Những vũ khí tiềm năng diệt trừ nCoV
Nguồn: Báo Điện tử VnExpress
72 thử nghiệm lâm sàng đang diễn ra gấp rút ở nhiều nước, với nhiều loại thuốc từ trị sốt rét hay HIV, từ huyết tương đến trị cúm, mong tìm ra cách tiêu diệt nCoV.
Remdesivir
Thuốc kháng virus vốn được hãng dược Gilead phát triển để điều trị Ebola nhưng không thành công. Kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, thuốc được coi như "ứng cử viên tiềm năng". Kỳ vọng vào thuốc ngày càng tăng lên, đặc biệt là sau khi Tạp chí Y học New England công bố kết quả đầu tiên đầy hứa hẹn.
Gilead đang thực hiện hai thử nghiệm giai đoạn ba tại Mỹ, châu Á và châu Âu. Số lượng tình nguyện viên dự kiến là 6.000 người. Cả hai đều là thử nghiệm "nhãn mở" (tức là cả bác sĩ và bệnh nhân đều biết họ đang sử dụng loại thuốc gì). Thử nghiệm dự kiến có dữ liệu sơ bộ trong tháng 4.
Viện Dị ứng và Truyền nhiễm Quốc gia Mỹ cũng tiến hành một thử nghiệm ngẫu nhiên có kiểm soát trên 1.060 bệnh nhân toàn thế giới. Kết quả dự kiến được công bố vào tháng 5.
Trong khi đó hai nghiên cứu được thực hiện tại Trung Quốc đã bị dừng vì thiếu bệnh nhân khi dịch được kiểm soát.
Ngoài thử nghiệm, Gilead tiếp tục cung cấp thuốc để bệnh nhân sử dụng với mục đích nhân đạo. Công ty đã phân phối 1,5 triệu liều thuốc tiêm, đủ dùng cho 140.000 người.
|
Remdesivir đang trong quá trình thử nghiệm để điều trị bệnh nhân Covid-19. Ảnh: CNN |
Favipiravir
Thuốc được sản xuất bởi Fujifilm và chấp thuận tại Nhật Bản vào năm 2014 để điều trị bệnh cúm. Thuốc kháng virus Favipiravir (tên thương hiệu là Avigan) chưa từng được bán ra thị trường do lo ngại có thể gây dị tật bẩm sinh. Hiện thuốc đang được thử nghiệm tại Mỹ và Nhật Bản để điều trị Covid-19. Chính phủ Nhật Bản cũng dự trữ hai triệu liều thuốc. Trước đó Favipiravir được cho là ngăn chặn quá trình nhân lên của virus.
Fujifilm đã bắt đầu một thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba để đánh giá tính an toàn và hiệu quả của thuốc. Công ty không cung cấp thêm bất cứ thông tin nào về mô hình nghiên cứu hoặc thời gian thử nghiệm diễn ra. Thử nghiệm giai đoạn hai trên 50 bệnh nhân đang diễn ra tại ba bệnh viện ở Boston, Mỹ.
Zhang Xinmin, quan chức Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, cho biết Favipiravir có hiệu quả rõ rệt trong thử nghiệm lâm sàng trên 340 bệnh nhân ở Vũ Hán và Thâm Quyến.
Tocilizumab
Thuốc được FDA chấp thuận lần đầu vào năm 2010 để điều trị viêm khớp dạng thấp. Sản phẩm được phát triển bởi công ty công nghệ sinh học Roche, có tác dụng trung hoà hội chứng phóng thích cytokine, giảm tử vong cho các trường hợp mắc Covid-19 nặng.
Tháng 3, Trung Quốc đã phê duyệt một thử nghiệm liên quan đến Tocilizumab.
Kết quả một nghiên cứu "nhãn mở" ở Pháp cho thấy người nhiễm nCoV có dấu hiệu cải thiện khi sử dụng thuốc. Các nhà khoa học đã chia các bệnh nhân thành hai nhóm. 65 người dùng Tocilizumab và 64 người khác được điều trị thông thường.
Công ty Roche đang phân phối thuốc cho một thử nghiệm giai đoạn ba trên 330 bệnh nhân ở châu Mỹ và châu Âu, nhập viện với triệu chứng nặng. Các chuyên gia sẽ đánh giá hiệu quả và độ an toàn của Tocilizumab, so sánh với nhóm dùng giả dược và điều trị tiêu chuẩn. Kết quả dự kiến công bố vào đầu mùa hè.
Viện Ung thư Quốc gia Naples cũng tiến hành nghiên cứu thuốc trên 2.111 người Italy. Thử nghiệm giai đoạn hai, không có nhóm đối chứng.
Acalabrutinib
Thuốc được nghiên cứu và phát triển bởi công ty công nghệ sinh học AstraZeneca, vốn để điều trị ung thư máu. Giới chuyên gia phát hiện thuốc có thể khống chế hội chứng giải phóng cytokine ở người bệnh Covid-19.
Tuần trước, nhà sản xuất thuốc cho biết sẽ thực hiện một thử nghiệm ngẫu nhiên có kiểm soát để đánh giá độ hiệu quả của thuốc. Người đứng đầu Bộ Y tế và Dịch vụ Dân sinh Mỹ cho biết ông đã vô cùng ngạc nhiên về dữ liệu sơ bộ liên quan đến Acalabrutinib.
Liệu pháp huyết tương
Trị bệnh bằng huyết tương là phương pháp có lịch sử hàng thập kỷ. Trong đó y bác sĩ sẽ truyền máu có chứa huyết tương giàu kháng thể của người đã hồi phục cho bệnh nhân. Dù còn nhiều tranh cãi, nhiều bệnh nhân Covid-19 đã được điều trị hiệu quả bằng cách thức này.
Trung tâm Y tế Đại học Hackensack có trụ sở tại New Jersey đang tiến hành nghiên cứu giai đoạn hai trên 55 bệnh nhân để xác định lượng huyết tương hợp lý cần đưa và cơ thể người bệnh. Trung tâm Y tế Đại học Erasmus, Hà Lan đang mở đơn đăng ký cho 426 tình nguyện viên cho thử nghiệm tương tự. 9 bệnh viện ở Tây Ban Nha cũng sẽ lựa chọn 278 bệnh nhân Covid-19 để tiến hành điều trị và so sánh với nhóm được chăm sóc tiêu chuẩn.
Tại Việt Nam, bốn bệnh viện bao gồm Nhiệt đới Trung ương, Trung ương Huế, Chợ Rẫy và Bệnh Nhiệt đới TP HCM nghiên cứu liệu pháp này truyền cho bệnh nhân nặng. Q
uy trình
tiếp nhận và sử dụng huyết tương trong điều trị Covid-19 phải đảm bảo tính khoa học; an toàn cho người bệnh và sẽ không ngừng được cập nhật, hoàn chỉnh.
Steroid
Một số bệnh viện ở Trung Quốc đã sử dụng corticosteroids để giảm triệu chứng ở các bệnh nhân Covid-19. Song chưa rõ liệu phương pháp này có hiệu quả hay không. FDA đã cảnh báo bác sĩ cẩn trọng với loại thuốc này. Trước đó, các bệnh nhân mắc MERS và cúm mùa được tiêm steroid có nguy cơ tử vong cao hơn người không dùng thuốc.
Hiện chính phủ Anh đã tài trợ cho một nghiên cứu trên 5.262 bệnh nhân ở 167 địa điểm khác nhau. Các nhà khoa học sẽ thử nghiệm song song bốn phương pháp điều trị, trong đó có tiêm dexamethasone steroid liều thấp.
Các chuyên gia Hàn Quốc cũng mở đơn đăng ký cho 144 tình nguyện viên để đánh gia xem liệu nên sử dụng độc lập hay kết hợp ciclesonide steroid với thuốc sốt rét hydroxychloroquine để điều trị bệnh nhân Covid-19.
Thuốc sốt rét hydroxychloroquine và chloroquine
Thuốc sốt rét nhận được nhiều sự quan tâm của cả công chúng và giới chuyên gia, đặc biệt là sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump liên tục ca ngợi hiệu quả của phương pháp này.
Các hãng dược đã quyên góp hàng triệu liều thuốc cho kho dự trữ chiến lược quốc gia. Nhiều thử nghiệm lâm sàng đã được đăng ký kể từ khi FDA cấp phép sử dụng khẩn cấp cho cả hai loại thuốc vào đầu tháng 4. Tuy nhiên kết quả không như mong đợi.
Ít nhất một thử nghiệm lâm sàng liên quan đến hydroxychloroquine đã bị đình chỉ do phát hiện tác dụng phụ có thể gây tử vong. Ngoài ra, thuốc sốt rét Chloroquine không được Thụy Điển dùng trị Covid-19 do tác dụng phụ như chuột rút hay mất thị lực. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) cũng đã gỡ bỏ thông tin hướng dẫn về cách kê toa hydroxychloroquine và chloroquine để điều trị nCoV trên trang web.
Ngoài ra, Viện Tim, Phổi và Máu Quốc gia, trực thuộc Bộ Y tế và Dịch vụ Dân sinh Mỹ cũng đang tiến hành thử nghiệm giai đoạn hai, có nhóm kiểm soát giả dược trên 510 người trưởng thành nhập viện vì nhiễm nCoV. Thử nghiệm đã mở đơn đăng ký ở Tennessee ngày 2/4, dự kiến mở rộng tới 44 địa điểm trên toàn quốc. Người phát ngôn Trung tâm Y tế Đại học Vanderbilt, cho biết kết quả sẽ có trong vài tháng.
( C. H sưu tầm)