Những điều cần biết để không bị đột quỵ

Ngày đăng: 10:03 21/10/2019 Lượt xem: 358

Những điều cần biết để không bị đột quỵ

Triệu chứng của bệnh đột quỵ thường xảy ra đột ngột, không cấp kịp thời có thể dẫn đến tử vong hoặc để lại hậu quả tàn phế nặng nề.

1. Đột quỵ là gì?

Đột quỵ hay tai biến mạch máu não xảy ra khi việc cung cấp máu lên một phần bộ não bị đột ngột ngừng trệ. Khi một phần não bị thiếu máu nuôi dưỡng, các tế bào não thiếu ôxy sẽ chết. Bệnh nhân rất dễ tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, cứ 6 người thì một người có nguy cơ bị đột quỵ. Mỗi năm Việt Nam có 200.000 ca đột quỵ não. Bệnh ngày càng có xu hướng trẻ hóa, ở cả nam và nữ. Nhiều bệnh nhân dưới 30 tuổi đã bị đột quỵ não.

Đột quỵ là một trong các nguyên nhân hàng đầu gây tử vong, xếp thứ 3 sau ung thư và tim mạch và là nguyên nhân hàng đầu gây tàn tật. Bệnh để lại hậu quả vô cùng nặng nề.

Có hai loại đột quỵ là đột quỵ do thiếu máu não chiếm 80-85% (nguyên nhân do tắc nghẽn một động mạch), còn lại là đột quỵ do chảy máu não (do rách thành động mạch gây ra máu chảy vào trong nhu mô não hay não thất, khoang dưới nhện xung quanh não – chảy máu màng não).

Bệnh đột quỵ

Có hai loại đột quỵ là đột quỵ do thiếu mãu não và đột quỵ do chảy máu não.

2. Nguyên nhân dẫn đến đột quỵ

Đột quỵ ở người già thường do cao huyết áp, tiểu đường, xơ vữa động mạch, rối loạn mỡ máu… Ở người trẻ chủ yếu do các nguyên nhân về não và tim mạch, đặc biệt ở não. Đó là tình trạng xuất huyết do vỡ dị dạng mạch máu não. Có rất nhiều yếu tố nguy cơ làm gia tăng đột quỵ. 

Những yếu tố nguy cơ không thế tác động được

Tuổi, gene, dân tộc, di truyền đó là những yếu tố như một dấu ấn của nguy cơ đột quỵ. Các yếu tố này không thể tác động đến nhưng sự xuất hiện của nó đặt những đối tượng này vào nhóm nguy cơ cao.

Những yếu tố nguy cơ có thể tác động được

Tăng huyết áp

Nhiều nghiên cứu trên thế giới cho thấy tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ quan trọng đối với tất cả các loại đột quỵ. Khi huyết áp tăng cao, dễ gây tổn thương nội mạc thành mạch do áp lực dòng máu mạnh hơn, làm tăng tính thấm của thành mạch đối với các lipoprotein máu, do đó làm vữa xơ động mạch phát triển, từ đó dễ hình thành các tai biến.

Đái tháo đường

Theo các nghiên cứu ở châu Âu và Bắc Mỹ, đái tháo đường là yếu tố nguy cơ của tai biến thiếu máu não cục bộ. Điều trị tốt đái tháo đường sẽ làm giảm khả năng đột quỵ thiếu máu não. Dự phòng tăng đường huyết có thể làm giảm mức độ nặng của các tổn thương não trong giai đoạn cấp của đột quỵ thiếu máu não. 

Các bệnh tim

Nhiều bệnh tim có thể tăng nguy cơ đột quỵ thiếu máu não như: rung nhĩ, viêm màng trong tim, hẹp van hai lá, nhồi máu cơ tim diện rộng, phình thành thất trái, bệnh cơ tim, can xi hoá vòng van hai lá, thông liên nhĩ, phình thành nhĩ trái. Một số nghiên cứu gần đây nhận thấy rằng, những rối loạn nhịp tim khác như nhịp nhanh kịch phát trên thất cũng làm tăng nguy cơ đột quỵ thiếu máu não.

Tăng lipid máu 

Tăng lipid máu là yếu tố nguy cơ quan trọng của vữa xơ động mạch và nguy cơ này sẽ được giảm một cách có ý nghĩa khi đưa lipid máu trở về bình thường.

Hút thuốc lá

Hút thuốc lá là một yếu tố nguy cơ quan trọng đối với tất cả các loại đột quỵ nhất là đối với đột quỵ nhồi máu não. Thuốc lá làm giảm nồng độ cholesterol tốt HDL trong máu, gây tổn thương tế bào nội mạc của các động mạch tạo điều kiện cho vữa xơ động mạch phát triển.

Nghiện rượu 

Ngộ độc rượu cấp hoặc mãn tính đều là các yếu tố nguy cơ quan trọng đối với tất cả các loại đột quỵ. 

Tai biến thiếu máu não thoảng qua và đột quỵ cũ 

Thiếu máu não thoảng qua phải được chẩn đoán và điều trị tốt để dự phòng đột quỵ thiếu máu não thực sự. Thiếu máu não thoảng qua càng xuất hiện nhiều lần khả năng xuất hiện đột quỵ thiếu máu não càng lớn.

Béo phì 

 

Nghiên cứu cho thấy riêng béo phì cũng là một yếu tố nguy cơ của tất cả các loại đột quỵ. Béo phì là yếu tố nguy cơ của các bệnh tim mạch và như vậy có thể là yếu tố thứ phát của đột quỵ thiếu máu não thông qua bệnh tim. 

Hẹp động mạch cảnh 

Bệnh vữa xơ động mạch cảnh là một trong những nguyên nhân chính của nhồi máu não trên lâm sàng.

3. Dấu hiệu nhận biết một người bị đột quỵ

Thời gian vàng để xử trí hiệu quả đột quỵ là trong vòng 3 tiếng. Không được cấp cứu kịp thời, bệnh có thể để lại di chứng kéo dài như hôn mê, liệt nửa người, rối loạn ý thức, rối loạn nuốt, mất ngôn ngữ không thể tự ăn uống, sinh hoạt cá nhân được… 

Triệu chứng bệnh thường xảy ra đột ngột. Bệnh hay tái phát, lần sau thường nặng hơn lần trước. Vì thế, nguyên tắc chủ đạo của chăm sóc đột quỵ là phát hiện và chẩn đoán sớm, điều trị đợt cấp, dự phòng biến chứng, vận động sớm và phục hồi chức năng.

Những điều bạn cần biết để không bị đột quỵ

Hãy gọi cấp cứu ngay nếu thấy một người bỗng dưng bị liệt mặt, yếu tay, nói khó…

Hội Tim mạch Việt Nam đưa ra 3 dấu hiệu cảnh báo đột quỵ gồm:

- Đột ngột tê hay yếu một bên mặt, tay hoặc chân.

- Đột ngột choáng, nói khó hoặc không hiểu lời người khác nói.

- Đột ngột đau đầu dữ dội không rõ nguyên nhân.

PGS.TS Mai Duy Tôn, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), cho biết cách đơn giản kiểm tra một người bị đột quỵ là yêu cầu người đó thực hiện 4 kỹ năng hàng ngày: Cười - Nói - Chào - Đi lại. Cách này giúp kiểm tra khuôn mặt có bị mất cân đối, có giơ được cánh tay đang bị yếu lên, giọng nói có thay đổi so với ngày thường… 

Nếu thấy bất thường thì cần gọi ngay cấp cứu để đưa người bệnh đến cơ sở y tế sớm nhất. 

4. Điều trị và tập phục hồi chức năng 

Tiến sĩ Mai Duy Tôn, khoa Cấp cứu Bệnh viện Bạch Mai cho biết, khi đột quỵ thiếu máu não (do tắc mạch máu não), bệnh nhân có thể được dùng thuốc tiêu sợi huyết đường tĩnh mạch trong 4-5 giờ đầu. Nếu tắc các động mạch não lớn, có thể lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học qua đường động mạch trong 6 giờ đầu. Bệnh nhân đột quỵ thiếu máu não được xử trí cấp cứu sớm có thể giảm khả năng tử vong cũng như tỷ lệ tàn phế. 

Với bệnh nhân đột quỵ chảy máu não, nếu do dùng thuốc chống đông quá liều sẽ có thuốc điều trị đặc hiệu giúp tình trạng đông máu trở về bình thường. Những vị trí chảy máu sẽ được dẫn lưu ổ chảy máu ra ngoài hoặc lấy khối máu tụ đi để não không bị chèn ép, sau đó dùng dụng cụ nút lại để không chảy máu.

Tuỳ từng trường hợp bác sĩ sẽ có chỉ định phù hợp. Người thân tuyệt đối không tự ý điều trị cho người bệnh dù chỉ bấm huyệt, châm cứu hay đánh gió. Những tác động này vô tình có thể làm cho tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn.

Ngoài can thiệp kịp thời để cứu sống người bệnh thì cần phải phục hồi chức năng. Hiệu quả của việc điều trị phục hồi chức năng tùy thuộc nhiều yếu tố như độ tuổi, mức độ, vị trí. Tổ chức Đột quỵ Thế giới khuyến cáo những liệu pháp phục hồi chức năng cần được tiến hành một cách bài bản, có thể bắt đầu từ 24 giờ sau khi đột quỵ khởi phát. 

5. Phòng đột quỵ

Có rất ít dấu hiệu cảnh báo cơn tai biến mạch máu nhưng bệnh nhân có thể chết ngay nếu không được cấp cứu kịp. Cách tốt nhất là phòng ngừa và tránh tái phát.

Điều trị tích cực những nguy cơ chính như đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh lý tim mạch, ngăn chặn sự hình thành cục máu đông.  

Người bệnh không hút thuốc hay uống nhiều bia rượu, tập thể dục đều (đi bộ, chạy bộ, đạp xe, bơi lội…) 30-60 phút mỗi ngày, 4-5 lần một tuần, chế độ làm việc và nghỉ ngơi khoa học… Đồng thời, duy trì một chế độ ăn hợp lý, hạn chế ăn quá nhiều chất đạm và béo.

Khi trời lạnh cần mặc ấm, không tiếp xúc với thời tiết lạnh một cách đột ngột. Khi ngủ dậy cần ra khỏi giường một cách từ từ, ra khỏi chăn là phải khoác thêm áo ấm để sẵn trong giường, không nên dậy vào 4-5h sáng vì lúc đó huyết áp hay tăng, không tập thể dục vào lúc sáng sớm hoặc tối muộn. 

Minh Anh


tin tức liên quan