10 huyệt vị trị cảm cúm

Ngày đăng: 09:27 30/03/2018 Lượt xem: 572

10 huyệt vị trị cảm cúm

Suckhoedoisong.vn - Làm gì để phòng chống cảm cúm? Ngoài việc tiêm phòng vaccin, dùng thuốc tân dược, xin giới thiệu với bạn đọc một phương pháp xoa bóp bấm huyệt để phòng bệnh

Làm gì để phòng chống cảm cúm? Ngoài việc tiêm phòng vaccin, dùng thuốc tân dược, xin giới thiệu với bạn đọc một phương pháp xoa bóp bấm huyệt phòng bệnh để bạn đọc tham khảo khi cần thiết.

Huyệt nghinh hương.

Huyệt nghinh hương.

Khi bị chứng bệnh này, bệnh nhân chủ yếu có các biểu hiện ở vùng đầu mặt cổ nên ta có thể tự ngồi trước gương chọn tư thế phù hợp lần lượt làm các động tác sau đây:

Miết dọc sống mũi: Bệnh nhân ngồi ngay ngắn xoa tay cho ấm, dùng hai ngón tay trỏ miết nhẹ từ huyệt toản trúc (huyệt ở đầu cung lông mày) xuống cánh mũi 20 – 30 lần với mục đích tăng lượng nhiệt cho cánh mũi nhằm lưu thông khí huyết, kích thích niêm mạc mũi tiết dịch bảo vệ cửa ngõ hô hấp của cơ thể.

Huyệt phong trì.

Huyệt phong trì.

Day ấn huyệt nghinh hương: Dùng ngón tay giữa hoặc ngón tay trỏ day ấn đồng thời hai huyệt nghinh hương trong 1 phút sao cho đạt cảm giác căng tức cả hai cánh mũi và gò má là được. Vị trí huyệt nghinh hương: từ chân cánh mũi ngang ra, huyệt ở trên rãnh mũi mép.

Xát gáy và day ấn huyệt phong trì: úp hai lòng bàn tay ra sau gáy lần lượt xát qua lại từ chẩm đến hết cổ gáy cho tới khi ấm nóng là được với mục đích khu phong tán hàn. Tiếp đó, dùng hai ngón tay cái day ấn đồng thời cả hai huyệt phong trì trong 1 phút với một lực tương đối mạnh sao cho đạt cảm giác căng tức cả vùng gáy và nửa đầu sau là được. Vị trí huyệt phong trì: ở chỗ lõm dưới xương chẩm, bên ngoài khối cơ nổi sau cổ, khi ấn có cảm giác tức nặng, mỗi bên một huyệt.

Miết dọc sống mũi.            

Miết dọc sống mũi.

Dùng cả bàn tay chụm giữa trán (ở huyệt ấn đường) rồi miết tỏa hai bên thái dương sát lông mày và chân tóc trước trán rồi ngược lại, làm 10 - 20 lần như vậy.

Day ấn huyệt thái dương: Dùng ngón tay giữa day ấn đồng thời hai huyệt thái dương từ nhẹ đến nặng trong 2 phút sao cho đạt cảm giác căng tức là được. Vị trí huyệt thái dương: ở đuôi mắt đo ra sau 1 thốn.

Day bấm huyệt bách hội: Dùng ngón tay trỏ day nhẹ nhàng huyệt bách hội với lực thấm sâu, từ 1 - 3 phút với mục đích tăng phần dương khí tán hàn, hoạt huyết khu phong trị đau đầu. Vị trí điểm giao nhau của đường chính giữa cơ thể và đường nối điểm cao nhất của hai vành tai.

Day ấn huyệt khúc trì: Dùng ngón tay nhỏ hoặc ngón tay giữa day ấn huyệt khúc trì với một lực tương đối mạnh trong 1 phút sao cho đạt cảm giác căng tức lan xuống bàn tay là được. Vị trí huyệt khúc trì: gập cẳng tay vào cánh tay, bàn tay để phía trên ngực cho nổi rõ nếp gấp khuỷu, đánh dấu đầu ngoài nếp gấp khuỷu để xác định vị trí huyệt rồi đặt tay lại cho cẳng tay vuông góc với cánh tay để day bấm.

Day ấn huyệt hợp cốc: Dùng ngón tay cái day ấn huyệt hợp cốc từng bên, mỗi bên 1 – 2 phút sao cho đạt cảm giác căng tức lan sang ngón tay út là được. Vị trí huyệt hợp cốc: ở chỗ lõm giữa hai xương ngón tay thứ nhất và thứ hai (ngón cái và ngón trỏ), dùng ngón tay cái ấn men theo bờ xương bàn tay thứ hai tìm điểm khi ấn có cảm giác đau tức nhất và lan sang ngón tay út thì đó là vị trí của huyệt.

Xoa sát huyệt thận du và mệnh môn: Người bệnh ngồi ngay ngắn, úp hai lòng bàn tay vào huyệt thận du và mệnh môn. Xoa xát nhiều lần với lực đối kháng sao cho thắt lưng ấm nóng lên là được. Vị trí: Gióng ngang xương sườn cụt ra sau, dưới gai sống thắt lưng 2, đo ngang ra 1, 5 thốn, ở giữa là huyệt mệnh môn.

Vuốt mũi.

Vuốt mũi.

Day bấm huyệt thái xung: Dùng ngón tay trỏ hay giữa day nhiều lần nhiều thái xung đạt tới căng tức là được. Với mục đích thanh nhiệt, hạ sốt tiêu viêm... Vị trí sau khe giữa ngón chân 1 và 2, đo lên 1, 5 thốn, huyệt ở chỗ lõm tạo nên bởi 2 đầu xương ngón chân 1 và 2.

Chú ý: Để đạt hiệu quả phòng và trị bệnh, cần can thiệp sớm, thao tác nhẹ nhàng, chậm rãi thấm sâu, không làm qua loa đại khái, kiên trì làm hằng ngày. Sau xoa bóp có thể kết hợp ăn bát cháo hành (cả rễ), tía tô nóng rồi nằm nghỉ nơi kín gió để nâng cao hiệu quả. Trong khẩu phần ăn hằng ngày có thể thêm các thức ăn, gia vị có tính chất cay, nóng, có tinh dầu có tinh chất sát khuẩn như: gừng, tỏi, sả, bạc hà... Vệ sinh mũi họng hằng ngày bằng nước muối sinh lý 0,9%. Tốt nhất là nước tỏi sống pha loãng.

Lương y Chu Văn Tiến

tin tức liên quan