30 ngày chống dịch Covid-19 quyết liệt: Những mốc đáng nhớ
Nguồn: Báo Điện tử Dân Việt
Tính đến sáng 6/4, sau 30 ngày bước vào giai đoạn 2 chiến đấu chống Covid-19, Việt Nam đã có 241 ca Covid-19 và đang từng bước kìm hãm tốc độ gia tăng của ca bệnh nhờ những biện pháp chống dịch hiệu quả, đồng lòng từ Chính phủ đến người dân
Những con số ấn tượng
Giai đoạn 1 chống dịch Covid-19 (từ 28/1-5/3), Việt Nam có 16 ca bệnh, trong đó chủ yếu là những người trở về hoặc đi qua tâm dịch Vũ Hán (Trung Quốc).
Trong giai đoạn này, ổ dịch Covid-19 lớn nhất là xã Sơn Lôi (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) với 7 ca mắc đã được cách ly trong vòng 21 ngày. Nhờ đó, ổ dịch này dã không xuất hiện ca bệnh mới, không có ca lây lan ra cộng đồng.
Ảnh minh hoạ.
Sau 23 ngày không xuất hiện ca bệnh Covid-19, Việt Nam đã chấm dứt giai đoạn 1 trong trận chiến chống dịch Covid-19. Như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: “Việt Nam đã thắng trận đầu ra quân trong trận chiến chống dịch Covid-19”.
Giai đoạn 2 chống dịch Covid-19 tại Việt Nam bắt đầu từ 6/3, khi ca bệnh thứ 17 được phát hiện. Từ lúc này, bắt đầu một “làn sóng” những bệnh nhân Covid-19 được phát hiện từ những người nhập cảnh là khách nước ngoài, du học sinh, lao động Việt Nam, người Việt đi du lịch đến (trở về) từ các nước châu Âu (Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Tây Ban Nha...), châu Á (Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Campuchia...).
Tính đến hết ngày 5/4, Việt Nam có 241 ca Covid-19 (151 người từ nước ngoài chiếm 62,2%; 90 người lây nhiễm thứ phát trong đó 61 người thuộc ổ dịch nội địa). Nếu trừ 16 ca bệnh giai đoạn 1, thì giai đoạn 2, sau 30 ngày, Việt Nam có 225 ca Covid-19.
Ngoài ra, đã có 91 bệnh nhân Covid-19 được công bố khỏi bệnh (giai đoạn 2 là 75 ca) và hiện còn 23 bệnh nhân khác đã âm tính 2 lần với SARS-CoV-2, đủ điều kiện công bố khỏi bệnh trong vài ngày tới.
Đáng nói, sau nhiều ngày số ca mắc ở Việt Nam tăng trên dưới 10 ca thì đến ngày 4/4, số ca mắc giảm đột ngột xuống còn 3 ca và ngày 5/4 chỉ còn 1 ca (du học sinh từ Anh về), sáng 6/4 cũng không phát hiện thêm ca bệnh nào.
Việc số ca mắc giảm trong 2 ngày liên tục đã chứng minh các phương pháp phòng dịch của Việt Nam đang hiệu quả. Việc người dân ở nhà “cách ly xã hội” theo lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ đã đem lại những tin vui ban đầu về cuộc chiến chống dịch Covid-19.
Nếu như giai đoạn 1, Việt Nam “loanh quanh” ở khoảng thứ 70 về số ca mắc Covid-19 trên toàn thế giới, thì tính đến ngày 5/4, chúng ta “tụt lùi” xuống hàng thứ 97, trong tổng số hơn 207 nước có ca mắc Covid-19. Việt Nam cũng là 1 trong 3 nước có số ca mắc Covid-19 trên 200 ca mà không có ca tử vong.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, đối với khối y tế dự phòng, chúng ta đặt ra mục tiêu làm sao để bệnh nhân mắc thấp nhất; đối với khối điều trị, trong số các ca đã mắc, làm sao để ít có bệnh nhân nặng nhất, và đặc biệt là làm sao để trong số các ca bệnh nặng, giảm ít nhất xảy ra tình huống ca bệnh tử vong.
Hiện chúng ta đang từng bước vững chắc thực hiện được 2 mục tiêu đó.
Ổ dịch Covid-19 lớn nhất
Ổ dịch Covid-19 tại Bệnh viện Bạch Mai được xem là ổ dịch lớn nhất với 44 ca mắc có liên quan bao gồm nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân và nhân viên phục vụ. Riêng Công ty Trường Sinh (công ty cung cấp dịch vụ ăn uống tại Bệnh viện Bạch Mai) đã có 27 nhân viên mắc Covid-19.
Ổ dịch này cũng đánh dấu số lượng người tiếp xúc có liên quan đến ổ dịch lớn nhất cả nước với 44.293 người, đã tỏa đi đến nhiều tỉnh.
Hàng chục ngàn người liên quan đến ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai đã phải lấy mẫu xét nghiệm Covid-19.
Cụ thể: 4.736 bệnh nhân nội trú, 1.272 bệnh nhân ngoại trú, 30.515 bệnh nhân khám ngoại trú, 7.026 người thân/người chăm sóc bệnh nhân, 91 người làm cho Công ty Trường Sinh và 653 người khác có liên quan. Địa phương có số người đến Bệnh viện Bạch Mai trong khoảng thời gian nói trên đông nhất là Hà Nội với 16.714 người.
Ổ dịch lớn thứ 2 trong giai đoạn 2 này là quán bar Buddha (TP.HCM). Từ bệnh nhân số 91 (công bố ngày 20/3) đến nay, ổ dịch này đã có 15 ca mắc Covid-19 có liên quan, bao gồm 11 trường hợp có vào quán bar Buddha và 4 trường hợp lây nhiễm do tiếp xúc với người nhiễm từ bar Buddha sau đó.
Bệnh nhân “siêu lây nhiễm”
Bệnh nhân số 34 tại Bình Thuận (công bố ngày 9/3), đã lây bệnh cho 10 người (8 F1 và 2 F2), đến nay được xem là bệnh nhân Covid-19 “siêu lây nhiễm” nhất ở Việt Nam. Bệnh nhân này cũng là người đã khai báo gian dối, làm khó khăn cho công tác điều tra dịch tễ của ngành y tế. Khi trở về từ nước ngoài bị bệnh nhưng không đi khám, không khai báo y tế, chỉ đến khi bệnh nặng mới đi khám, dẫn đến việc lây nhiễm sang nhiều người.
Theo điều tra dịch tễ của Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 Bình Thuận, bệnh nhân 34 hành nghề buôn bán vật liệu xây dựng. Ngày 22/2, bệnh nhân từ sân bay Tân Sơn Nhất đến New York (Mỹ), quá cảnh 3 giờ tại sân bay Incheon (Hàn Quốc). Ngày 25/2, bệnh nhân từ New York bay đến Washington tham quan, du lịch. Ngày 29/2, bệnh nhân bay từ Washington về sân bay Doha (Qatar) trên chuyến bay Qatar Aiways QR708 để quá cảnh. Từ 18h45 ngày 1/3, bệnh nhân từ sân bay này về Tân Sơn Nhất trên chuyến bay Qatar Aiways QR974, hạ cánh lúc 6h sáng ngày 2/3.
Bệnh nhân khai rằng khi xuống sân bay Tân Sơn Nhất là di chuyển thẳng về nhà bằng xe riêng, do một tài xế lái. Đồng thời, bệnh nhân khẳng định từ khi về đến trước lúc nhập viện chỉ ở nhà và lên công ty riêng. Trong thời gian trên, bệnh nhân đã có triệu chứng ho, khạc đờm nhưng tự ở nhà mua thuốc uống, không rõ thuốc gì. Liên tục trong những ngày sau đó bệnh nhân sốt, đau rát họng và đến ngày 9/3 mới nhập viện điều trị.
Tuy nhiên, thực chất, bệnh nhân 34 đã đến nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người. Điều này đã khiến virus SARS-CoV-2 phát tán, lây nhiễm cho 10 người khác. Cũng đã có hàng ngàn người được xác định là F1 và F2 liên quan đến 11 bệnh nhân này, khiến ngành y tế, chính quyền địa phương đã phải tốn kém rất nhiều sức lực, thời gian, tiền bạc để điều tra dịch tễ, đưa các đối tượng cần thiết đi khách ly, làm xét nghiệm...
Bệnh nhân khiến nhiều nhân viên y tế phải cách ly nhất
Bệnh nhân 237 (công bố ngày 3/4) đã khiến 4 bệnh viện (Bệnh viện Việt Pháp, Bệnh viện E, Bệnh viện Đức Giang, Viện Huyết học Truyền máu Trung ương) phải “báo động đỏ” khi có nhân viên y tế tiếp xúc. Đây cũng là bệnh nhân Covid-19 khiến nhiều bệnh viện phải "liên đới' nhất.
Đã có gần 100 nhân viên y tế tại 4 bệnh viện phải cách ly, làm xét nghiệm chẩn đoán xem có mắc Covid-19 hay không. Rất may, kết quả xét nghiệm đều âm tính. Tuy nhiên, tất cả các nhân viên y tế này đều phải cách ly theo quy định.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê- Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) trao đổi với lãnh đạo Bệnh viện Việt - Pháp về công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19.
Đây là bệnh nhân nam, 64 tuổi, quốc tịch Thụy Điển, đến Việt Nam từ cuối tháng 12/2019, di chuyển nhiều địa điểm như: Ninh Bình (17/3); quay lại Hà Nội từ 22/3 đến nay. Bệnh nhân bị ung thư máu (bạch cầu cấp). Ngày 26/3, bệnh nhân bị tai nạn và được chở vào Bệnh viện Việt Pháp bằng xe cấp cứu 115, sau đó quay lại khách sạn.
Ngày 31/3, bệnh nhân bị chảy máu mũi nhiều, được người nhà đưa sang Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, được khám và chuyển đến Viện Huyết học và Truyền máu Trung ương. Sáng 1/4, bệnh nhân được lấy mẫu bệnh phẩm và xét nghiệm cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Không chỉ 4 bệnh viện bị “liên đới” mà lịch trình di chuyển phức tạp, trong thời gian dài và không xác định được nguồn lây nhiễm Covid-19 của bệnh nhân 237 đã khiến Bộ Y tế phải ra thông báo khẩn để truy tìm người tiếp xúc với bệnh nhân này từ ngày 11/3, tại cả Ninh Bình và nhiều điểm ở Hà Nội.
Riêng Hà Nội đã rà soát, quản lý, cách ly 455 người đã tiếp xúc trực tiếp, tiếp xúc gần với người tiếp xúc liên quan đến bệnh nhân 237, trong đó có 101 trường hợp là F1, 354 người là F2.
( C. H sưu tầm)