Những ngày đầu
đi học, trẻ gặp khá nhiều trở ngại do thay đổi trường lớp, thầy cô, bạn bè, nề nếp ăn ngủ… Một trong những trở ngại có thể gặp ở trẻ là tâm lý lo sợ khi cha mẹ không ở bên. Nếu sự sợ hãi này trở nên trầm trọng, trẻ dễ bị mắc chứng rối loạn lo âu rồi trầm cảm, rối loạn tăng động, giảm chú ý trong học tập.
Nguyên nhân nào dẫn đến sự bất an ở trẻ
Trẻ chưa trưởng thành còn lệ thuộc vào bố mẹ nên thường lo sợ, sợ bị tổn thương cơ thể, sợ tội lỗi, sợ bị phạt, sợ phải xa mẹ. Thường đứa trẻ không chấp nhận xa bố mẹ để đi sang môi trường mới, khi mà trước đó trẻ đã được nhận tình thương, che chở, chiều chuộng ở nhà cũng như khi ở trong môi trường mầm non. Nếu môi trường mới trở thành mối đe dọa, trẻ sẽ truyền cảm xúc giận dữ về phía bố mẹ. Khi đó bố mẹ nghĩ rằng trẻ không ngoan, không nghe lời như trước, từ đó gây ra sự rạn nứt về mối quan hệ bố mẹ - con cái. Lúc đó trẻ giận dữ bằng những phản ứng tiêu cực như khóc lóc, la hét, ăn vạ. Về mặt tâm lý ở tuổi này thì những biểu hiện như trên là bình thường, nhưng nếu liên tục trong thời gian dài thì đó có thể là nguy cơ của bệnh lo âu tuổi nhỏ hoặc đó chính là sự mong muốn thỏa mãn cái tôi, đòi hỏi cha mẹ chiều chuộng hoặc đáp ứng. Nếu không được thỏa mãn và đáp ứng đúng cách, có khả năng trẻ sẽ có những phản ứng tiêu cực gia tăng.
Rất nhiều gia đình hiện nay cho con đi học trước chương trình để con được chọn vào lớp và trường tốt... Điều này khác biệt với đặc điểm tâm sinh lý ở trẻ khiến trẻ khó thích nghi hoặc trở nên lo sợ vì không đáp ứng được mong muốn của cha mẹ.
Những biểu hiện thường gặp
Đây là một nhóm triệu chứng liên quan đến nhiều trạng thái khác nhau như lo lắng quá mức, không tập trung chú ý, sợ hãi. Trẻ không chịu đi học kéo dài, chỉ muốn ở nhà với người có quan hệ gắn bó, níu bám bố mẹ, khó hòa nhập môi trường mới. Trẻ thường có biểu hiện rối loạn giấc ngủ: đòi mẹ hay người có quan hệ gắn bó nằm bên cạnh cho đến khi đã ngủ, sợ bóng tối, khó ngủ, ác mộng...
Tình trạng trên nếu không được cải thiện sớm trẻ sẽ thiếu tự tin, nhút nhát, ngại giao tiếp với mọi người xung quanh dẫn đến việc trẻ không có bạn chơi cùng.
Phụ huynh cần làm gì để giúp con mình cải thiện sự bất an?
Điều quan trọng là cha mẹ phải phát hiện sớm và coi đó là một rối loạn. Nhiều phụ huynh ít quan tâm và cứ nghĩ rằng đó chỉ là một dạng lo âu bình thường làm ảnh hưởng đến sự phát triển tâm lý của trẻ. Việc điều trị cho trẻ bị rối loạn lo âu cần có sự phối hợp giữa bác sĩ chuyên khoa tâm thần và chuyên viên tâm lý. Thêm vào đó trẻ cũng cần được điều trị bằng thuốc khi có các triệu chứng hoảng sợ, ám ảnh và lo âu.
Trong quá trình điều trị cho trẻ, bố mẹ cũng thường xuyên trao đổi với bác sĩ và chuyên gia tâm lý. Tùy từng trường hợp trẻ có biểu hiện rối loạn lo âu, sợ hãi... hãy chơi cùng với trẻ để tháo gỡ khó khăn khi cần thiết.
Phòng ngừa cho trẻ bằng cách nào?
Cùng với trẻ xây dựng thói quen kỹ năng tự thực hiện một số công việc trong nhà phù hợp với tuổi của trẻ.
Nếu thấy trẻ cáu gắt thì phụ huynh cần hướng dẫn trẻ cách xử lý từng tình huống để trẻ tập thay đổi hành vi nhiều lần.
Khuyến khích động viên trẻ tham gia các hoạt động xã hội, khen ngợi những điểm tích cực ở trẻ.
Bày tỏ sự tôn trọng, yêu thương trẻ ngay cả khi trẻ bị thất bại trong những tình huống sinh hoạt, vui chơi. Để trẻ tự tin hòa nhập và hiểu rằng đó là cơ hội cho trẻ học hỏi.
Điều cần thiết là phụ huynh phải kiên trì, làm đi làm lại nhiều lần những việc trên thì mới có hiệu quả. Khi có biểu hiện rối loạn lo âu nên đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa tâm thần, chuyên viên tâm lý để được xử trí kịp thời và đưa ra những lời khuyên thích hợp.
BS. Lan Anh
PS st Theo SK&ĐS