Khi nào vaccine nCoV sẵn sàng?

Ngày đăng: 01:55 28/03/2020 Lượt xem: 346

                          Khi nào vaccine nCoV sẵn sàng?

                                                             Nguồn: Báo Điện tử VnExpress

Nhiều tổ chức thử nghiệm vaccine nCoV trên người, song, vẫn còn không ít rào cản trước khi tiêm chủng toàn cầu được triển khai.

 

Khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố đại dịch mang tên Covid-19, mọi sự chú ý đổ dồn vào viễn cảnh ra đời một loại vaccine. Đây được xem là phương cách có thể ngăn chặn con người với dịch bệnh này.

Khoảng 35 công ty và tổ chức ráo riết chạy đua chế tạo vaccine. Trong số đó, có ít nhất bốn tổ chức đã tiến hành các cuộc thử nghiệm trên động vật. Nhiều hãng công nghệ sinh học thông báo sớm thử nghiệm vaccine trên người.

Những kết quả thần tốc có được, một phần nhờ nỗ lực của các nhà nghiên cứu Trung Quốc trong việc giải mã trình tự nguồn gốc di truyền của virus Sars-CoV-2 trong thời gian đại dịch bùng phát tại quốc gia đông dân nhất thế giới. Họ chia sẻ kết quả nghiên cứu vào tháng 1, nhờ đó các nhóm nghiên cứu khắp thế giới có thể phát triển virus sống và giải mã phương thức Sars-CoV-2 xâm nhập cơ thể cũng như cách nó khiến con người mắc bệnh.

Tuy nhiên, sự khởi đầu còn bắt nguồn từ nguyên nhân khác. Có thể xem cúm là nguy cơ đại dịch lớn nhất trên toàn cầu. Không ai có thể đoán trước được căn bệnh truyền nhiễm tiếp theo đe dọa an nguy toàn cầu là từ virus corona. Mặc dù vậy, các nhà nghiên cứu vaccine đã luôn cố gắng nghiên cứu các mầm bệnh nguyên mẫu để dùng trong các trường hợp cần thiết. "Tốc độ cho các mẫu thử nghiệm đến từ nỗ lực trong việc tìm hiểu cơ chế phát triển cho những loại virus khác", Richard Hatchett, CEO tổ chức phi lợi nhuận Cepi tại Oslo (Mỹ) cho biết. Đây là một trong những đơn vị tài trợ và điều phối phát triển vaccine cho Covid-19.

Virus corona đã gây ra hai dịch bệnh gần nhất. Một là hội chứng hô hấp cấp tính nặng (Sars) tại Trung Quốc vào 2002-2004. Gần đây nhất là Mers - khởi phát ở Saudi Arabia vào 2012. Trong cả hai trường hợp, những nỗ lực tìm kiếm vaccine đã gác lại sau khi các ổ dịch được ngăn chặn. Công ty Novavax có trụ sở tại Maryland (Mỹ) đã tái sử dụng vaccine này cho Sars-CoV-2. Theo đó, một số tình nguyện viên đã sẵn sàng tham gia cuộc thử nghiệm trong mùa xuân. Với nỗ lực tương tự, công ty Moderna phát triển virus dựa trên công trình nghiên cứu trước đó với virus Mers từng được tiến hành tại Viện Dị ứng và Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia Mỹ.

Sars-CoV-2 có đến 80-90% vật liệu di truyền chung với virus gây ra Sars. Cả hai bao gồm một chuỗi axit ribonucleic (RNA) bên trong một viên nang protein hình cầu được bao phủ trong các gai. Các gai khóa vào thụ thể trên bề mặt tế bào lót phổi người, với cùng loại thụ thể trong cả hai trường hợp và cho phép virus xâm nhập vào tế bào. Khi vào bên trong, nó chiếm quyền điều khiển máy móc sinh sản tế bào để tạo ra nhiều bản sao của chính nó, trước khi thoát ra khỏi tế bào một lần nữa và giết chết tế bào trong quá trình này.

Về cơ bản, tất cả các vaccine được tạo trên cùng một nguyên tắc. Vaccine đưa một phần hoặc toàn bộ mầm bệnh vào hệ thống miễn dịch của con người, thường dùng dưới dạng tiêm và liều thấp, để thúc đẩy hệ thống tạo ra kháng thể đối với mầm bệnh. Kháng thể là một loại bộ nhớ miễn dịch. Khi đã xuất hiện một lần, nó có thể nhanh chóng được huy động trở lại nếu người dùng tiếp xúc với virus ở dạng tự nhiên.

Tiêm chủng cho thấy hiệu quả khi sử dụng các dạng virus sống hoặc yếu, hay trường hợp là một phần hoặc toàn bộ virus khi nó không thể hoạt động do tác động của nhiệt hoặc hóa chất. Các phương pháp này cũng có nhược điểm bởi dạng sống có thể tiếp tục phát triển trong vật chủ. Ví dụ vaccine có khả năng lấy lại một số độc tính của virus và khiến người nhận mắc bệnh. Nhưng sử dụng liều cao hơn hoặc lặp lại của virus bất hoạt là cần thiết để đạt được mức độ bảo vệ cần thiết.

Một số nhóm nghiên cứu vaccine Covid-19 đang sử dụng các phương pháp thử nghiệm này, trong khi các dự án khác sử dụng công nghệ mới hơn. Novavax đang chế tạo một loại vaccine tái tổ hợp bằng cách trích xuất mã di truyền cho protein tăng vọt trên bề mặt Sars-CoV-2 - một phần của virus có khả năng gây ra phản ứng miễn dịch ở người và dán nó vào bộ gen của vi khuẩn hoặc nấm men. Quá trình buộc những vi sinh vật tạo ra một lượng lớn protein. Moderna và một công ty khác tại Boston (Mỹ) là CureVac áp dụng phương pháp khác, chế tạo vaccine từ chính hướng dẫn di truyền với RNA thông tin.

khi nao vaccine ncov san sang
Nhân viên của CureVac nghiên cứu vaccine Covid-19 tại phòng thí nghiệm ở Đức. Ảnh: Reuters

Dựa vào kinh nghiệm, Hatchett cho biết nhà nghiên cứu có thể dự đoán được điểm "sẩy chân" trong phát triển vaccine. Giai đoạn mà bất kỳ phương pháp nào cũng có khả năng "sẩy chân" là thử nghiệm lâm sàng - một bước quan trọng mà một số công ty sắp tiến hành cho Covid-19.

Quy trình phê quyệt cho các thử nghiệm lâm sàng thường diễn ra trong ba giai đoạn. Bước đầu là ở quy mô vài chục tình nguyện viên có sức khỏe tốt sẽ kiểm nghiệm độ an toàn của vaccine và theo dõi các tác dụng phụ. Giai đoạn tiếp theo cần khoảng vài trăm người ở những nơi dịch bệnh ảnh hưởng nặng với mục đích xem xét hiệu quả của vaccine. Bước cuối cùng tương tự nhưng với quy hơn lớn hơn bao gồm hàng nghìn người tham gia.

Tuy nhiên, khi vượt qua giai đoạn này cũng có những đánh đổi nhất định. "Không phải tất cả những chú ngựa rời vạch xuất phát sẽ kết thúc cuộc đua", Bruce Gellin, nhà điều hành chương trình tiêm chủng toàn cầu của Viện Sabin Vaccine - tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại Washington DC (Mỹ), cho biết.

Các loại vaccine thử nghiệm có thể không an toàn, không đạt hiệu quả hoặc thậm chí cả hai. Việc sàng lọc các lựa chọn là cần thiết và đó là lý do vì sao không được bỏ qua thử nghiệm lâm sàng hay tiến hành một cách vội vàng. Trong trường hợp cơ quan quản lý đã phê duyệt các sản phẩm tương tự trước đó, quá trình thông qua vaccine có thể nhanh hơn. Đơn cử là vaccine cúm mùa hàng năm là sản phẩm của một chuỗi quy trình hoàn thiện tốt mà mỗi năm chỉ cần nâng cấp một hay một số tiêu chuẩn. Ngược lại, Sars-CoV-2 là mầm bệnh mới ở người và nhiều công nghệ đang được sử dụng để chế tạo vaccine cũng chưa được thử nghiệm. Lịch sử cho thấy chưa có vaccine nào hình thành từ vật liệu di truyền, tức RNA hoặc DNA, được phê duyệt cho đến nay. Vì vậy, một số loại vaccine tiềm năng cho Covid-19 được xem là vaccine hoàn toàn mới.

Theo Gellin, trong thời thế cấp bách hiện nay thì nhu cầu có một loại vaccine là càng nhanh càng tốt nhưng "đừng đốt cháy giai đoạn". Minh chứng là từng có một loại vaccine được sản xuất vào những năm 1960 chống lại virus hợp bào hô hấp - loại virus phổ biến gây ra các triệu chứng giống như cảm lạnh ở trẻ em. Trong các thử nghiệm lâm sàng, các nhà nghiên cứu nhận thấy vaccine khiến triệu chứng ở trẻ sơ sinh ngày càng nặng hơn. Điều tương tự xảy ra với các động vật được tiêm vaccine thử nghiệm sớm trong dịch Sars. Vaccine hiện được điều chỉnh và trưng dụng cho thử nghiệm với Sars-CoV-2. Lần này, vaccine cần phải được đưa vào thử nghiệm an toàn và nghiêm ngặt để loại trừ nguy cơ mắc bệnh tăng cường.

Đây là những lý do mà các nhà nghiên cứu vaccine phải đi một chặng đường dài trước khi được cơ quan quản lý thông qua. Chính vì vậy, giáo sư về các bệnh truyền nhiễm mới tại Trường Y học Nhiệt đới và Vệ sinh London (Anh) Annelies Wilder-Smith, cho rằng việc Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ có vaccine vào thời điểm bầu cử tháng 11 ở Mỹ là không tưởng, bởi: "Như nhiều nhà nghiên cứu vaccine, tôi không nghĩ vaccine có thể sẵn sàng trước 18 tháng. Thời gian này đã là rất nhanh rồi".

Một số vấn đề khác cũng không thể không nhắc đến. Ngay khi vaccine được thông qua, thế giới chắc chắn rất cần số lượng lớn. Trong khi đó, nhiều tổ chức tham gia cuộc chạy đua tìm kiếm vaccine lại không đủ khả năng sản xuất số lượng cần thiết. Về mặt kinh doanh, phát triển vaccine thật sự là rủi ro nên rất ít công ty có sẵn nguồn cung. Các cơ sở sản xuất có xu hướng điều chỉnh theo đặc thù của từng loại vaccine. Việc nhân rộng khi chưa biết sản phẩm có thành công hay không có vẻ không khả thi về mặt thương mại. Cepi có kế hoạch phát triển vaccine cho Covid-19 và tăng cường sản xuất song song. Đầu tháng 3, họ đã kêu gọi đầu tư 2 tỷ USD cho kế hoạch này.

Một khi vaccine Covid-19 được thông qua, sẽ còn rất nhiều thử thách khác mà thế giới phải đối mặt. Jonathan Quick, Chuyên gia sức khỏe toàn cầu tại Đại học Duke thuộc Nam Carolina, tác giả của quyển The end of Epidemics (tạm dịch "Hồi kết của dịch bệnh") phát hành năm 2018 phân tích: "Khi tìm ra loại vaccine an toàn và hiệu quả cho người sẽ giúp chúng ta đi được một phần ba quãng đường trong việc phát triển chương trình miễn dịch toàn cầu. Sự tiến hóa của virus và công nghệ vaccine có thể trở thành yếu tố hạn chế, nhưng chính trị và nền kinh tế có thể chính là rào cản cho việc miễn dịch này".

Vấn đề là phải đảm bảo vaccine cho những người thật sự cần. Đây là một thách thức ngay cả trong phạm vi một quốc gia. Lấy ví dụ với trường hợp đại dịch cúm, Anh sẽ ưu tiên tiêm phòng cho lực lượng y tế và nhân viên chăm sóc xã hội. Quốc gia này cũng ưu tiên những người được xem có nguy cơ cao, trong đó bao gồm trẻ em và phụ nữ mang thai. Mục tiêu chung là giữ cho bệnh tật và tỷ lệ tử vong ở mức thấp nhất có thể.

Song trong một đại dịch, các quốc gia cũng phải cạnh tranh với nhau để có vaccine cho người bệnh. Thực tế cho thấy đại dịch thường có xu hướng tấn công mạnh mẽ vào những quốc gia có hệ thống chăm sóc sức khỏe yếu và thiếu thốn nên sẽ có sự mất cân bằng giữa nhu cầu và sức mua vaccine. Trong dịch cúm H1N1 năm 2009, các nguồn cung vaccine gần như bị thâu tóm bởi các quốc gia có khả năng kinh tế cao, trong khi các nước nghèo hơn thì không. Thử tưởng tượng một kịch bản về Ấn Độ - một nhà cung cấp vaccine chính cho các nước đang phát triển, dùng vaccine để bảo vệ số dân khổng lồ 1,3 tỷ người trước khi xuất sang bất cứ quốc gia nào thì vấn đề gì sẽ xảy ra.

WHO cùng các chính phủ, tổ chức từ thiện và nhà sản xuất vaccine thống nhất chiến lược phân phối công bằng trên toàn cầu. Các tổ chức như liên minh vaccine Gavi đưa ra cơ chế tài trợ sáng tạo để quyên tiền trên thị trường nhằm đảm bảo có thể cung ứng nguồn vaccine cho các nước nghèo. Tuy nhiên, mỗi đại dịch lại khác nhau và không quốc gia nào bị ràng buộc bởi bất cứ sự sắp xếp nào mà WHO đề xuất. "Câu hỏi đặt ra là điều gì sẽ xảy ra trong tình huống mà tình trạng khẩn cấp quốc gia đang xảy ra", Seth Berkley, CEO Gavi đặt vấn đề.

Vấn đề này vẫn đang được tranh luận nhưng sẽ mất một thời gian để thế giới nhìn thấy diễn biến. Wilder-Smith dự đoán đại dịch sẽ lên đến đỉnh điểm và suy vong trước khi vaccine sẵn sàng. Ông cho rằng một loại vaccine vẫn có thể cứu được nhiều mạng sống, đặc biệt nếu virus trở thành đặc hữu và diễn ra hàng năm như cúm và có những đợt bùng phát theo mùa. Nhưng cho đến lúc đó, hy vọng lớn nhất của loài người là ngăn chặn thật tốt dịch bệnh này.

Một lời khuyên được lặp đi lặp lại là hãy thường xuyên rửa tay.

( C. H sưu tầm)

tin tức liên quan