nâng cao độ bền của hàm răng giả

Ngày đăng: 10:23 20/03/2020 Lượt xem: 525
SÁNG KIẾN – KINH NGHIỆM
 
NÂNG CAO ĐỘ BỀN HÀM TRÊN RĂNG GIẢ


 
Ngoài những thương binh bị chấn thương hoặc do vết thương vùng hàm – mặt mà phải làm hàm răng giả, còn một số không ít người cao tuổi cũng phải làm vậy. Nhiều người phải làm cả hai hàm răng giả.
Thông thường, do điều kiện kinh tế mà nhiều người chọn làm hàm răng giả bằng nhựa cứng. Do sự lão hoá và lực nhai khá lớn nên hàm nhựa cứng dễ bị gẫy vỡ, nhất là hàm trên (ảnh 1)...
Năm 2004, tôi bắt đầu làm răng giả tại một cơ sở của bác sĩ nha khoa quen biết tại thành phố Hải Dương. Tôi làm hàm trên với giá 1 triệu đồng, bằng cả tháng lương của tôi hồi đó. Sau thời gian chỉnh sửa, tôi ăn nhai khá tốt. Nhưng chỉ vài tháng, do khi nhai bị lỗi, hàm răng bị vỡ làm hai. Tôi mang đến để ông bạn bác sĩ chữa lại. Ông ấy đã sửa bằng cách: Cho một lá in-ốc có nhiều lỗ nhỏ làm cốt rồi cho vào khuôn “đúc” lại như mới cho tôi. Nhưng chỉ sau gần một năm cái hàm giả ấy lại bị vỡ! Lần này tôi không mang đến sửa nữa.
Vốn là một kỹ sư Chế tạo máy, mà đồ án tốt nghiệp của tôi tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, là “Chế tạo bánh răng bằng chất dẻo”. Bánh răng được gia công bằng chất dẻo có liên kết sợi hoá học chịu được lực va chạm lớn trong quá trình chuyển động của nhiều loại máy. Tôi cầm hàm răng giả bị vỡ, nhớ đến đồ án ấy, rồi tự hỏi: Tại sao “ngành răng giả” lại không dùng chất dẻo có liên kết sợi nhỉ? Từ đó, tôi đã nghĩ ra cách làm như sau:
- Lấy miếng vải lụa trắng khoảng hơn 100 xăng - ti - mét vuông còn mới (loại hoạ sĩ vẽ tranh lụa thường dùng) rồi cắt thành 5 miếng vừa khít trong lòng vòm phía dưới của hàm giả.
- Mua một lọ keo dán (loại nhỏ, giá hiện nay khỏang 5 ngàn đồng), nhãn hiệu Con Voi  “502”.
- Làm sạch và khô các mảnh hàm răng giả.
- Bơm một lớp keo 502 mỏng vào bề mặt các vết vỡ, ép lực đủ mạnh khoảng vài giây để cho các mảnh hàm vỡ dính chặt vào nhau để hàm có được dạng như khi chưa vỡ.
- Để hàm giả đã được gắn lên mặt phẳng cứng, vòm hàm (mặt hàm tiếp xúc với lưỡi) ngửa lên phía trên; xếp cẩn thận các miếng lụa đã cắt vào vòm hàm rồi bơm đẫm keo 502 lên (vừa bơm, vừa dùng mặt lồi của thìa cà-phê, ấn, miết ) cho các lớp vải lụa thấm no keo dính chắc vào hàm. Sau 5 – 10 phút là hàm răng đanh chắc.
- Cuối cùng, dùng mũi dao nhỏ (sắc, nhọn) cạo sạch những chỗ keo dây vãi và gọt các đường mép khuôn vải chưa ưng ý (nếu có máy mài tròn mi ni để làm sạch thì tốt).
Cũng nhờ khéo tay mà hàm răng đã sửa lắp khit gần như mới!
Kết quả, hàm giả trên của tôi lại ăn nhai bình thường cho đến khi được Nha khoa Quốc tế Happy Smile – Chi nhánh Nam Sách làm tặng tôi hàm răng mới (nhân dịp kỷ niệm Ngày Thương binh – Liệt sĩ 27 tháng 7 năm 2019). Như vậy, làm theo cách nêu trên, hàm răng giả của tôi đã dùng thêm được gần 14 năm mà vẫn còn tạm dùng được.
Để nâng cao độ bền hàm trên răng giả được tặng này, tôi đã tiến hành làm theo cách đã nêu ở trên ngay từ khi còn mới (ảnh 2)...
 
Trương Văn Nhi

tin tức liên quan