Tại sao số ca Covid-19 mắc mới giảm cũng chưa vội mừng?
Nguồn: Báo Điện tử Dân Việt
Liên tục trong 3 ngày (4-6/4), số ca Covid-19 mắc mới ở Việt Nam đã giảm, đang từ hơn 10 ca mỗi ngày xuống còn 1-4 ca/ngày. Tuy nhiên, theo các chuyên gia dịch tễ, số ca mắc giảm, thậm chí vài ngày không có ca nào cũng chưa vội mừng.
TS Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm - Nội thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM) cho biết, ông rất chia sẻ khi mọi người mừng rỡ vì số ca mắc Covid-19 (SARS-CoV-2) ở Việt Nam đã giảm còn 3-4 ca/ngày, thậm chí ngày 5/4 chỉ có 1 ca.
“Nhưng sao đã vội mừng được khi chúng ta còn nhiều người cách ly như vậy. Chúng ta cũng còn hai ổ dịch Covid-19 chưa kiểm soát, truy ra nguồn lây như ổ dịch ở Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) hay ổ dịch quán bar Buddha (TPHCM). Một số ca khác chúng ta đang mất dấu F0, do đó chưa xác định được các ca mắc trong cộng đồng. Vì vậy, nếu ta nghe hôm nay chỉ có 2-3 ca, thậm chí hai - ba ngày không có ca bệnh nào thì cũng chưa thể vội mừng. Có thể vẫn còn có ca bệnh ở đâu đó mà ta chưa phát hiện ra” - TS Khanh nhận định.
Theo PGS Trần Đắc Phu, thời gian tới chúng ta nên đẩy mạnh xét nghiệm chẩn đoán SARS-CoV-2 ra cộng đồng.
Theo TS Khanh, chúng ta chưa thể chủ quan vì vẫn chưa truy hết người tiếp xúc ở hai ổ dịch này. Cũng có thể người đến Bệnh viện Bạch Mai hay quán bar Buddha nhưng họ không muốn công khai, có người không nghe được thông tin, cũng có người không có triệu chứng gì nên coi nhẹ... Do đó, chúng ta phải đợi thêm ít ngày nữa, xem có ca bệnh nào lộ ra nữa hay không.
Nhận định về tín hiệu mừng khi số ca mắc Covid-19 ở Việt Nam giảm, PGS.TS Trần Đắc Phu - cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam - cũng cho rằng, số giảm này "chưa đánh giá được điều gì". Lý do là bởi thời gian ủ bệnh đến 14 ngày, số người cách ly của chúng ta vẫn còn nhiều, do đó, phải đợi 14 ngày nữa mới có thể đánh giá được.“Vaccine triệt để nhất để phòng dịch Covid-19 hiện nay chính là cách ly xã hội, đeo khẩu trang y tế khi có việc cần ra ngoài, rửa tay thường xuyên, nâng cao sức khỏe... Khi chúng ta ở nhà, làm tốt việc cách ly thì tức khắc F0 sẽ lộ ra thôi” - TS Khanh khuyến cáo.
Theo PGS Phu, Việt Nam đã kiểm soát và xét nghiệm chẩn đoán Covid-19 đối với người nhập cảnh. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay, số ca mắc trong cộng đồng đã gia tăng, do đó, chúng ta cũng cần đẩy mạnh xét nghiệm trong cộng đồng để phát hiện và khoanh vùng các ca mắc, để dịch không bùng phát.
PGS Phu cũng chỉ ra 2 ca chưa tìm được nguồn lây nhiễm trong cộng đồng là bệnh nhân 237 người Thụy Điển đang điều trị ở Hà Nội và bệnh nhân người Hàn Quốc ở Bình Dương (bệnh nhân này từ Việt Nam về Hàn Quốc mới phát hiện mắc Covid-19, hiện không rõ người này đã lây bệnh từ nguồn nào ở Việt Nam). Đây là 2 ổ dịch nhỏ cần tập trung phát hiện ca nhiễm mới do chưa phát hiện được nguồn lây nhiễm (F0) của hai ca bệnh trên.
“Giai đoạn này người dân không được chủ quan, đặc biệt tuân thủ cách ly xã hội để ngăn chặn nguy cơ người bệnh lây sang người lành thông qua tiếp xúc và ngược lại. Khi người này không lây người kia, gia đình này không lây gia đình khác, xã này không lây xã khác… như vậy mới tiến tới khống chế được dịch" - PGS Phu nói.
( C. H sưu tầm)