Ung thư không phải là án tử: Bài 4: Hoàn toàn có thể thoát “án tử” ung thư một cách kỳ diệu

Ngày đăng: 08:24 23/06/2019 Lượt xem: 459

 Ung thư không phải là án tử:

Bài 4: Hoàn toàn có thể thoát “án tử” ung thư một cách kỳ diệu

 
                                                     Nguồn: Báo Điện tử VietTimes 

Ung thư trở thành nỗi ám ảnh khiến rất nhiều người dân không dám đi khám vì sợ phát hiện bệnh. Nhưng thực tế là đã rất nhiều ca khỏi hẳn ung thư một cách kỳ diệu.

PET-CT tại Bệnh viện 175 hỗ trợ phát hiện ung thư từ rất sớm

PET-CT tại Bệnh viện 175 hỗ trợ phát hiện ung thư từ rất sớm

BS Lê Hồng Minh, Phó Chủ nhiệm khoa Ung bướu – Bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM) đã dành cho VietTimes một cuộc trao đổi, nhằm đưa đến bạn đọc những thông tin quan trọng về căn bệnh này. 

Điều kỳ diệu có thật

PV: Thưa bác sĩ, trong quá trình điều trị, ông đã từng gặp những trường hợp thoát “án tử” ung thư một cách lạ lùng?

BS Lê Hồng Minh:  Bắt đầu từ năm 1994 tôi đã điều trị bệnh nhân ung thư. Có rất nhiều trường hợp tưởng chừng cận kề cái chết nhưng vẫn được trả lại sự sống một cách diệu kỳ.

Nhưng nói gì thì nói, mắc bệnh ung thư giống như một thử thách khắc nghiệt nhất. Chỉ khi biết tin bệnh ung thư mới biết ai còn ở lại bên mình, mới hiểu giá trị tình người.

Có những người thân đi chăm bệnh tận tình khiến tôi thực sự cảm động. Trong khi đó, cũng nhiều cảnh éo le, chạy trốn thực tại, bỏ mặc người thân đau ốm, tội nghiệp vô cùng.

Những trường hợp ung thư được điều trị khỏi hẳn như một phép màu trong suốt 25 năm chữa bệnh tôi đã gặp rất nhiều. Nhiều trường hợp ung thư phổi, ung thư vòm họng, ung thư vú, cổ tử cung, đại tràng… sau khi được điều trị đã hồi phục sức khỏe sinh hoạt lao động bình thường nhiều năm nay không thấy tái phát.

Trường hợp ung thư máu mà tôi gặp năm 1996 thực sự là kỳ diệu. Năm đó, tôi điều trị một ca bệnh nhân bị bệnh bạch cầu tủy cấp, là một loại bệnh ung thư của hệ tạo máu. Đây là loại bệnh ung thư diễn biến nhanh, rất khó điều trị do các tế bào ung thư không khu trú tại một vị trí, mà lan tràn trong máu và tủy xương người bệnh.

Biện pháp điều trị tối ưu nhất với trường hợp này là điều trị hóa chất mạnh, sau đó ghép tủy xương. Tuy vậy chi phí của một trường hợp ghép tủy rất cao, mà điều kiện kinh tế của bệnh nhân không cho phép. Trong tình thế đó, chúng tôi buộc phải lựa chọn biện pháp hóa trị. Bệnh nhân đã phải trải qua nhiều đợt điều trị hóa chất nặng nề. 

Bác sĩ Lê Hồng Minh - Phó chủ nhiệm Khoa Ung bướu, bệnh viện 175
Bác sĩ Lê Hồng Minh - Phó chủ nhiệm Khoa Ung bướu, bệnh viện 175

Vì không thể khoanh vùng tế bào giống như các loại ung thư khác, nên rất khó có thể nói rằng đã diệt hết tế bào ung thư trong người bệnh nhân. Mà cách đây hơn hai chục năm, các loại hóa chất lúc đó không thể tốt như bây giờ. Vậy mà anh ấy đã thoát “án tử”, từ năm 1996 đến giờ không hề có biểu hiện tái phát. Hiện nay, cựu bệnh nhân này vẫn đang sống khỏe mạnh.  

PV: Thưa bác sĩ, những bệnh ung thư thường gặp nhất hiện nay là gì?

BS Lê Hồng Minh: Theo GLOBOCAN 2018, ở Việt Nam 2018 có 164.671 ca ung thư mới và 114.871 ca tử vong vì ung thư và hơn 300.000 bệnh nhân đang sống chung với ung thư. 
Năm loại ung thư hàng đầu ở nam giới Việt Nam là ung thư gan (21,5%), phổi (18,4%), dạ dày (12,3%), đại trực tràng (8,4%) và vòm họng (5,0%) và ở phụ nữ là ung thư vú (20,6%), đại trực tràng (9,6%), phổi (9,4%), dạ dày (8,6%) ) và gan (7,8%).

Một vài số liệu thống kê cho thấy phụ nữ lao động trí thức mắc ung thư cao hơn phụ nữ lao động tay chân, tôi thì khẳng định không phải là như thế. Tỷ lệ đó có thể được hiểu là do phụ nữ trí thức chịu đi khám, phát hiện bệnh và điều trị nhiều hơn. Hơn nữa, số liệu cũng chỉ khoanh vùng trong một khu vực hoặc một vài bệnh viện.

Phụ nữ trí thức có điều kiện tiếp cận các phương pháp tầm soát nhiều hơn, chăm sóc cơ thể kỹ lưỡng hơn, hiểu biết về các yếu tố nguy cơ tốt hơn nên nguy cơ ung thư thường là không cao. Phụ nữ nông thôn có nhiều trường hợp khi đến viện gặp bác sĩ thì vú đã bị thối rồi nhưng do nghèo và mắc cỡ nên không khám chữa.

Những khối u kỳ lạ được chữa trị tại bệnh viện 175
Những khối u kỳ lạ được chữa trị tại bệnh viện 175

Ung thư không phải bệnh nan y

PV: Các giai đoạn hình thành bệnh ung thư như thế nào thưa bác sĩ?

BS Lê Hồng Minh: Các tế bào sinh ra là tế bào non, trưởng thành, làm nhiệm vụ, rồi già và chết. Tế bào ung thư là tế bào đột biến, không tuân theo quy luật của chu trình sinh sản tế bào, nó đẻ rất nhiều và không chết mà không thực hiện các chức năng của một tế bào bình thường, di căn đến đâu tạo khối u đến đó.

Một khối u đã có thể phát hiện bằng mắt thì rất nhiều tế bào, nghĩa là không thể một sớm một chiều mà đã có quá trình. Ung thư có thể được phát hiện từ giai đoạn rất sớm, khi còn chưa hình thành khối u mà có thể phát hiện được bằng các phương tiện chẩn đoán hình ảnh; nhưng ở ta việc phát hiện bệnh ở giai đoạn này còn rất hiếm do việc tầm soát sàng lọc để phát hiện sớm ung thư còn chưa được quan tâm một cách thích đáng.

Sự phát triển của khối u không như mọi người thường hình dung. Thường thì khi khối u lớn lên sẽ gây tác động tại chỗ, ví dụ như chèn ép, gây áp lực lên các bộ phận; sau đó sẽ di căn.

Nhưng cũng nhiều khối u chưa có kích cỡ lớn đủ để phát hiện được mà đã di căn. Chẳng hạn như có trường hợp ung thư phổi nhưng sau khi phẫu thuật thì mới phát hiện gốc của khối u xuất phát ở đại tràng. Khối u đến giai đoạn di căn thì khó chữa trị hơn nhiều.

PV: Mặc dù đã có những tiến bộ y học to lớn trong phương pháp điều trị ung thư, nhưng nhiều người vẫn có các quan niệm sai lầm trong điều trị căn bệnh này? Phải hiểu đúng về điều trị bệnh ung thư như thế nào thưa bác sĩ?

BS Lê Hồng MinhTầm soát ung thư cổ tử cung và ung thư vú rất dễ dàng. Nếu phụ nữ hiện đại chịu quan tâm đến hai bệnh này, phát hiện sớm thì có khả năng điều trị triệt để. Một số ca ung thư cổ tử cung phát hiện sớm có thể phẫu thuật cắt trọn vẹn cả vùng nhiễm bệnh.

Ung thư gan, ung thư vòm họng nếu phát hiện sớm cũng có khả năng điều trị triệt để. Ngày nay, với sự phát triển của các phương pháp điều trị của y học thì một số loại ung thư dù phát hiện ở giai đoạn muộn vẫn có khả năng điều trị tốt như ung thư đại tràng, ung thư phổi, ung thư buồng trứng… 

Nhiều đột phá trong điều trị ung thư

PV: Tại Bệnh viện 175 có những phương pháp chuẩn đoán ung thư nào thưa bác sĩ?

BS Lê Hồng Minh: Bệnh viện 175 có đầy đủ các phương tiện kỹ thuật để chẩn đoán bệnh ung thư. Các kỹ thuật của khoa sinh hóa có thể xét nghiệm được gần như hầu hết các chất chỉ điểm của các bệnh ung thư. Khoa giải phẫu bệnh lý với đội ngũ bác sĩ có kỹ thuật cao và kinh nghiệm, có khả năng chẩn đoán mô học, xác định các bệnh lý ung thư. 

Bệnh nhân bị K phổi giai đoạn cuối nhưng đã được điều trị khỏi và sắp được xuất viện

Khoa chẩn đoán hình ảnh với các phương tiện hiện đại như hệ thống máy siêu âm X Quang, MSCT 64 lát cắt, máy MRI 3.0 có độ phân giải cao, có khả năng phát hiện những khối u có kích thước nhỏ. Tại Trung tâm Ung bướu (do Cộng hòa Áo hỗ trợ xây dựng) có máy PET-CT có thể phát hiện ung thư từ giai đoạn rất sớm.

Tại TP.HCM chỉ có Bệnh viện 175, Bệnh viện Chợ Rẫy có máy PET-CT. Còn ở Hà Nội thì có Bệnh viện Bạch Mai, 103, 108.

PV: Thưa bác sĩ, hiện nay có những kỹ thuật điều trị ung thư nào hiện đại nhất?

BS Lê Hồng Minh: Phẫu thuật là biện pháp đầu tiên, ngày càng chính xác hơn, triệt để hơn. Xạ trị dùng các tia phóng xạ để hỗ trợ điều trị. Máy thế hệ cũ thì khả năng lựa chọn vị trí điều trị theo khối u là khó còn ngày nay máy hiện đại thế hệ mới có khả năng thiết kế kích thước, hình dạng của khối u để tập trung năng lượng của tia phóng xạ vào đúng khối u, giảm tác động lên các cơ quan lành.

Hóa trị dùng hóa chất gây độc để làm chết tế bào ung thư. Ngày càng có nhiều loại hóa chất ra đời, hiệu quả điều trị cao, ít tác dụng phụ.

Các biện pháp điều trị trúng đích dựa vào các đích sinh học phân tử trên bề mặt tế bào hoặc trong quá trình sinh sản của tế bào; kháng đích phân tử nhỏ bám đúng vào tế bào ung thư và tiêu diệt tế bào ung thư này chứ không làm ảnh hưởng đến các tế bào lành khác.

Liệu pháp điều trị miễn dịch giúp hệ miễn dịch của cơ thể có thể nhận biết và tiêu diệt các tế bào ung thư một cách tự nhiên, chứ không can thiệp bằng thuốc và các giải pháp từ bên ngoài.

Năm 2018, công trình liệu pháp miễn dịch trị liệu trong ung thư - phát minh có tính đột phá của GS. Tasuku Honjo (Nhật Bản) đã được trao Giải thưởng Nobel 2018. Một số bệnh viện ở Việt Nam hiện nay cũng đã bước đầu ứng dụng liệu pháp này vào thực tế.

Tuy nhiên, cần hiểu rằng nếu phát hiện sớm thì có thể điều trị triệt để với khả năng khỏi bệnh cao, chi phí thấp.

Cho nên tầm soát phát hiện ung thư là cực kỳ quan trọng. Để đến lúc đau mới đi gặp bác sĩ thì đã muộn rồi.

Nhưng thực trạng đáng buồn là ở VN mình tỷ lệ phát hiện sớm khá hiếm. Đa phần bệnh nhân để đến giai đoạn 3, 4 mới đi khám.

Đã để đến các giai đoạn muộn, khả năng khỏi bệnh không những thấp mà buộc phải lựa chọn các liệu pháp hiện đại, đồng nghĩa với chi phí rất cao mà hiệu quả thấp. 

 
tin tức liên quan