Bầu Đức đã đi vào lịch sử bóng đá Việt Nam như thế nào?
Ông bầu phố núi nói việc rút đội bóng Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) ra khỏi V-League là vạn bất đắc dĩ bởi ông “không muốn đi vào lịch sử bóng đá Việt Nam theo cách này”. Cùng nhìn lại những cột mốc để xem ông bầu thẳng thắn hay “dỗi hờn” này đã đi vào lịch sử môn thể thao vua như thế nào.
Mới đây, ông Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai, ông bầu nổi tiếng vì có nhiều công lao đối với nền bóng đá trẻ nước nhà, đặc biệt với thành tựu của đội tuyển U23 vừa tuyên bố bỏ đầu tư cho bóng đá dù 20 năm qua đã đổ hàng nghìn tỷ vào môn thể thao này.
Đoàn Nguyên Đức - ông bầu thẳng thắn, có nhiều công lao với bóng đá trẻ Việt Nam
Báo chí trong nước bình luận, nếu bầu Đức bỏ bóng đá thì đó chắc chắn sẽ là một nốt trầm xao xuyến đối với nền túc cầu non trẻ của nước nhà bởi thành tựu ngày hôm nay đã ít nhiều in dấu ấn của ông.
“Tôi không muốn đi vào lịch sử bóng đá Việt Nam theo cách này một chút nào cả. Nhưng tôi phải làm để người ta thấy điều bất hợp lý không bao giờ tồn tại mãi mãi”, bầu Đức chia sẻ.
Ai cũng hiểu câu nói trên của bầu Đức có ngụ ý nhắm đến việc ông bầu Trần Anh Tú đang nắm giữ cùng lúc nhiều chức vụ quan trọng tại liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) cùng quá nhiều lùm xùm về nhân sự cũng như chi tiêu tại liên đoàn này.
“Tôi từng nhiều lần đi vào lịch sử bóng đá Việt Nam, từ thời Kiatisak cho đến những lần khai sinh Học viện bóng đá JMG, tham gia thành lập VPF, đi tìm và trả hai năm tiền lương cho HLV Park Hang-seo gây tiếng vang cho đội U.23 ở giải châu Á,… Nhưng lần này, việc tôi bỏ V-League và tính cửa cho cầu thủ HAGL đi chơi các giải nước ngoài bởi có một số người trong VFF tham quyền cố vị một cách quá lì lợm” - ông Đức mới đây đã chia sẻ với báo chí.
Thật vậy, còn nhớ khi mới bước chân vào bóng đá năm 2001, ông bỏ ra mỗi năm hơn 10 tỷ đồng đầu tư cho môn thể thao mà mình đam mê này.
Chỉ một năm sau, năm 2002, ông trở nên nổi tiếng vì đưa được chân sút số một Đông Nam Á Kiatisak Senamuang của đội tuyển Thái Lan về đội bóng của mình bằng bản hợp đồng được ký vào tháng 3/2002.
Bầu Đức đã từng đưa chân sút số một Đông Nam Á Kiatisak Senamuang của đội tuyển Thái Lan về đội bóng Hoàng Anh Gia Lai làm cầu thủ và HLV trưởng trong 5 năm
Sau đó, Kiatisuk đã đóng góp lớn cho Hoàng Anh Gia Lai trong vòng 5 năm khoác áo đội tuyển bằng việc cùng câu lạc bộ 2 lần vô địch quốc gia năm 2003 và 2004, đồng thời là huấn luyện viên trưởng của câu lạc bộ.
Chính nhờ thành tựu này mà chỉ vài ba năm sau, thương hiệu HAGL trở nên nổi tiếng trong và ngoài nước.
Năm 2007, bầu Đức thành lập học viện bóng đá mang tên học viện Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal JMG để tuyển sinh và đào tạo cầu thủ trẻ theo mô hình của học viện Cầu thủ trẻ Arsenal.
Lứa đầu tiên của học viện này bao gồm 15 cầu thủ gồm có những cái tên mà bây giờ đã trở nên đình đám là Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường…
Lứa đầu tiên của học viện Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal JMG bao gồm những cái tên mà bây giờ đã trở nên đình đám là Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường…
Và có lẽ một điều không có nhiều người biết đó là, ngày 5/3/2007, bầu Đức động thổ xây dựng học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG trên khu đất rộng 5 ha đang trồng cao su. Những cây cao su đang ở tuổi thu hoạch (bình quân 300 triệu/ha/năm) mà phải chặt bỏ để nhường chỗ cho niềm đam mê bóng đá.
Tính đến giờ, sau hơn 10 năm qua, chưa kể những khoản đầu tư cho đào tạo và thi đấu, Bầu Đức phải chi ít nhất 50 triệu USD để thương hiệu Arsenal được song hành cùng Học viện Arsenal HAGL JMG.
Năm 2011, ông cùng với các doanh nhân làm bóng đá khác là ông bầu Võ Quốc Thắng của câu lạc bộ Đồng Tâm Long An, ông Nguyễn Đức Kiên trước khi vướng vào vòng lao lý cùng vạch ý tưởng và thành lập công ty Cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF), một doanh nghiệp chuyên điều hành giải bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.
Bầu Đức và bầu Thắng có mối quan hệ tốt đẹp và cùng có công lao với bóng đá Việt Nam
Và phải 14 năm sau, năm 2015, với HAGL, tập đoàn của ông Đoàn Nguyên Đức mới ghi nhận có doanh thu và lợi nhuận từ bóng đá. Các nguồn thu đến từ bán vé, quảng cáo hay áo đấu...
Năm 2016, tập đoàn HAGL rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng nhất lịch sử 30 năm thành lập. Lỗ hợp nhất 1.503 tỷ đồng. Tổng nợ phải trả khổng lồ với hơn 36.000 tỷ đồng. Giá cổ phiếu HAG lao dốc thảm hại, một thời gian dài quanh quẩn ở mốc vài cốc trà đá (9.000 đồng/ cổ phiếu) khiến bầu Đức bật ra khỏi top người giàu trên sàn chứng khoán.
Tuy nhiên, năm 2016, ông chủ doanh nghiệp đam mê bóng đá vẫn chi 40 tỷ đồng cho Học viện bóng đá HAGL – Arsenal JMG trong chi phí xây dựng cơ bản dở dang.
Và bước sang năm 2017, khi áp lực nợ nần đã giảm bớt, ông tiếp tục chi thêm 49 tỷ đồng cho xây dựng cơ bản của học viện này.
Bầu Đức cũng đi vào lịch sử bằng việc đi tìm và trả lương 2 năm cho huấn luyện viên Hàn Quốc Park Hang-seo để dìu dắt lứa cầu thủ U23 hôm nay. Khi ông đóng vai Khổng Minh đi tìm “minh chủ” cho đội bóng non trẻ, đã vấp phải không ít lời chỉ trích “ngáng đường” vì cho rằng ông có tham vọng thâu tóm VFF. Vượt qua những thị phi ấy, ông như người chèo thuyền trên dòng nước ngược, để đến hôm nay gặt hái quả ngọt là vị trí á quân giải U23 Châu Á của đội tuyển khiến cả nước vỡ òa.
Bầu Đức đã đi tìm và trả lương 2 năm cho huấn luyện viên Park Hang-seo để dìu dắt U23 Việt Nam
HLV Park Hang-seo đã dìu dắt đội tuyển U23 Việt Nam giành giải á quân U23 Châu Á 2018
Vậy mà giờ đây, bầu Đức chua chát nói, trong 20 năm làm bóng đá, ông mất cả ngàn tỷ đồng mà vẫn cảm thấy vui vẻ. Nhưng bây giờ cuộc chơi phức tạp quá, nói thẳng ra nội bộ VFF chia ghế để kiếm chác từ bóng đá. Và ông đâu có điên để người ta cầm đầu muốn làm gì thì làm?!
Nguyên Chủ tịch công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp (VPF) Võ Quốc Thắng là người giàu tình yêu với bóng đá nói chung và luôn hết lòng trong việc góp phần nâng tầm công ty VPF sau gần 6 năm chèo lái tổ chức này và mang lại những dấu ấn nhất định cho bóng đá Việt Nam (VN) mới đây cũng tuyên bố bỏ bóng đá vì cùng một lý do với bầu Đức.
Và có lẽ phải chờ đến buổi hội ngộ để “nói rõ phải quấy” giữa 3 ông bầu vào ngày 12/4 sắp tới, cũng như kết quả bầu bán sau Đại hội lần thứ VIII của VFF ngày 24/4 mới có thể kết luận rốt cuộc bầu Đức có phải “đi vào lịch sử bóng đá” theo cách bất đắc dĩ mà ông không hề muốn hay không.