Trong những ngày gần đây, cổ động viên, người hâm mộ bóng đá Việt Nam nói riêng và cả hơn 90 triệu người dân Việt Nam nói chung như đang được sống trong không khí "còn vui hơn Tết" sau khi chứng kiến những gì các cầu thủ U23 Việt Nam vừa đem về từ giải Vô địch U23 châu Á 2018.
Mặc dù không thể đem về được chiếc cúp vô địch cho người hâm mộ, nhưng với những gì mà các cầu thủ U23 thể hiện, một bản lĩnh chiến đấu ngoan cường, lối chơi fair play vô điều kiện đã khiến các cầu thủ trở thành những nhà vô địch thực sự trong lòng người hâm mộ.
|
Bầu Đức là người trực tiếp đàm thảo và giới thiệu đưa thầy Park về làm HLV trưởng của U23 Việt Nam. (ảnh: Đông Huyền) |
Thế nhưng ít ai để ý, đứng đằng sau thế hệ cầu thủ tài năng của bóng đá Việt Nam là những cái tên không mấy xa lạ trên thương trường. Những người với tiềm lực kinh tế của mình, đã đặt những viên gạch móng đầu tiên cho đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam. Trong đó, cái tên đầu tiên nên được nhắc đến chính là Bầu Đức.
Trong danh sách 25 cầu thủ được triệu tập cho vòng chung kết U23 châu Á lần này, 6 cái tên đến từ CLB Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức. Danh sách bao gồm tiền đạo Nguyễn Công Phượng, 4 tiền vệ là Nguyễn Phong Hồng Duy, Châu Ngọc Quang, Nguyễn Văn Toàn, Lương Xuân Trường và hậu vệ A Hoàng.
Những cái tên đã rất quen thuộc với người hâm mộ Việt Nam trong màu áo U19 Hoàng Anh Gia Lai và rồi là U19 đội tuyển Quốc gia như Công Phượng, Xuân Trường, Văn Toàn… Đây đều là những cầu thủ thuộc thế hệ đầu tiên của học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai – JMG do bầu Đức sáng lập và được kỳ vọng rất lớn làm nên tương lai cho bóng đá Việt Nam.
|
Lứa Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh thuở mới gia nhập học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG |
Tính cả trận ra sân với U23 Qatar, cá nhân cầu thủ Công Phượng đã có 49 lần thi đấu cho đội tuyển U23 Việt Nam. Một cầu thủ khác thuộc biên chế HAGL đóng vai trò là linh hồn trong lối chơi của đội tuyển U23 Việt Nam, tiền vệ đội trưởng Lương Xuân Trường. Hiện tại Xuân Trường đang thi đấu trong màu áo Câu lạc bộ Gangwon FC của Hàn Quốc.
Ngày 5/3/2007, bầu Đức động thổ xây dựng Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG trên khu đất là 5 ha cao su. Đây là một quyết định gây sốc bởi lúc đó, những cây cao su được chặt bỏ đang ở tuổi thu hoạch (bình quân 300 triệu/ha/năm - thời điểm năm 2007). Quyết định xây dựng học viện bóng đá thời bấy giờ của Bầu Đức từng nhận được vô vàn lời chỉ trích và nghi ngờ của dư luận. Nhưng nhìn thành quả ngày hôm nay của các cầu thủ U23, chứng tỏ quyết định của ông ngày ấy là đúng.
Sự tâm huyết của bầu Đức với bóng đá thể hiện ở chỗ, ngay cả trong thời điểm khó khăn nhất, khi phải tái cơ cấu toàn bộ Hoàng Anh Gia Lai, phải tháo chạy khỏi bất động sản trong nước, phải bán các công ty thuỷ điện… thì ông bầu vẫn giữ lại bóng đá – một mảng không sinh lời cho doanh nghiệp, không thể giúp các chỉ số tài chính trở nên tốt hơn.
Ông Đoàn Nguyên Đức cho rằng, chỉ có công tác đào tạo bài bản mới sản sinh ra những lứa cầu thủ vừa có tài năng, vừa có đạo đức, nhân cách và hành xử đúng mực, đồng thời có trình độ văn hóa. “Đổ tiền đào tạo trẻ, tôi chấp nhận thực tế rằng đầu tư bóng đá mất rất nhiều thời gian. Phải mất ít nhất 7 năm mới có một lứa cầu thủ đủ độ chín như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường…”, bầu Đức chia sẻ.
Ngoài những đóng góp mang tính nền móng xây dựng bóng đá trẻ, mới đây nhất, người hâm mộ cũng được biết chính ông bầu Đoàn Nguyên Đức là người đã giới thiệu HLV Park Hang Seo làm HLV trưởng của tuyển U23 Việt Nam.
Sau khi HLV Nguyễn Hữu Thắng từ chức, Liên đoàn bóng đá Việt Nam - VFF đã họp và báo cáo lên Tổng cục Thể dục thể thao về chủ trương mời huấn luyện viên ngoại dẫn dắt đội tuyển Việt Nam. Có 15 ứng viên với bản lý lịch rất tốt nhưng các cuộc đàm phán gữa VFF với họ đều bất thành mà lý do chính đều đến từ vấn đề tiền lương.
Tại thời điểm đó, đại diện VFF gồm ông Trần Quốc Tuấn (Phó chủ tịch thường trực VFF), ông Đoàn Nguyên Đức (Phó chủ tịch phụ trách tài chính) và Lê Hoài Anh (Tổng thư ký) đã sang Hàn Quốc bàn thảo với ông Park tại sân vận động FIFA World Cup 2002 ở Seoul. Sau khi thương thảo thành công, ông Park Hang-Seo đã đồng ý ký hợp đồng, giữ vị trí huấn luyện viên trưởng của Đội tuyển bóng đá Việt Nam.
Bầu Đức từng có chia sẻ: “Năm 2002, Hàn Quốc là thứ 4 thế giới và ông Park là trợ lý phó của HLV danh tiếng Guus Hiddink. Ở châu Á lúc đó không ai hơn ông Park. Tôi đã nghiên cứu thành tích rồi mới đi sâu vào tìm hiểu. Tôi không coi trọng bằng cấp trên giấy tờ mà phải tìm hiểu trên nhiều kênh thông tin sâu cũng như các mối quan hệ với Hàn Quốc sẵn có. Hiện tại ông Park đã chứng minh được năng lực của mình".
Chia sẻ với báo chí về quyết định chọn Huấn luyện viên Park Hang seo, ông Đoàn Nguyên Đức tâm sự:
“Nói thật, đội tuyển U-23 Việt Nam mà thua ở sân chơi này bằng một lối chơi khác thì tôi chính là người “ăn đòn” đầu tiên” .
May mắn của tôi là nhờ quan hệ tốt với các LĐBĐ Nhật Bản, Hàn Quốc nên rất dễ dàng trong việc mời thầy giỏi cho bóng đá Việt Nam. Chỉ mất vài ngày, chúng tôi quyết định chọn ông Park Hang-seo. Tôi không quan trọng bằng cấp, chỉ biết rằng cả làng HLV châu Á không có ai giỏi hơn ông ta, qua thành tích trợ lý số một của Guss Hiddink từng giúp Hàn Quốc đoạt hạng 4 World Cup 2002, thế thôi!
Tôi ấn tượng HLV Park Hang-seo là chỉ có bấy nhiêu cầu thủ từng thua ở SEA Games nhưng ông biết sắp xếp vị trí một cách tuyệt vời, cả trong đội hình xuất phát và thay người! Tôi không muốn khen cá nhân nào, vì tất cả đều quá hay!”.
Nhớ lại khi mời HLV Park Hang-seo, tôi nghe không biết bao nhiêu lời đàm tiếu. Người ta nghi ngờ đủ kiểu, rằng tôi cục bộ, muốn đưa ông thầy Hàn Quốc về làm đội tuyển để ưu ái cầu thủ HA Gia Lai. Trời đất, tôi có bao giờ can thiệp hay tác động HLV làm chuyện đó đâu".
Ông Bầu "mát bóng đá" cũng cho biết thêm, mọi chiến thắng không có yếu tố may mắn. Các chiến công vừa qua của U23 không từ trên trời rơi xuống, cũng không có chuyện ăn may mà là quả ngọt từ chặng đường dài đầu tư của các lò đào tạo trẻ. Các cầu thủ của U23 không phải là tay ngang mà đều đến lò đào tạo như học viện HAGL Arsenal JMG, PVF, Hà Nội, Viettel...