BS. Nguyễn Đặng Khiêm - Trưởng khoa Cấp cứu, BV Hữu Nghị phân tích Người cao tuổi có sức đề kháng yếu, hệ miễn dịch “thờ ơ” với các tác nhân gây bệnh xâm nhập cơ thể, các hàng rào bảo vệ cơ thể ở đường hô hấp trên (mũi, họng) đáp ứng rất kém, các mầm bệnh truyền nhiễm (virus, vi khuẩn) thông qua đường hô hấp trên xâm nhập vào đường hô hấp dưới (phế quản, phổi) dễ dàng và gây bệnh tại đó.
Hệ hô hấp của người cao tuổi “kém” dần theo năm tháng, lồng ngực giảm khả năng co giãn, dung tích phổi giảm, phản xạ ho, lực ho kém… tất cả những yếu tố đó làm cho hệ hô hấp trở nên suy yếu trước “kẻ thù” là các tác nhân gây bệnh lý đường hô hấp, đó là virus, vi khuẩn, nấm.
Chuyên gia cấp cứu cũng cho rằng, nếu ở người trẻ tuổi khoẻ mạnh, các tác nhân gây bệnh muốn vào được tới cơ quan hô hấp “sâu nhất” để gây bệnh là phổi thì chúng phải vượt qua được các “hàng rào bảo vệ” ở mũi, họng và khi vào đến phổi chúng sẽ bị “bao vây” rồi tống ra ngoài bởi phản xạ ho, khạc. Song ở người cao tuổi thì không hoàn toàn là như vậy, bởi lẽ cơ quan hô hấp của người cao tuổi không còn duy trì được các chức năng đó nữa nên họ rất dễ nhiễm và mắc các bệnh lý đường hô hấp, bên cạnh các bệnh lý nền sẵn có (như tăng huyết áp, đái tháo đường, tim mạch…)
TS Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, đối với những bệnh nhân mắc Covid-19 cao tuổi kèm các bệnh lý mãn tính như: Tim mạch, cao huyết áp, đái tháo đường, phổi tắc nghẽn mãn tính, viêm phế quản mãn, xơ gan, viêm gan, bệnh thận mãn tính… thì thường có triệu chứng nặng hơn những người khác. Họ cũng có nguy cơ cao sẽ diễn biến nặng, nhanh, có thể suy hô hấp do sức chống đỡ kém trước sự tấn công của virus.
Bác sĩ chỉ rõ người cao tuổi mắc kèm những bệnh này cẩn thận với Covid-19 - ảnh 1TS Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cho biết, đối với những bệnh nhân mắc Covid-19 cao tuổi kèm các bệnh lý mãn tính như: Tim mạch, cao huyết áp, đái tháo đường, phổi tắc nghẽn mãn tính, viêm phế quản mãn, xơ gan, viêm gan, bệnh thận mãn tính… thì thường có triệu chứng nặng hơn những người khác.  Ảnh minh họa: Internet
Phân tích cụ thể hơn, theo TS Trần Quang Thắng - Trưởng khoa Cấp cứu và đột quỵ, Bệnh viện Lão khoa Trung ương, thống kê mới về dịch bệnh Covid-19 gần đây, nhóm người cao tuổi nhiễm bệnh chiếm tỷ lệ cao nhất và tỷ lệ tử vong cũng cao nhất. Người cao tuổi thường là nhóm người có nhiều bệnh lý mãn tính.
Do đó, sức đề kháng của nhóm người này giảm hơn so với các nhóm tuổi khác. Nếu người cao tuổi bị bệnh, Covid-19 sẽ làm cho các bệnh mãn tính đó thúc đẩy chuyển thành giai đoạn cấp hoặc đợt cấp, do đó bệnh nhân rất dễ tử vong. Thực tế tại các nước có đông người mắc và tử vong (như Trung Quốc, Ý…), tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 tử vong chủ yếu là người cao tuổi có kèm nhiều bệnh lý mãn tính.
Giải thích về vấn đề người cao tuổi dễ bị nặng hơn khi bệnh xâm nhập, PGS.TS Hồ Thị Kim Thanh - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, ngoài việc phải uống rất nhiều các loại thuốc điều trị bệnh nền, cơ thể của người cao tuổi cũng suy giảm miễn dịch, giảm sức đề kháng, dễ mắc thêm các bệnh khác. Khi người cao tuổi mắc bệnh thì thường bị rất nặng do tương tác của bệnh mới với bệnh nền cũng như tương tác của rất nhiều loại thuốc.
Khi bị nhiễm virus, cơ thể không đủ sức chống lại, đồng thời lại khởi động một chuỗi rối loạn kèm theo trên nền bệnh mạn tính như suy gan, suy thận, suy đa tạng làm phức tạp việc điều trị.