HAGL được nhiều người gọi là "đội bóng quốc dân", kể từ khi bầu Đức (Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức - PV) quyết định đôn lứa cầu thủ từng gây tiếng vang tại U19 Việt Nam như Công Phượng, Tuấn Anh, Văn Toàn, Xuân Trường lên thi đấu tại V.League 2015. Ở thời điểm ấy, bất cứ nơi nào mà HAGL thi đấu, sân vận động đó lại chật ních khán giả.
Đỉnh điểm có thể kể đến vòng đấu mở màn V.League 2015, người ta chứng kiến cảnh người hâm mộ tràn xuống cả đường piste để xem lứa Công Phượng đá đấm thế nào khi lần đầu tiên chơi tại V.League. Sức chứa 10.000 chỗ ngồi khi ấy là quá khiêm tốn so với nhu cầu muốn theo dõi HAGL của người hâm mộ.
5 năm sau, sân Hà Tĩnh chứng kiến một cảnh tượng tương tự như sân Pleiku. 15.000 vé được bán hết sạch trước khi trận đấu giữa Hồng Lĩnh Hà Tĩnh và Hà Nội FC diễn ra nhiều giờ. Nhưng cũng như nhu cầu của khán giả muốn xem HAGL cách đây 5 năm trước, số người hâm mộ Hà Tĩnh muốn được xem dàn tuyển thủ quốc gia trong màu áo Hà Nội FC là lớn hơn nhiều so với cột mốc 15.000 như đã đưa ra kể trên.
Bằng mọi cách, ngay cả khi không có vé trong tay, biển người vẫn cứ ồ ạt vào sân không ngớt. 4 bên khán đài sân Hà Tĩnh chật kín người ngồi kẻ đứng. Thậm chí có cả trường hợp trèo lên gờ tường cao của sân, bất chấp nguy hiểm có thể xảy đến với mình.
Để rồi chỉ 20 phút sau khi trận đấu diễn ra, lực lượng an ninh của sân Hà Tĩnh không thể ngăn khán giả tràn xuống đường piste của sân. Trận đấu bị gián đoạn nhiều lần để lực lượng an ninh ổn định trật tự. Quả thực, khán giả Hà Tĩnh không gây rối. Họ tò mò muốn được xem những Quang Hải, Hùng Dũng, Đức Huy, Văn Quyết… chơi bóng bằng xương bằng thịt như thế nào.
Hỏi 10 người thì cả 10 người đều nói chung một cái tên mà họ muốn được xem. Đó là được thấy Quang Hải chơi bóng. Tất nhiên, màu cờ sắc áo của địa phương Hà Tĩnh cũng là rất lớn. Nhưng sức hút của Hà Nội FC đối với người dân Hà Tĩnh là không thể phủ nhận.
“Tôi cho rằng một đội bóng đón nhận sự yêu quý của khán giả, không chỉ là địa phương của mình mà còn là nơi khác thì đó là niềm hạnh phúc. Các CLB không chỉ ở Việt Nam mà còn là thế giới đều khao khát giá trị đích thực đến từ khán giả như vậy. Đây có thể xem là thành quả của Hà Nội FC.
Sau nỗ lực chơi đẹp, đào tạo nhiều cầu thủ trở thành tuyển thủ quốc gia, chúng tôi đã thu hút sự chú ý của khán giả trong toàn quốc, thậm chí là nước ngoài. Với tôi, câu hỏi có hay không việc thay HAGL trở thành "đội bóng quốc dân" thì không nên so sánh như vậy. Hà Nội FC cũng không muốn so sánh với HAGL hay các CLB nào khác. Chúng tôi muốn cống hiến để khán giả đến sân nhiều hơn. Hy vọng V.League sẽ có nhiều đội bóng thu hút được người hâm mộ, chứ không chỉ riêng Hà Nội. Suy cho cùng, khán giả chính là giá trị để khiến bóng đá đẹp lên”, Trợ lý Nguyễn Công Tuấn của Hà Nội FC bày tỏ.
Hà Nội FC từng mất một thời gian rất dài chỉ để đau đáu về việc thu hút khán giả đến sân thi đấu. Và chung quy lại, thứ bóng đá tử tế, kiên nhẫn, chịu đầu tư cũng đã giúp họ thu về trái ngọt: Một “Đội bóng quốc dân” mới của bóng đá Việt Nam.