Cuộc chạy đua tìm vắc xin ngừa COVID-19 “made in Vietnam”

Ngày đăng: 02:44 11/05/2020 Lượt xem: 385


Cuộc chạy đua tìm vắc xin ngừa COVID-19 “made in Vietnam”

                                      Nguồn: Báo Điện tử Lao Động

Không dễ để tôi có thể đặt được lịch hẹn với các nhà khoa học đang nghiên cứu vắc xin ngừa COVID-19. Nhóm nghiên cứu gồm 10 nhà khoa học của Công ty TNHH MTV Vắc xin và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech) thuộc Bộ Y tế vẫn đang làm việc không có thời gian nghỉ cho những bước tiếp theo của quá trình tìm ra vắc xin ngừa COVID-19, sau khi tiến hành thử nghiệm trên chuột.

 


Bước ra từ phòng thí nghiệm được cách ly nghiêm ngặt, Ths Mạc Văn Trọng, Phòng Công nghệ cao dành thời gian ngắn trong giờ nghỉ để trao đổi với phóng viên. Vui mừng về những thành quả ban đầu của công trình nghiên cứu, nhưng Ths Trọng điềm tĩnh nói: “Chúng tôi còn cả một hành trình dài phía trước. Đây mới chỉ là những bước đầu”.

Ngay sau khi đại dịch COVID bùng phát tại Trung Quốc, Vabiotech đã liên hệ với đại học Britol (Anh) cập nhập tình hình dịch bệnh và xin chia sẻ trình tự gen, trình tự kháng nguyên của virus COVID-19. Nhận được sự đồng ý từ phía Anh, ngày 6.2.2020, ngay sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán, Ths Mạc Văn Trọng cùng một đồng nghiệp khác lên đường sang Anh để làm việc cùng các chuyên gia ở đây.

“Nhiệm vụ lần này làm tôi có chút lo lắng. Đã 9 năm trong nghề và nghiên cứu, phối hợp với Britol thực hiện nhiều loại vắc xin nhưng COVID-19 là một loại bệnh hoàn toàn mới. Giới khoa học thế giới cũng chưa hiểu rõ về bản chất của các loại vắc xin ngừa virus corona nên đây là một khó khăn lớn cho chúng tôi trong quá trình nghiên cứu”, Ths Trọng nhớ lại quãng thời gian bắt đầu nhận nhiệm vụ.

Trong 2 tuần làm việc đầu tiên tại đây, các nhà khoa học đã chèn được gen biểu hiện tính kháng nguyên của virus vào hệ thống biểu hiện của tế bào côn trùng, quá đó đã nhân nuôi được những kháng nguyên của COVID-19. Cứ thế mọi nghiên cứu, thử nghiệm được tiến hành nhanh chóng, kịp thời và cho những kết quả khả quan. Thế nhưng sau gần 2 tháng làm việc tại Anh, khi nhóm nghiên cứu dần có những kết quả đầu tiên trong nghiên cứu thì cũng là lúc các nước Châu Âu chính thức bước vào đại dịch.

cuoc chay dua tim vac xin ngua covid 19 made in vietnam

Một cuộc chạy đua với thời gian diễn ra. Các nhà khoa học của Anh đã buộc phải nghỉ ở nhà do lệnh của Chính phủ, và lúc này cuộc đua chỉ còn Ths Mạc Văn Trọng và đồng nghiệp. Họ đã phải làm việc xuyên đêm để kịp có mẫu kháng nguyên mang về nước.

Ngày 19.3.2020, nhóm nhà khoa học có trong tay mẫu kháng nguyên, khởi đầu quan trọng cho các bước tiếp theo trong hành trình đánh bại COVID-19 bằng vắc xin. Không còn sự hỗ trợ của các đồng nghiệp bên Anh, hai nhà khoa học của Việt Nam đã phải tự tìm cách vận chuyển mẫu vật về nước, khi mà hầu như hoạt động hàng không, vận tải của các nước đã bị tê liệt vì dịch.

“Chúng tôi gặp nhiều khó khăn trong việc đóng gói mẫu vật cũng như tìm kiếm chuyến bay để chở mẫu vật về nước. Hai anh em đã quyết định sẽ ở lại, nhường cho mẫu vật đi trước. Lo lắng vô cùng! 4 ngày ở lại Anh, chúng tôi theo dõi sát hành trình, mẫu vật đã đi đến đâu, liệu có an toàn. Chỉ đến ngày 23.3, khi mẫu vật chính thức được giao đến nơi an toàn, tôi mới tìm kiếm vé để về Việt Nam”, Ths Trọng nhớ lại chuyến bay bão táp.

cuoc chay dua tim vac xin ngua covid 19 made in vietnam

Gần 2 tháng nghiên cứu bên Anh, sau khi trở về nước, Ths Trọng phải cách ly 14 ngày theo quy định. Việc đầu tiên, anh làm sau khi hết thời gian cách ly không phải trở về nhà mà là đến thẳng phòng thí nghiệm.

“Vợ của tôi có buồn, vì con mới 2 tuổi. Tính ra từ khi bắt đầu đến lúc kết thúc bước đầu của quá trình nghiên cứu, 3 tháng tôi không được gặp vợ con. Nhưng khi đại dịch bùng phát toàn cầu, điều mà tôi nghĩ đến chỉ là đẩy nhanh quá trình nghiên cứu để sớm nhất có thể có vắc xin cho mọi người”, Ths Trọng tâm sự.

cuoc chay dua tim vac xin ngua covid 19 made in vietnam

Là người chủ động liên hệ với phía đại học Britol và chỉ đạo trực tiếp việc nghiên cứu sản xuất vắc xin COVID-19, TS Đỗ Tuấn Đạt, Chủ tịch Công ty Vabiotech gọi đây là một cuộc chiến, cuộc chiến với COVID-19.

“Trước đây, tôi gọi nó là cuộc đua nhưng có lẽ bây giờ cuộc đua này đã thành cuộc chiến. Để kết thúc cuộc chiến này không còn câu trả lời nào khác ngoài điều chế được vắc xin”, TS Tuấn Đạt chia sẻ.

Chính từ suy nghĩ ấy, khi dịch COVID-19 bắt đầu xảy ra tại Trung Quốc, TS Đạt đã trực tiếp liên hệ với các nhà nghiên cứu của Anh để tham gia quá trình nghiên cứu vắc xin cùng các nhà khoa học trên thế giới. Britol là đối tác quen thuộc của Việt Nam trong nhiều dự án trước đó và cũng là một trong những nước có nền khoa học tiên tiến.

cuoc chay dua tim vac xin ngua covid 19 made in vietnam

Là một nước có kinh nghiệm sản xuất vắc xin đối với các loại bệnh cúm thông thường song với COVID-19 – một loại bệnh quá mới, ngay cả các nhà khoa học trên thế giới cũng còn chưa giải mã được hết thì đây là một thách thức với không chỉ Việt Nam mà toàn cầu. Chúng ta đang đứng trước bài toán phải sử dụng công nghệ nào để phòng bệnh đối với một đại dịch, trong đó yêu cầu phải nhanh, số lượng phải nhiều để bảo vệ cho quần thể lớn. Do vậy, tất cả các công nghệ sản xuất vắc xin cho đại dịch COVID-19 là một công nghệ hoàn toàn mới, chưa từng áp dụng cho các vắc xin thương mại trước đây.

Với vắc xin ngừa COVID-19, Việt Nam đang sử dụng công nghệ platform vector virus, sản xuất trên tế bào côn trùng. Đây là công nghệ mới, rất ít quốc gia sử dụng. Khác với công nghệ cổ điển là nuôi cấy virus corona trên các tế bào ưa thích của chúng, công nghệ vector virus sử dụng những đoạn gen mang tính kháng nguyên tức là những vector virus tái tổ hợp. Vì vậy, nền tảng vector virus có tính an toàn cao hơn.

Hiện nay, các nhà khoa học đã bắt đầu tiêm thử nghiệm cho chuột, đến nay là 11 ngày. Đàn chuột khỏe mạnh, tiếp tục theo dõi các đáp ứng miễn dịch trong giai đoạn 1, có thể nói là thành công bước đầu của nghiên cứu.

Dự kiến, chuột có thể được đánh giá theo từng đợt. Giai đoạn đầu tiên có thể sau 14-15 ngày sẽ lấy máu lần đầu, sau đó khoảng 28 ngày lấy máu lần 2. Chúng cần được theo dõi đáp ứng miễn dịch ở từng thời điểm. Thực ra quá trình này phải theo dõi theo từng ngày, để xem đáp ứng miễn dịch đến sớm hay muộn.

Nói về thời điểm, chúng ta có vắc xin thử nghiệm trên người, TS Đạt cho biết, đối với nhà sản xuất vắc xin, để có những mũi vắc xin đầu tiên cần phải có tối thiếu 18 tháng. Vì đây là sản phẩm tiêm trực tiếp trên người nên các nhà khoa học phải đánh giá tính an toàn cao nhất cho người bằng nhiều quá trình.

cuoc chay dua tim vac xin ngua covid 19 made in vietnam
cuoc chay dua tim vac xin ngua covid 19 made in vietnam

Không chỉ riêng dịch COVID-19, về sau, nhân loại có thể phải đối mặt với nhiều đại dịch khác. Vì vậy, từ tầm nhìn của một nhà khoa học, một người nghiên cứu vắc xin, TS Đỗ Tuấn Đạt cho rằng, chúng ta phải nắm được công nghệ.

“Khi đại dịch xảy ra, các quốc gia sẽ ưu tiên đáp ứng nhu cầu vắc xin trong nước, phục vụ cho người dân và đất nước của họ trước. Vì vậy, chúng ta không thể trông chờ vào họ mà chúng ta phải nắm bắt công nghệ để chủ động. Công nghệ cũng sẽ là yếu tố quyết định đến thành bại trong quá trình sản xuất vắc xin”, TS Đạt thẳng thắn chia sẻ.

Đến thời điểm hiện nay, chưa có bất cứ một nhà sản xuất vắc xin nào trên thế giới có thể khẳng định mình sẽ thành công trong sản xuất vắc xin COVID-19. Việt Nam đang đi sau một số nước trên thế giới khi họ đã tiến hành thử nghiệm vắc xin song song trên động vật và người. Song từ những kinh nghiệm của các nhà nghiên cứu trước, Việt Nam có thể tiếp thu học tập và áp dụng trên vắc xin của mình. Nếu Việt Nam tiếp cận ngay từ thời điểm này sẽ giúp cho chúng ta đi nhanh hơn, công nghệ mới tiếp cận càng sớm thì đó là ưu thế của các nhà sản xuất.

Nói về sự ra đời của vắc xin COVID “made in Vietnam”, TS Đạt cho biết, sản xuất khác hẳn nghiên cứu vì sản xuất đòi hỏi cả quá trình. Trước khi sản xuất để tiêm sang người, vắc xin đòi hỏi phải đáp ứng được các tiêu chuẩn nghiêm ngặt.

Song với những kinh nghiệm sản xuất vắc xin từ những năm 1960 của Việt Nam và việc tiếp thu công nghệ mới, TS Đạt cho rằng, chúng ta hi vọng có thể rút ngắn quá trình điều chế vắc xin từ 3 năm xuống còn 1 năm.

( C. H sưu tầm)

tin tức liên quan