi tim, nếu mạch máu bị tắc thì tim sẽ thiếu oxy và tế bào cơ tim sẽ chết. Ngoài ra, nhồi máu cơ tim cũng còn có thể do các mảng xơ vữa làm tắc hẹp động mạch vành. Tóm lại nhồi máu cơ tim xảy ra khi dòng máu nuôi tim bị tắc nghẽn một phần hay hoàn toàn trong một thời gian dài đủ lâu làm cho cơ tim bị tổn thương hay bị chết. Triệu chứng thường gặp nhất là đau ngực; có thể có cảm giác đau nhói ngực vùng trước tim, lan ra vai, tay, lên cổ, răng, hàm hoặc lan ra sau lưng; đôi khi chỉ có cảm giác nặng ngực như bị bóp chặt quanh ngực; cơn đau có thể nhẹ hoặc nặng. Cảm giác đau có thể chỉ là cảm giác ăn không tiêu, đau vùng thượng vị, dễ nhầm lẫn với trường hợp đau dạ dày nên bị bỏ sót. Các triệu chứng khác cũng được ghi nhận như: lo lắng, ho, mệt, chóng mặt, đau đầu, buồn nôn, nôn, hồi hộp, thở dốc, đổ mồ hôi. Lưu ý ở người cao tuổi đôi khi chỉ thấy đau ngực nhẹ hoặc không đau hay có những dấu hiệu không thường gặp như thở dốc, mệt; thực tế có trường hợp nhồi máu cơ tim yên lặng là cơn nhồi máu không có triệu chứng.

Tăng huyết áp: ở một người lớn bình thường, hiện tượng tăng huyết áp được xác định khi huyết áp tâm thu bằng hoặc trên 140mmHg và huyết áp tâm trương bằng hoặc trên 90mmHg. Việc xác định này tuy đơn giản nhưng có nhược điểm là chỉ số huyết áp không hoàn toàn ổn định và huyết áp thường thay đổi theo tuổi tác, giới tính. Phần lớn bệnh nhân tăng huyết áp không có triệu chứng gì cho đến khi phát hiện được bệnh, thực tế đau đầu vùng chẩm là triệu chứng thường gặp; các triệu chứng khác có thể gặp là choáng, hồi hộp, mệt, khó thở, mờ mắt... không đặc hiệu; một số triệu chứng tăng huyết áp có thể tùy thuộc vào nguyên nhân hoặc biến chứng tăng huyết áp. Ngoài ra phải đo huyết áp đúng phương pháp để xác định tình trạng tăng huyết áp với các chỉ số cụ thể.

Xơ vữa động mạch: đây là một sự phối hợp các hiện tượng thay đổi cấu trúc nội mạc của những động mạch lớn và vừa bao gồm sự tích tụ cục bộ chất lipid, glucid, máu và các sản phẩm của máu, mô xơ và cặn lắng axít; hiện tượng này kèm theo sự thay đổi lớp trung mạc. Có thể nói xơ vữa động mạch là hiện tượng xơ hóa thành động mạch trung bình và động mạch lớn, biểu hiện chủ yếu là sự lắng đọng mỡ và các màng tế bào tại lớp bao trong thành động mạch gọi là mảng vữa. Triệu chứng xơ vữa động mạch diễn biến qua 3 giai đoạn gồm: giai đoạn tiềm tàng chưa có biểu hiện bệnh lý, giai đoạn lâm sàng có triệu chứng thiếu máu của cơ quan điển hình, giai đoạn biến chứng các cơ quan do sự thiếu máu cục bộ gây ra; triệu chứng thường phụ thuộc vào các cơ quan bị tổn thương. Việc chẩn đoán căn cứ vào nhiều dấu hiệu lâm sàng và kết quả thăm dò cận lâm sàng, không có một tiêu chuẩn rõ rệt; có thể có các rối loạn cơ năng do thiếu máu cục bộ cơ quan hoặc ngoại biên, sự hiện diện của yếu tố nguy cơ, xem xét tình trạng động mạch ngoại biên, dựa vào kết quả xét nghiệm soi đáy mắt, xét nghiệm bilan lipid, chụp động mạch cản quang, siêu âm doppler.

Bệnh tâm phế mạn: đây là bệnh lý xảy ra do sự lớn rộng của tâm thất phải vì hiện tượng phì đại hay giãn ra thứ phát của tâm thất phải sau những rối loạn hay bệnh lý của hệ hô hấp. Bệnh lý này thường do một bệnh bên trong chủ mô phổi; vài trường hợp có thể do bất thường của sự chỉ huy thông khí phổi, tổn thương lồng ngực hay hệ thống cơ hô hấp, cũng có thể do những bệnh lý của tuần hoàn phổi. Tình trạng tăng áp lực phổi luôn luôn đi trước bệnh tâm phế mạn trong đó có suy tim phải. Triệu chứng vào giai đoạn đầu được ghi nhận là triệu chứng lâm sàng của bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính gồm viêm phế quản mạn tính, khí phế thũng do thuốc lá, hen phế quản kéo dài trong đó sự phục hồi phế quản kém, giãn phế quản thường xảy ra những đợt khởi phát cấp tính, sau mỗi đợt khởi phát bệnh lại nặng thêm; những bệnh phổi hạn chế gồm lao xơ phổi, giãn phế nang, mập phì, gù vẹo cột sống, dị dạng lồng ngực, bệnh xơ phổi lan tỏa, dày dính màng phổi, bệnh mạch phổi. Sau đó chuyển sang giai đoạn tăng áp lực động mạch phổi và giai đoạn suy tim phải.

Rối loạn nhịp tim và dẫn truyền: xảy ra khi các xung điện trong tim, dẫn truyền tạo nhịp tim không hoạt động đúng làm tim đập quá nhanh, quá chậm hoặc đột ngột. Rối loạn nhịp tim thường có nhịp tim đập không đều và cảm thấy trống ngực, tuy nhiên cũng có trường hợp gây khó chịu, thậm chí đe dọa đến tính mạng, gây ra dấu hiệu và triệu chứng bệnh lý. Triệu chứng lâm sàng thường gặp là rung động trong lồng ngực, nhịp tim nhanh hoặc chậm, đau ngực, khó thở, hoa mắt, chóng mặt, ngất xỉu. Lưu ý trường hợp rung thất là một loại rối loạn nhịp tim gây chết người xảy ra khi tim đập nhanh, xung điện dẫn truyền thất thường.

Suy tim: đây là trạng thái bệnh lý do cơ tim mất khả năng cung cấp máu theo nhu cầu của cơ thể, lúc đầu thường xảy ra khi gắng sức rồi sau đó có thể gặp cả khi nghỉ ngơi. Quan niệm này đúng cho đa số các trường hợp, nhưng chưa giải thích được những trường hợp suy tim có cung lượng tim cao và cả trong giai đoạn đầu của suy tim mà cung lượng tim còn bình thường. Ở giai đoạn đầu của suy tim, người bệnh thường không có biểu hiện bệnh lý nhưng khi tình trạng suy tim đã tiến triển thì một số dấu hiệu có thể xuất hiện như: hụt hơi, khó thở; ban đầu người bệnh chỉ khó thở nhẹ mỗi khi gắng sức nhưng về sau khó thở xảy ra cả khi nghỉ ngơi khiến người bệnh ngủ không ngon giấc, thậm chí mất ngủ. Mệt mỏi và cảm giác như bị suy nhược cơ thể. Tức nặng ngực như có vật đè nén, ép chặt vào ngực. Ho khan bởi máu bị ứ lại tại phổi. Hoa mắt, chóng mặt, có thể ngất xỉu khi tim hoạt động không hiệu quả. Nhịp tim nhanh, hồi hộp, trống ngực ngay cả khi nghỉ ngơi. Phù và tăng cân do suy tim khiến máu trong cơ thể lưu thông kém và giảm đào thải dịch qua thận, gây tích tụ nước dẫn tới phù, rõ nhất là ở mắt cá chân, bàn chân. Ngoài ra, người bệnh suy tim còn có thể có các triệu chứng đi tiểu đêm, đầy hơi, buồn nôn hoặc chán ăn…

Tắc nghẽn động mạch: tình trạng tắc nghẹn động mạch trở thành bệnh lý khi xuất hiện các mảng bám tích tụ ở bên trong thành động mạch. Các mảng bám này được hình thành từ một số chất lưu thông trong máu gồm chất béo, cholesterol, chất thải của các tế bào, calci và fibrin là một chất có liên quan đến vấn đề đông máu. Những mảng bám sẽ làm hẹp hoặc làm tắc nghẽn các động mạch dẫn đến tình trạng lưu thông máu đi đến các bộ phận của cơ thể gặp khó khăn. Những vị trí thường tắc nghẽn phổ biến nhất của động mạch là ở tim, não, cánh tay và chân, thận, khung xương chậu và vùng bụng. Triệu chứng bệnh lý phụ thuộc vào vị trí của các mảng bám vào động mạch bị tích tụ tương ứng; thường gặp phổ biến ở động mạch vành, động mạch ngoại biên và động mạch cảnh. Bệnh động mạch vành xuất hiện khi các mảng bám tích tụ bên trong những động mạch có chức năng vận chuyển máu đến tim gây các cơn đau tim; bệnh có một số triệu chứng thường gặp như đau thắt ngực, thở ngắn, chóng mặt, cơ thể suy yếu, đổ mồ hôi nhiều, buồn nôn và tim đập nhanh. Bệnh động mạch ngoại biên xảy ra khi có tình trạng tắc nghẽn những động mạch có chức năng vận chuyển máu đến phần chân phía dưới và những nơi xa nhất của cơ thể; các triệu chứng thường gặp là đau chân, tê cóng ở ngón chân và bàn chân, lạnh chân, chân khó lành khỏi khi có vết thương. Bệnh động mạch cảnh xảy ra do các động mạch có chức năng cung cấp oxy lên não bị tắc nghẽn dẫn đến nguy cơ đột quỵ; những triệu chứng thường gặp là tê cứng hoặc suy yếu cảm giác ở một bên cơ thể, mất thị lực ở một bên mắt hay không có khả năng di chuyển một cánh tay hoặc một chân. 

Lời khuyên của thầy thuốc
Cao tuổi không phải là bệnh lý nhưng người tuổi đã cao sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các bệnh lý phát sinh và phát triển do sự biến đổi chức năng các bộ phận của cơ thể theo thời gian, trong đó có tình trạng lão hóa hệ tim mạch. Chính sự biến đổi này đã dẫn đến những bệnh lý tim mạch thường gặp đã nêu ở trên. Vì vậy khi có dấu hiệu bệnh lý, người cao tuổi cần đến cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán, xử trí can thiệp điều trị kịp thời và phù hợp; không được chủ quan vì có thể ảnh hưởng đến tình trạng sức khỏe kể cả tính mạng của chính bản thân mình.

BS. NGUYỄN TRÂM ANH
PS st Theo SK&ĐS


tin tức liên quan