“Không có gì là không thể” là phương châm đúc rút từ cuộc đời của ông Trùm Cáo Xiêm, Vichai Srivaddhanaprabha, vị tỉ phú Thái vừa qua đời trong tai nạn rơi trực thăng tại Anh hôm 27.10 vừa qua.
Ông Trùm Cáo Xiêm – Người viết nên cổ tích tại giải Ngoại hạng Anh
Là tỉ phú ở một đất nước Đông Nam Á nhưng ông Vichai Srivaddhanaprabha được biết đến nhiều hơn trong vai trò Chủ tịch Câu lạc bộ Leicester City, hay còn gọi là The Foxes (Bầy cáo), đặt trụ sở tại sân vận động King Power, TP.Leicester. Biệt danh “Những chú Cáo Xiêm” (Siamese Foxes) từ đó mà ra, do báo chí Thái Lan đặt cho đội bóng.
Người Thái tự hào về ông, giới trẻ Thái nhìn ông như một tấm gương sáng. Ông đã mang khát vọng người Thái vươn xa, đến tận trời Tây và viết nên câu chuyện cổ tích tuyệt vời, thổi lên bao hi vọng về một tương lai tốt đẹp cho những người biết nỗ lực và đồng lòng.
Hình ảnh ông chủ Leicester được chiếu trên một màn hình lớn bên trong sân vận động King Power
REUTERS
|
Năm 2010, ông Vichai Srivaddhanaprabha đến Leicester City, đặt bút ký kết mua lại CLB này với mức giá khoảng 39 triệu bảng Anh. Thời đó, người ta vừa tò mò không biết ông là ai, vừa cho rằng ông điên rồ khi đi mua một đội bóng tầm trung và thất thường, lại tụt xuống chơi ở giải hạng hai nước Anh và nợ nần đầm đìa.
Nhưng ông im lặng như bản tính của chính mình, rất hiếm khi xuất hiện trên báo chí hay nhận lời phỏng vấn. Vichai Srivaddhanaprabha bơm hàng triệu bảng vào câu lạc bộ, sau đó chuyển đổi thành cổ phiếu như một lời cam kết không bỏ rơi CLB. Các khoản nợ khổng lồ được xóa sổ. "Bầy cáo" dần hồi sinh. Leicester vung tiền trên thị trường chuyển nhượng cầu thủ với những hợp đồng kỷ lục cho thấy sự quyết tâm của ban lãnh đạo mang lại diện mạo mới mẻ tốt đẹp cho câu lạc bộ.
Mùa giải Ngoại hạng Anh năm 2015-2016, Leicester City vẫn là cái tên không mấy ai ngó ngàng. Nhà cái William Hill ra tỷ lệ 5000/1 (đặt 1 ăn 5000) cho khả năng vô địch của Leicester, nghĩa là “đừng có mơ”, “điều huyễn hoặc”. Nhưng "Bầy cáo" đã làm nên điều kì diệu, khiến cho William Hill lỗ hơn 10 triệu bảng và không bao giờ ra kèo nào có tỷ lệ cao hơn 1000/1. Dưới thời của ông Trùm Cáo Xiêm, CLB Leicester City lột xác, mang về một chức vô địch giải hạng nhất, một danh hiệu Ngoại hạng Anh, góp mặt trong tứ kết Champions League.
Báo chí Bangkok cho rằng, sự thành công đó đến từ tinh thần đồng đội, sự nỗ lực và chăm chỉ. Nhưng đó không phải là tất cả những gì ông làm trên đất nước phương Tây như một cuộc làm ăn thông thường. Ông đã nối liền Âu - Á, mang đến tinh thần sống cởi mở và xem nơi đến là nhà.
Tỉ phú người Thái đã làm thay đổi diện mạo cả thành phố Leicester với hàng triệu bảng phục vụ cộng đồng thông qua việc xây dựng bệnh viện nhi, trường đại học y dược, mở rộng sân vận động King Power với một khu tập luyện trị giá 100 triệu bảng. Mùa Giáng sinh, ông gửi tặng người dân bánh và thức uống miễn phí.
Vị tỉ phú Thái này đã để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng người hâm mộ của CLB Leicester City
REUTERS
|
Giữ tinh thần cởi mở và tôn trọng mọi giá trị, chính ông là người xây dựng nên tiêu chuẩn mới gắn kết CLB và người hâm mộ. Ông luôn có mặt ở các trận đấu và đích thân chào đón người hâm mộ. Người ta quen thấy ông đến sân King Power trên chiếc trực thăng, tươi cười và nồng hậu với tất cả. Vào ngày sinh nhật ông, sân bóng đón chào người hâm mộ đến chung vui cùng đội bóng, thức ăn nước uống đều được cung cấp miễn phí.
“Chúng tôi muốn các fan biết là họ có giá trị đến mức nào. Chúng tôi muốn cư xử với họ như là gia đình và chúng ta sẽ ăn mừng sự thành công cùng nhau...”, ông từng nói vậy.
CLB Leicester City thực sự là gia đình, ở đó mọi người quan tâm nhau, các cầu thủ xem ông như cha, và vị tỉ phú quyền lực đó luôn giản dị, gần gũi và chăm sóc họ không khác gì người thân.
Vichai Srivaddhanaprabha – Người của những mối quan hệ
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình người Thái gốc Hoa kinh doanh lĩnh vực in ấn, xuất bản, ngay từ nhỏ Vichai Srivaddhanaprabha đã được cha mẹ chú trọng chuyện học vấn. Năm 11 tuổi, nhờ điều kiện gia đình khá giả, ông được gửi sang Đài Loan học tập. Cũng từ đây, ông bộc lộ bản tính tốt bụng, cởi mở và biết cách xây dựng mối quan hệ.
Ông chia sẻ với tạp chí Praew trong một lần hiếm hoi đồng ý phỏng vấn rằng: “Hồi đó, cha mẹ cho 50 USD/tuần thì tôi tặng hết cho mọi người trong một ngày. Mọi người rất vui và luôn nhớ đến tôi vì tôi là người đi chia sẻ hạnh phúc. Ồ, đừng hỏi tôi ngày mai ăn gì, sống ra sao? Tôi tin vào bản thân và tin chuyện gì cũng sẽ có đường đi của nó. Vì thế, tôi không gặp bế tắc.”
Vợ và con trai tỉ phú Vichai Srivaddhanaprabha đến tưởng niệm ông tại Leicester
REUTERS
|
Trưởng thành, ông đến Mỹ học quản trị kinh doanh ở Trường Đại học Northop. Trên những chuyến bay đi về giữa Thái Lan và Mỹ, khi dừng quá cảnh tại Hồng Kong, Vichai Srivaddhanaprabha chú ý và rất tò mò với mô hình cửa hàng miễn thuế ở sân bay. Ông tìm hiểu, học hỏi và đặt bước chân đầu tiên vào kinh doanh trong việc bỏ vốn 10% hợp tác với một người bạn Hồng Kong mở cửa hàng miễn thuế ở đây.
Tích lũy đủ kinh nghiệm, ông muốn đưa mô hình về Thái Lan. Nhưng lúc bấy giờ, sân bay, cửa hàng miễn thuế là độc quyền của nhà nước. Bằng những bước đi khéo léo và xây dựng quan hệ tốt, ở tuổi 31, ông hợp tác với Tổng cục Du lịch Thái Lan, bỏ ra toàn bộ vốn để được phép thành lập Tập đoàn King Power năm 1989 với một cửa hàng duy nhất trong trung tâm thương mại Mahatun Plaza trên đường Ploenchit ở Bangkok.
Năm 1995, King Power độc quyền kinh doanh hàng miễn thuế tại sân bay Don Mueang. Năm 1998, chính phủ Thái Lan cho phép King Power độc quyền kinh doanh hàng miễn thuế tại khu phức hợp Word Trade Center ở Bangkok trong 10 năm. Năm 2006, King Power giành quyền bán hàng miễn thuế tại sân bay quốc tế Suvarnabhumi. Dần dần, chuỗi cửa hàng miễn thuế King Power đã phát triển rộng khắp, độc quyền tại các sân bay quốc tế trên toàn Thái Lan, trở thành hệ thống cửa hàng miễn thuế lớn thứ 7 thế giới.
Bên cạnh đó, Vichai Srivaddhanaprabha và gia đình còn là chủ nhà hát Aksra và Tòa nhà King Power Mahanakhon - tòa nhà cao nhất Thái Lan tính đến tháng 12.2018 khi tòa nhà mới Iconsiam dự kiến khánh thành, khách sạn năm sao Pullman Bangkok King Power. Tháng 6.2016, King Power mua số cổ phần trị giá 226 triệu USD tại Thai AirAsia từ Asia Aviation, trở thành cổ đông lớn thứ 2. Vươn xa hơn, ông đầu tư và thâu tóm CLB Oud-Heverlee Leuven (Bỉ), bên cạnh CLB Leicester City nổi tiếng.
Báo chí Thái Lan đưa tin về cái chết của Chủ tịch Leicester City
REUTERS
|
Tháng 8.2018, CLB Leicester City chính thức thông báo thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Thaibev, nhà sản xuất nước giải khát lớn nhất Thái Lan. (Thaibev là doanh nghiệp đã chi 4,8 tỉ USD để mua cổ phần Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn của Việt Nam hồi cuối năm ngoái).
Theo thỏa thuận, bia Sài Gòn và bia Chang, hai thương hiệu bia nổi tiếng của Việt Nam và Thái Lan trở thành nhà tài trợ chính của sân vận động King Power và chỉ hai loại bia này được bày bán tại sân. Đồng thời, từ mùa giải 2018-2019, logo bia Sài Gòn sẽ xuất hiện trên sân vận động King Power và trên phông nền trong các cuộc phỏng vấn.
Từ năm 1989 đến nay, King Power và tên tuổi vị tỉ phú người Thái này đã góp phần không nhỏ tạo nên sự tăng trưởng và phổ biến văn hóa, du lịch Thái Lan.
Về mặt phát triển xã hội, ông đã tạo nên công ăn việc làm cho hơn 10.000 người; khởi xướng chương trình Fox Hunter, đưa cầu thủ bóng đá trẻ đến học và huyến luyện ở CLB Leicerster City; xây dựng 100 sân bóng và tặng hơn 1 triệu quả bóng khắp Thái Lan; huy động 100 triệu Bahts mua máy móc thiết bị y tế cho bệnh viện và đề ra nhiều chương trình phát triển giáo dục, y tế tại Thái Lan và TP.Leicester.
Kinh tế gắn liền với chính trị. Hiểu rõ điều này, ông tích cực và khéo léo xây dựng các mối quan hệ. “Cuộc đời dạy cho tôi cần tìm kiếm điểm tựa.”, ông từng nói.
Năm 2013, gia đình ông được Vua Rama IX ban họ Srivaddhanaprabha và Tập đoàn King Power cũng được gắn huy hiệu Phra Khrut Pha (Garuda) vào năm 2009, thể hiện sự thành công, tính quản trị ổn định, mang lại lợi ích cho cộng đồng Thái Lan.