280 y, bác sĩ về hưu tình nguyện chống dịch: Tổ quốc gọi chúng tôi sẵn sàng
280 y, bác sĩ về hưu tình nguyện chống dịch: Tổ quốc gọi chúng tôi sẵn sàng
Nguồn: Báo Điện tử Dân Trí
Thứ đã thôi thúc những người thầy thuốc đều đã ngoài 70 này tình nguyện lên đường, có lẽ chính là một “món nợ” đặc biệt với nghề y, với người bệnh kể từ khi họ khoác lên mình chiếc áo blouse.
Trong phiên họp của Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 diễn ra vào chiều 18/3, ông Trần Thế Cương, chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm cho biết, đã có khoảng 280 y, bác sĩ về hưu trên địa bàn mong muốn cùng chống dịch với thành phố. Có cơ hội trò chuyện với 2 cán bộ lão thành trong lực lượng đặc biệt này, chúng tôi dần hiểu ra rằng, thứ đã thôi thúc những người thầy thuốc đều đã ngoài 70 này tình nguyện lên đường, có lẽ chính là một “món nợ” đặc biệt với nghề y, với người bệnh kể từ khi họ khoác lên mình chiếc áo blouse.
Nhà nước đã chăm lo cho tôi, bây giờ nhà nước gặp khó khăn tôi phải sẵn sàng phụng sự
Bác Nguyễn Thế Triển, năm nay 70 tuổi, hiện đang sống ở đường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội là 1 thành viên trong lực lượng “blouse trắng” đặc biệt này.
Bác Triển từng là một chiến sĩ trực tiếp tham gia vào chiến trường Tây Nguyên trong giai đoạn 1969-1974. Sau đó, bác được mặt trận Tây Nguyên gửi ra Bắc để theo học trở thành bác sĩ và cống hiến trong lực lượng quân y đến khi về hưu. Hiện nay bác Triển đang là Trưởng ban liên lạc của Hội Y dược tư nhân của quận Bắc Từ Liêm.
Tuổi đã ngoài thất thập nhưng bên trong người thầy thuốc lão thành này vẫn “rực cháy” lý tưởng cống hiến cho tổ quốc của một người bộ đội Cụ Hồ. “Bản thân tôi là một quân nhân trong Quân đội Nhân dân Việt Nam. Mình được nhà nước đào tạo, chăm lo hoàn toàn từ lúc nhập ngũ đến khi về hưu. Bây giờ tổ quốc gặp khó khăn, một người lính như tôi phải sẵn sàng tham gia phụng sự” – Bác Triển chia sẻ.
Được biết, khi hay tin dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trở lại, bác Chiến đã liên lạc với các cán bộ y tế của phường và đề nghị được đóng góp sức mình bất cứ khi nào chính quyền cần đến. Là Trưởng ban liên lạc của Hội Y dược tư nhân của quận, bác Triển cũng lan tỏa tinh thần “khi tổ quốc gọi chúng tôi sẵn sàng” đến các Hội viên: “Tôi đã kêu gọi, động viên những hội viên đang còn có điều kiện, sức khỏe hãy sẵn sàng chung sức với địa phương chống dịch Covid-19”.
Trên thực tế, từ khi có dịch đến nay, bác Triển vẫn hàng ngày góp sức mình vào cuộc chiến chống Covid-19. “Khả năng của mình đến đâu thì mình làm làm đến đó. Trước hết là phải chống dịch ngay tại khu vực mình sống, bằng cách vận dụng kiến thức của mình, cũng như các thông tin được cung cấp bởi nhà nước để tuyên truyền, tư vấn cho bà con lối xóm và cả những bệnh nhân đến phòng khám của tôi” – Bác Triển nói.
Cuộc trò chuyện của chúng tôi khép lại với một lời tâm sự của người thầy thuốc đáng kính: “Mình đã là thầy thuốc thì như có món nợ với nghề y, với người bệnh. Nếu còn sức khỏe, còn khả năng thì không thể từ chối công việc khám bệnh, cứu người được”.
Gia đình có 3 người thì cả 3 đều tham gia chống dịch Covid-19
Trong số hơn 200 y, bác sĩ về hưu tình nguyện tham gia vào lực lượng chống dịch trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm, bác Nguyễn Thị Huyên là một bác sĩ đặc biệt không kém. Bác là một bác sĩ đa khoa vào nghề khi cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta còn đang trong giai đoạn ác liệt.
Cũng là người mang nặng món “nợ” với nghề y, gọi là nghỉ hưu nhưng người phụ nữ đã ngoài 70 này vẫn chưa từng rời xa chiếc áo blouse. “Tôi tốt nghiệp bác sĩ đa khoa năm 1972, sau đó công tác tại Đại học Tài chính – Kế toán (hiện tại là Học viện Tài chính), rồi chuyển sang công tác tại Ủy ban Bảo vệ Bà mẹ Trẻ em. Nhiệm vụ chính của tôi là đi giảng dạy cho các cô giáo mầm non về cách chăm sóc trẻ, cách xử trí tai nạn, cách phát hiện bệnh. Từ khi về hưu đến nay, tôi đi dạy ở các trường y dược trên địa bàn Hà Nội, cũng tất bật không kém khi chưa nghỉ là bao” – Bác Huyên kể.
Lý do bác Huyên tình nguyện tham gia vào lực lượng chống dịch rất giản đơn nhưng thực sự khiến người khác phải nể phục: “Tôi thấy toàn xã hội cùng cố gắng đẩy lùi dịch bệnh thì mình không thể ngồi yên được, nhất là khi đây đúng là chuyên ngành mình được đào tạo”.
Qua câu chuyện kể về những năm tháng hoạt động hăng hái trong ngành y khi còn trẻ của bác Huyên, chúng tôi mới biết rằng, bác Huyên là một chuyên gia chống dịch kì cựu. “Ngày xưa, khi còn theo học trường y, có những đợt chúng tôi phải nghỉ học 5-6 tháng liền để đi cấp thuốc men cho vùng lũ lụt. Đến dịch sốt xuất huyết thì chúng tôi cũng phải đi từng vùng, từng tỉnh một để đến các cơ sở tăng cường thêm nhân lực”.
Ở thời điểm hiện tại, chân đã mỏi, mắt mờ, không còn có thể băng rừng lội suối như xưa, nguyện vọng lớn nhất của người thầy thuốc này là cống hiến nhiều nhất có thể với khả năng của mình: “Tôi không còn khỏe, cũng không còn hành nghề nên không thể bằng các y, bác sĩ đang còn làm việc, nhưng việc gì cảm thấy mình tham gia được thì nhất định sẽ tham gia, đó mới là ý nghĩa của nghề y”.
Bác Huyên có một gia đình rất đặc biệt, khi tất cả các thành viên trong nhà đều là bác sĩ. Chồng bác Huyên là giảng viên Đại học Y Hà Nội nhưng không may đã qua đời; con gái và con rể bác Huyên hiện đang cùng công tác tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hoài Đức.
Bác Huyên hóm hỉnh khoe với chúng tôi: “Cả con gái và con rể tôi cũng đều đang trực chiến, sẵn sàng để được điều động chống dịch Covid-19, thế là cả nhà tôi bây giờ đều tham gia chống dịch”.
Đại diện phòng Y tế quận Bắc Từ liêm chia sẻ với PV Dân trí: “Chúng tôi rất trân trọng nguyện vọng cống hiến cho cuộc chiến chống dịch Covid-19 của các y, bác sĩ đã về hưu trên địa bàn. Về phía chính quyền quận Bắc Từ Liêm, để đảm bảo an toàn tối đa cho các bác, chúng tôi sẽ tiến hành tổng hợp và đánh giá tình hình sức khỏe của các bác, để đưa ra phương án tuyển chọn và giao nhiệm vụ sao cho thật phù hợp”. Theo kế hoạch, cán bộ phòng Y tế quận Bắc Từ Liêm sẽ xuống từng phường để tập huấn cho lực lượng chống dịch đặc biệt này trong vài ngày tới. Nhiệm vụ dự kiến sẽ được giao cho các y, bác sĩ về hưu chủ yếu là hỗ trợ trong công tác phân luồng cách ly và khai báo y tế.
( C. H sưu tầm)