Các trường hợp không được dùng An cung ngưu hoàng hoàn

Ngày đăng: 08:12 05/11/2019 Lượt xem: 349

      Các trường hợp không được dùng An cung ngưu hoàng hoàn
                                         
                                 Nguồn: Báo Điện tử Sức khoẻ & Đời sống


Những năm gần đây, nhiều người đã mua dự phòng thuốc An cung ngưu hoàng hoàn để phòng khi bản thân hay người nhà bị tai biến mạch máu não thì có dùng ngay


 

Thuốc này có tác dụng gì? Ai không được dùng An cung ngưu hoàng hoàn? Mời các bạn cùng tìm hiểu.

Nguồn gốc An cung ngưu hoàng hoàn

Bài thuốc An cung ngưu hoàng hoàn (ACNHH) do Thái y Vạn Toàn (nhà Minh) nghiên cứu ra, chuyên dùng trong Hoàng cung. Đến đời nhà Thanh, thì bài thuốc này đã được Ngô Đường (Ngô Cúc Thông) gia giảm một số dược liệu theo đúng đơn thuốc Vạn Toàn, từ đó thuốc này được dùng trong dân gian. Thành phần của bài thuốc nguyên bản gồm 11 vị là: chu sa  40g, hoàng cầm 40g, hoàng liên 40g, hùng hoàng 40g, mai phiến 10g, ngưu hoàng 40g, sơn chi 40g, tê giác 40g, trân châu 40g, uất kim 40g, xạ hương 10g, tán bột, luyện mật làm viên. Ngày nay, do sừng tê giác khan hiếm được thay bằng sừng trâu.

Các nghiên cứu cho biết: An cung ngưu hoàng hoàn có tác dụng trấn tĩnh và chống co giật, hồi tỉnh,  giải nhiệt, chống viêm tiêu thũng, tác dụng đối với hệ tim mạch. Thuốc được dùng để thanh nhiệt, giải độc, khai khiếu, trấn kinh, an thần. Trị nhiệt nhập vào phần doanh, huyết, gây ra sốt cao co giật.

 

cac-truong-hop-khong-duoc-dung-an-cung-nguu-hoang-hoan-1

Khi dùng An cung ngưu hoàng hoàn cần sự hướng dẫn của bác sĩ.

Dùng như thế nào?

Trong thực tế, An cung ngưu hoàng hoàn được sử dụng để cấp cứu bệnh nhân đột quỵ, xuất huyết não, trong đó có nhiều trường hợp có kết quả tốt nên nhiều người tin dùng. Một số bệnh nhân tuy đã hôn mê, uống An cung ngưu hoàng hoàn đã tỉnh lại và dần bình phục. Tuy nhiên,  cũng có nhiều trường hợp dù có dùng An cung ngưu hoàng cũng không qua khỏi. Như vậy, An cung ngưu hoàng hoàn không phải là thần dược chữa được mọi trường hợp đột quỵ nên không thể dùng cho tất cả các trường hợp đột quỵ hay tai biến mạch máu não.

Theo Đông y, người bị đột quỵ hay tai biến mạch máu não được gọi là trúng phong. Trúng phong được Đông y chia thành những thể bệnh khác nhau và mỗi thể bệnh phải dùng  một bài thuốc thích hợp, mới có thể  điều trị được. Có 2 thể bệnh lớn là trúng phong kinh lạc và  trúng phong tạng phủ. Mỗi thể lớn lại được chia ra nhiều thể nhỏ. Chẳng hạn trúng phong tạng phủ được chia thành 2 thể là nhiệt bế hay dương bế và hàn bế. Chỉ riêng thể bệnh nhiệt bế mới dùng bài thuốc An cung ngưu hoàng hoàn.

Các chứng của thể nhiệt bế gồm: đột ngột bị hôn mê, 2 hàm răng cắn chặt, miệng mím chặt, 2 tay nắm chặt, thân mình và tứ chi co cứng; mặt đỏ, người nóng, thở thô, miệng hôi, rêu lưỡi vàng nhớt, mạch huyền hoạt. Chỉ khi có bệnh nhân bị chứng bệnh với biểu hiện như thế mới dùng An cung ngưu hoàng hoàn. Các trường hợp khác nếu có dùng thì kết quả có thể không như mong đợi. Cần lưu ý là: khi sử dụng An cung ngưu hoàng hoàn phải kiêng các món ăn cay nóng hậu vị, để tránh trợ hỏa sinh đàm. Trong quá trình dùng thuốc nếu xuất hiện triệu chứng sợ rét, chân tay lạnh, sắc diện trắng nhợt, vã mồ hôi lạnh, mạch đập yếu... phải ngưng sử dụng thuốc ngay.

Ai không được dùng?

Những người mắc các chứng bệnh sau đây không được dùng  An cung ngưu hoàng hoàn. Tuy nhiên, các chứng bệnh này phải do thầy thuốc Đông y thăm khám chỉ định.

Người hàn bế với các chứng hôn mê kèm theo các dấu hiệu mặt trắng bệch, môi tái nhợt, nằm yên bất động, rêu lưỡi trắng nhớt, tay xòe, chân tay lạnh, mồ hôi trán vã ra như dầu: Nếu dùng thuốc An cung ngưu hoàng hoàn  sẽ  làm cho bệnh nặng thêm.

Người mắc chứng âm hư với biểu hiện lưỡi đỏ ít rêu: Nếu uống An cung ngưu hoàng hoàn âm dịch trong cơ thể càng thương tổn nặng và các triệu chứng âm hư càng thêm nặng.

Người tỳ vị hư nhược: thành phần của An cung ngưu hoàng hoàn có ngưu hoàng, sừng trâu (sừng tê giác), hùng hoàng, hoàng liên, hoàng cầm, chi tử, đều là những vị thuốc rất lạnh (đại hàn), nên dễ gây tổn hại tỳ vị. Cho nên người tỳ vị hư nhược, tiêu hóa kém hay tiêu chảy không nên sử dụng An cung ngưu hoàng hoàn.

Chức năng gan thận kém: An cung ngưu hoàng hoàn có chu sa và hùng hoàng là 2 vị thuốc có tính độc. Chu sa có thành phần chính là sunfua thủy ngân thiên nhiên và sunfua; hùng hoàng có thành phần chủ yếu là asen sunfua (AsS) đều là các chất có tính độc nên khi sử dụng với liều cao An cung ngưu hoàng hoàn sẽ gây độc cho cơ thể, đặc biệt là gan thận.

Thai phụ: trong thành phần của An cung ngưu hoàng hoàn có xạ hương là vị thuốc dễ gây trụy thai, nên thai phụ phải rất thận trọng cân nhắc khi định dùng thuốc này.

BS. Ninh Hồng
( C. H sưu tầm)

tin tức liên quan