Lo ngại về giai đoạn mới của dịch Covid-19
Nguồn: Báo Điện tử VnExpress
Trong khi Trung Quốc vẫn quay cuồng vì virus corona, sự lây lan nhanh chóng tại các nước khác gây lo ngại dịch bệnh đang bước sang giai đoạn mới.
Phần lớn ca bệnh trong dịch Covid-19 vẫn tập trung tại Trung Quốc đại lục, với hơn 75.000 người nhiễm và hơn 2.200 trường hợp tử vong. Dịch bệnh khởi phát từ thành phố Vũ Hán hồi tháng 12/2019 này vẫn chưa trở thành đại dịch, bởi khái niệm đại dịch được định nghĩa là tình trạng virus lan rộng trên nhiều lục địa.
Số người chết vì nCoV bên ngoài Trung Quốc đại lục vẫn nhỏ, với ít nhất 11 trường hợp tử vong. Tuy nhiên, tại các quốc gia châu Á khác, tình trạng lây nhiễm ngày càng nghiêm trọng khi số ca bệnh gia tăng nhanh chóng, làm dấy lên lo ngại về giai đoạn tiếp theo của dịch Covid-19.
|
Nhân viên y tế đưa một ca nghi nhiễm nCoV tại Cheongdo, Hàn Quốc tới bệnh viện khác hôm 21/2. Ảnh: AFP.
|
Số ca nhiễm nCoV ở Hàn Quốc ngày 21/2 tăng lên 204, gấp đôi trong vòng 24 giờ với tâm điểm là Daegu, thành phố lớn thứ tư đất nước có dân số 2,5 triệu người. Hầu hết ca bệnh ở Daegu liên quan đến những người từng đi lễ tại nhà thờ của giáo phái Shincheonji (Tân Thiên Địa). Một nữ tín đồ 61 tuổi được cho là đã lây cho ít nhất 43 người.
Bộ trưởng Y tế Hàn Quốc Park Neung-hoo cho biết giới chức nhận thức được các kênh lây nhiễm, nói thêm rằng tình hình hiện tại "có thể kiểm soát được". Giới chức Daegu đã ra lệnh đóng cửa các cơ sở công cộng và khuyến cáo người dân ở trong nhà. Tất cả nhà trẻ cũng đóng cửa, trong khi các trường học cân nhắc hoãn học kỳ hai dự kiến bắt đầu vào đầu tháng 3.
Tình hình tại Nhật Bản thậm chí đáng báo động hơn, khi nước này trở thành "ổ dịch" lớn thứ hai sau Trung Quốc với hơn 700 ca nhiễm nCoV, trong đó có hơn 600 người trên tàu Diamond Princess. Du thuyền này bị cách ly từ ngày 4/2 đến 19/2 tại cảng Yokohama do một du khách Hong Kong đi tàu tháng trước dương tính với nCoV.
Kentaro Iwata, chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm tại Đại học Kobe, hôm 18/2 chỉ trích chính phủ Nhật vì biện pháp cách ly tàu Diamond Princess. Ông giải thích rằng "du thuyền là nơi hoàn toàn không phù hợp để kiểm soát bệnh truyền nhiễm". Thêm vào đó, chính quyền cũng không phân biệt vùng xanh và vùng đỏ, thể hiện nơi không nhiễm và có khả năng nhiễm virus.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cũng đánh giá việc cách ly Diamond Princess không hiệu quả trong việc ngăn ngừa lây nhiễm giữa các cá nhân trên tàu. Hai hành khách trên du thuyền, gồm một đàn ông và một phụ nữ ngoài 80 tuổi, đã tử vong vì nCoV.
Chính phủ Nhật còn hứng chỉ trích vì quá chậm trễ trong việc ngăn dòng du khách đến từ Trung Quốc. Ngoài những trường hợp trên tàu Diamond Princess, số ca nhiễm nCoV tại Nhật cũng tăng gấp ba trong tuần qua, lên tới hơn 90 người. Một cụ bà trong độ tuổi 80 ở tỉnh Kanagawa dương tính với nCoV tử vong tuần trước.
Bộ trưởng Y tế Nhật Bản Katsunobu Kato hôm 16/2 cho biết họ đã mất dấu một số bệnh nhân. Những ca nhiễm ở nước này tới từ nhiều khu vực và không có mối liên hệ, khiến giới chức gặp khó khăn trong việc xác định con đường lây nhiễm.
Tình hình lây lan nCoV tại Nhật Bản được đánh giá có khả năng nghiêm trọng hơn, xuất phát từ nhiều yếu tố nguy cơ cao, như số lượng người cao tuổi đông và văn hóa làm việc không ngừng nghỉ. CDC hôm qua đưa Nhật Bản vào danh sách "xem xét cấp độ một", trong đó khuyên công dân khi du lịch nước này nên "thực hiện các biện pháp phòng bệnh thông thường".
Nỗi lo lắng về giai đoạn mới của dịch Covid-19 len lỏi vào thị trường tài chính toàn cầu, khi các nhà đầu tư đang cân nhắc tác động đối với tăng trưởng kinh tế và doanh thu nếu nCoV lan rộng hơn trong khu vực.
"Việc số ca nhiễm nCoV tăng vọt tại các khu vực khác ở châu Á, đặc biệt là Nhật Bản và Hàn Quốc, đã thổi bùng những lo ngại mới. Điều này cho thấy một giai đoạn mới của dịch bệnh, nơi sự gián đoạn sẽ tiếp tục và tác động tới kinh tế nhiều hơn so với suy đoán trước đây", Khoon Goh, chuyên gia tại Singapore của tập đoàn tài chính ANZ, nhận định.
( C. H sưu tầm)