Bác sĩ và 500 câu hỏi giữa vùng dịch Vĩnh Phúc

Ngày đăng: 07:45 27/02/2020 Lượt xem: 408

                   Bác sĩ và 500 câu hỏi giữa vùng dịch Vĩnh Phúc


                                         Nguồn: Báo Điện tử VnExpress

Tại chốt kiểm dịch, bác sĩ Tạ Mạnh Cường hỏi han khai thác tiền sử bệnh và dịch tễ của từng người tiếp xúc gần với bệnh nhân nCoV.



Chốt kiểm dịch đặt ngay trước cổng Phòng khám Đa khoa Quang Hà, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc. Ngồi đối diện bác sĩ Cường 2 mét là bà Phạm Thị Thịnh, 70 tuổi, bác ruột của bệnh nhân Nguyễn Thị Dự - cô gái nhiễm nCoV. Bà Thịnh đã tiếp xúc trực tiếp với Dự trong thời gian cô từ Vũ Hán trở về Việt Nam. 

Bác sĩ Cường trong bộ quần áo bảo hộ, đeo kính mặt nạ, bắt đầu hỏi bà cụ. Giọng to, rõ ràng, anh đặt câu hỏi: "Bà đã tiếp xúc với những ai trong vòng 14 ngày qua?".

Người phụ nữ trả lời chậm, có phần ấp úng sau một hồi suy nghĩ. 14 ngày là quá lâu để bà có thể nhớ hết mình đã từng gặp và nói chuyện với những ai. Kiên nhẫn chờ đợi bà trả lời xong, bác sĩ Cường hỏi từng câu cụ thể: "Người thân trong nhà bà gồm những ai? Bà có đi ăn cỗ, có đi lễ hội, đi chợ hay đi tàu xe cùng ai không? Ai ngồi bên cạnh, phía trước, phía sau xe của bà?"...

Nhận được từng câu trả lời, bác sĩ cầm bút ghi nhanh vào quyển sổ tay trên bàn. Mỗi một người bà Thịnh từng tiếp xúc, anh có nhiệm vụ hỏi rõ họ tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ, sau đó chuyển toàn bộ danh sách về địa phương ở các xã các thôn để chính quyền làm công tác cách ly, giám sát y tế.

"Không khoanh vùng cách ly kịp thời rất nguy hiểm", anh nói. "Đầu óc mình phải rất tỉnh táo để nghĩ ra 500 câu hỏi gợi ý cho người đối diện". Anh nhìn nhận đây là việc "rất căng thẳng". 

Bác sĩ Tạ Mạnh Cường, 44 tuổi, công tác tại Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Phúc, được cử chi viện cho Phòng khám Đa khoa Quang Hà để tiến hành sàng lọc cách ly người nghi nhiễm do tiếp xúc gần các bệnh nhân corona. Trong lúc khai thác tiền sử người nghi nhiễm, làm việc cùng bác sĩ Cường là một bác sĩ nữa, làm hồ sơ bệnh án. Ai có dấu hiệu nhiễm bệnh như ho, sốt... từng tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính nCoV sẽ được ghi vào hồ sơ. Khi đó, bác sĩ Cường đặt những câu hỏi tỉ mỉ như "tiếp xúc với bệnh nhân ngày cuối cùng khi nào, hai người đã làm gì cùng nhau, sau bao lâu thì có các triệu chứng...". Hồ sơ bệnh án sau đó nhanh chóng chuyển về bệnh viện để làm các thủ tục nhập viện, cách ly, theo dõi điều trị.

Bà Thịnh may mắn không có các triệu chứng bệnh. Thế nhưng phải đến 45 phút sau, bà mới được điều tra tiền sử dịch tễ xong. Nhân viên y tế nhanh chóng đưa bà đến khu cách ly tại Phòng khám Đa khoa Quang Hà, chờ kết quả xét nghiệm.

"Mỗi ngày khoảng hơn chục người như bà Thịnh. Mỗi người trong số đó tối thiểu lại tiếp xúc với 10 người nữa", bác sĩ Cường nói.

Bác sĩ Tạ Mạnh Cường làm công tác dự phòng tại Trung tâm bệnh tật tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Giang Huy

Bác sĩ Tạ Mạnh Cường làm công tác dự phòng tại Trung tâm bệnh tật tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Giang Huy

Thời điểm dịch bệnh, bác sĩ làm công tác dự phòng như bác sĩ Cường "làm việc không biết thời gian". Những ngày đỉnh điểm khi Vĩnh Phúc có cả gia đình nhiễm bệnh, "người ta ùn ùn kéo đến", anh kể. 14h ăn xong bữa cơm trưa, bác sĩ phải đứng dậy làm việc ngay. 

"Cũng có trường hợp mà hỏi mãi người ta không nhớ hết đã từng tiếp xúc với ai, các đồng chí ở địa phương lại có thông báo, hỏi xem những ai tiếp xúc với người này... Hỏi từ nhiều phía sẽ tránh bị sót hơn", anh chia sẻ.

Thế nhưng, không phải ai cũng điều tra dịch tễ dễ dàng như bà Thịnh. Bác sĩ Cường từng gặp một bà cụ bị điếc.

Về nguyên tắc, bác sĩ điều tra dịch tễ phải ngồi đối diện bệnh nhân cách xa không dưới 2 mét. "Nhưng ngồi như vậy tôi hỏi bà cụ không nghe thấy gì", anh cho biết. Bác sĩ cũng chưa xác định được bệnh nhân có nhiễm bệnh hay không nên phải ưu tiên phòng bệnh. "Nếu một nhân viên y tế nhiễm nCoV, người trong tập thể sẽ phải cách ly hết, khi đó nguồn lực không có". 

"Nhưng tôi cũng không thể lại gần bà ý", anh nói. 

Suy nghĩ một lúc, cuối cùng anh nghĩ ra cách bảo ngồi bệnh nhân xoay người, quay lưng lại. Anh Cường đứng từ phía sau, gần tai, hỏi to để bà trả lời. "Tư thế như vậy thì khi nói, nước bọt của bà sẽ văng về phía trước, nên mình không lo". Bà cụ phải mất hơn một tiếng mới điều tra xong, may mắn có kết quả âm tính. Đó là một kỷ niệm đáng nhớ với bác sĩ Cường.

Ngoài việc điều tra dịch tễ, bác sĩ làm công tác chống nhiễm khuẩn từ bệnh nhân dương tính sang bệnh nhân âm tính, sang nhân viên y tế và cộng đồng, đồng thời khuyến cáo mọi người sát trùng cơ thể để bảo vệ sức khỏe, hướng dẫn xử lý các chất thải, tránh lây lan phát tán virus lây lan.

Anh làm trong ngành y được 18 năm. Khi đang công tác tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Phúc, được cử xuống Phòng khám Đa khoa Quang Hà, anh nhớ nhà. "Mình hơi khó ngủ. Xuống đây sinh hoạt tập thể, đêm đồng nghiệp ngủ ngáy, mấy ngày đầu không quen nên bị mất ngủ suốt", anh tâm sự. "Về sau mệt quá thì ngủ như chết". Vợ và hai con anh ở nhà, ngày nào anh cũng gọi điện hỏi han. "Các concòn nhỏ, vợ cũng cùng làm ngành y nên hiểu mình".

"Mình còn may mắn là chỗ ở còn có giường có phòng. Các chốt dưới cơ sở là nhà bạt, điều kiện ăn ở thiếu thốn, các đồng nghiệp anh em còn đang phải chịu khổ hơn nhiều".

Xa nhà, anh hòa nhập nhanh với các bác sĩ tại phòng khám. "Mọi người có nhiều kỷ niệm với nhau", anh nói. "Nhưng có một kỉ niệm không bao giờ quên". Có một bệnh nhân nghiện rượu bị kích động, anh ta phá cả một đêm, cầm dao, định chạy ra ngoài mà đang trong thời gian cách ly. "Tối đó, tất cả nhân viên y tế vật lộn với bệnh nhân", anh kể. Đến sáng sớm, mọi người mới kiểm soát được bệnh nhân, bệnh viện phải mời bác sĩ tâm thần xuống làm thủ tục chuyển viện cho anh.

"Bạn bè tôi hay hỏi 'Vào vùng dịch có sợ không?'. Ai mà không sợ chứ. Nhưng mình là con dân Vĩnh Phúc, của đất nước Việt Nam, mình phải có trách nhiệm với cộng đồng", bác sĩ Cường chia sẻ.

( C. H sưu tầm)

tin tức liên quan