Dịch Covid-19 ở châu Âu vẫn chưa lên đến đỉnh
Covid-19 - Thử thách lớn nhất với thế giới từ năm 1945 tới nay
Là cơ quan quan trọng và quyền lực nhất của LHQ, chịu trách nhiệm chính về việc duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, Hội đồng bảo an (HĐBA) bàn thảo về Covid-19 không phải là điều bất ngờ. Dù không phải là một cuộc chiến tranh theo nghĩa đen nhưng với quy mô tác động cùng những hậu quả khó lường, đại dịch Covid-19 nguy hiểm chẳng khác nào một cuộc chiến tranh. Và trên thực tế, nỗ lực ngăn chặn Covid-19 cũng luôn được ví như “cuộc chiến”.
Phát biểu tại cuộc họp, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres nhấn mạnh đại dịch Covid-19 là thử thách lớn nhất đối với thế giới từ năm 1945 tới nay, đe dọa các nỗ lực duy trì hòa bình, an ninh quốc tế, gây ra cú sốc lớn về kinh tế cũng như đối với cuộc sống thường ngày của hàng tỷ người. Ông cho rằng tình hình sẽ còn khó khăn hơn nữa, nhất là ở các nước phát triển và các nước đang có xung đột.
Ngày 9-4 đánh dấu 100 ngày kể từ khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ghi nhận những ca đầu tiên mắc “bệnh viêm phổi lạ” tại Trung Quốc. Thời gian chưa dài nhưng thiệt hại do Covid-19 gây ra khiến cả thế giới kinh ngạc. Đến nay, số người nhiễm trên toàn thế giới đã vượt con số 1,6 triệu người, trong đó hơn 90 nghìn người tử vong. Không còn nghi ngờ gì nữa, Covid-19 đã trở thành thảm họa thế kỷ.
Ấy thế nhưng “cuộc chiến” với Covid-19 còn chưa biết bao giờ mới kết thúc, nhất là ở Mỹ và châu Âu. Mới đây, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh của châu Âu (ECDC) đánh giá dù một số bằng chứng ban đầu từ Italia và Tây Ban Nha cho thấy số lượng người nhiễm bệnh và tử vong do Covid-19 đang giảm nhưng “hiện giờ chưa thấy có chỉ dấu nào cho thấy bệnh dịch tại châu Âu đã lên tới đỉnh điểm”. Giám đốc WHO khu vực châu Âu Hans Kluge đã phải cảnh báo các nước rằng giờ chưa phải lúc để nới lỏng các biện pháp chống dịch và ví nỗ lực ngăn chặn Covid-19 như cuộc chạy đua đường dài.
Dưới tác động của Covid-19, triển vọng kinh tế thế giới hết sức ảm đạm. Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) dự báo giao dịch thương mại toàn cầu năm nay sẽ giảm từ 13% đến 32%. Tổng giám đốc WTO Roberto Azevedo nhận định thế giới đang đối mặt với “cuộc suy thoái kinh tế sâu nhất hoặc sự sa sút của đời sống người dân”.
Thực tế cho thấy những dự báo đưa ra vài tuần trước đây đã lỗi thời, nhất là với các trung tâm kinh tế của thế giới là Mỹ và châu Âu. Giữa tháng 3, cơ quan xếp hạng tín dụng Moody dự báo các mức suy thoái vừa phải trong năm nay - khoảng 2% đối với kinh tế Mỹ và 2,2% đối với khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu. Tuy nhiên, khi các biện pháp phong tỏa được áp dụng, cả sản xuất và tiêu thụ ở Mỹ và châu Âu đều chững lại.
Trong bối cảnh đó, nỗ lực giảm đói nghèo trên thế giới đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tổ chức viện trợ quốc tế Oxfam cảnh báo đại dịch Covid-19 sẽ đẩy thêm nửa tỷ người trên thế giới lâm vào cảnh nghèo đói. Theo Oxfam, nếu không hành động ngay, thế giới sẽ lại lùi mốc hoàn thành cuộc chiến chống đói nghèo. Ở một số khu vực đặc biệt như châu Phi và Trung Đông, quãng thời gian này thậm chí sẽ mất khoảng 30 năm.
Cách tiếp cận đa diện của Việt Nam trong cuộc chiến chống Covid-19 được thế giới ghi nhận
Với quy mô tác động lớn của Covid-19, việc ngăn chặn dịch bệnh đòi hỏi nỗ lực toàn cầu. Phát biểu tại cuộc họp của HĐBA LHQ bàn về Covid-19, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres nhấn mạnh: “Để chống được đại dịch này, chúng ta cần phải hợp tác với nhau và điều đó có nghĩa là cần phải tăng cường sự đoàn kết”. Theo ông Antonio Guterres, ưu tiên hiện nay của LHQ là cùng các nước thúc đẩy ngừng bắn tại các điểm xung đột trên thế giới, huy động nguồn lực quốc tế cho việc hỗ trợ các nước, ưu tiên hỗ trợ nhân đạo cho các khu vực có nhu cầu cấp thiết nhất.
Trên thực tế, chưa có lời kêu gọi của ông Antonio Guterres, các tổ chức quốc tế cũng như các nước cũng đã có nhiều nỗ lực phối hợp để ngăn chặn Covid-19. Mới hôm 9-4, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã nhất trí thành lập một quỹ ứng phó với Covid-19 để cùng nhau chống lại dịch bệnh nguy hiểm này. Mục tiêu của quỹ là nhằm huy động các nguồn lực tài chính để giải quyết tình trạng thiếu nguồn cung cấp y tế, hỗ trợ nghiên cứu và phát triển thuốc điều trị và vaccine phòng chống Covid-19, đồng thời chuẩn bị cho các phản ứng khẩn cấp trong tương lai.
Ở châu Âu, cũng trong ngày 9-4, Bộ trưởng Tài chính châu Âu đã đồng ý gói cứu trợ trị giá 500 tỉ euro (546 tỉ USD) để hỗ trợ các nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch Covid-19. Sự đồng thuận này đã giải thoát châu Âu khỏi nguy cơ phải đối mặt với hậu quả tai hại về kinh tế và tình trạng chia rẽ của châu lục trong việc phối hợp các nỗ lực ngăn chặn Covid-19.
Ngân hàng phát triển châu Phi (ADB) thì cho ra mắt Quỹ ứng phó dịch Covid-19 trị giá 10 tỷ USD nhằm cung cấp cho các quốc gia châu Phi những công cụ tài chính cần thiết trong bối cảnh đại dịch đang làm cạn kiệt mọi nguồn lực ở các nền kinh tế vốn đã gặp rất nhiều khó khăn này.
Dù không có nguồn lực lớn, nhưng không những ứng phó tốt với Covid-19, Việt Nam còn thể hiện trách nhiệm cùng cộng đồng quốc tế ngăn chặn dịch bệnh. Trong khả năng của mình, Việt Nam đã tặng 550 nghìn khẩu trang tới Pháp, Đức, Italia, Tây Ban Nha và Anh. Với các nước láng giềng ở Đông Dương, Việt Nam đã gửi tặng 390 nghìn khẩu trang tới Campuchia và 340 nghìn khẩu trang tới Lào. Đặc biệt, Việt Nam đã hỗ trợ đẩy nhanh việc giao nhận 450 nghìn bộ quần áo bảo hộ toàn thân của hãng DuPont sản xuất tại Việt Nam tới Mỹ. Việc làm của Việt Nam đã được Tổng thống Mỹ Donald Trump ghi nhận và ngỏ lời cảm ơn “những người bạn Việt Nam” về tinh thần hỗ trợ đó.
Nỗ lực này của Việt Nam đã được thế giới ghi nhận. Khen ngợi Việt Nam tặng hơn nửa triệu chiếc khẩu trang cho 5 nước châu Âu, tờ báo Mỹ “The Diplomat” cho rằng gói viện trợ mới nhất nói là minh chứng cho cách tiếp cận đa diện của Việt Nam đối với cuộc chiến chống Covid-19 cả trong nước và ngoài nước.
Không chỉ Chính phủ Việt Nam, cộng đồng người Việt ở nước ngoài cũng thể hiện truyền thống tương thân, tương ái của người Việt. Hội người Việt Nam tại Anh đã quyên góp 50 thùng găng tay và khẩu trang tặng Hệ thống y tế công của nước này. Tại Đức, trước cảnh thiếu thốn khẩu trang cho hệ thống y tế, người Việt ở Berlin, Dresden, Hamburg và các nơi khác đã phát động phong trào may khẩu trang mang tặng cho các nơi cần. Ở Ba Lan, có những quán ăn Việt ở Thủ đô Warsaw đã tham gia nấu đồ ăn cho bác sĩ và y tá ở các bệnh viện, những người Việt khác may khẩu trang cung cấp cho bệnh viện, đồn công an, cơ quan chính quyền địa phương.
( C. H sưu tầm)