Hà Nội đánh bại TP HCM, trong trận cầu nhiều tranh cãi về trọng tài trên sân Thống Nhất ở vòng 11, khiến cuộc đua vô địch V-League 2020 bây giờ như ma trận.
Trận đấu tại sân Thống Nhất có thể ví như một bức vẽ phác họa cho toàn bộ vấn đề của V-League mùa này: vừa tích cực vừa tiềm tàng rủi ro mà nếu các nhà điều hành không quyết liệt thì phần cuối mùa giải có khả năng đổ vỡ.
Trọng tài được cho là trình độ nhất Việt Nam hiện nay, ông Ngô Duy Lân được phân công thổi ở trận cầu của Nam Định, như một hình thức xoa dịu các phản ứng dữ dội từ đội bóng thành Nam nhiều ngày qua. Ông Lân quê ở Long An, nghĩa là có thể cầm còi trận TP HCM – Hà Nội mà không phải lăn tăn về gốc gác. Tiếc là, khi ông nhận nhiệm vụ ra Bắc "cứu" niềm tin ở sân Thiên Trường thì tại sân Thống Nhất lại nổ ra tranh cãi trong trận đấu lẽ ra không nên có rắc rối nào về trọng tài.
Nhưng nói vậy không có nghĩa là trọng tài Trần Văn Trọng đã mắc sai sót. Những tình huống mà cầu thủ Hà Nội để bóng chạm tay trong vòng cấm, trọng tài Trọng đều đứng rất gần, người cúi thấp và tập trung quan sát cao độ. Với hành vi cụ thể như vậy, chắc chắn phải có đủ căn cứ chuyên môn, ông mới mạnh dạn từ chối phạt đền cho TP HCM. Khó có trọng tài nào đủ liều lĩnh để thiên vị lộ liễu đến vậy. Việc CLB TP HCM phản ứng hai quyết định đó của ông Trọng là có thể hiểu được, nhưng nếu xem lại băng ghi hình, có lẽ họ cũng nên nhìn nhận tích cực hơn với sự nghiêm túc của trọng tài Trọng. Ngược lại, Hà Nội mới là đội bóng bị "cướp" bàn thắng khi Văn Quyết thoát xuống ghi bàn ở phút 27 hoàn toàn không việt vị. Tuy nhiên, lỗi căng cờ sớm thuộc về trợ lý biên chứ không phải của trọng tài chính.
Những cái nhìn chính xác về quyết định của trọng tài luôn chỉ xảy ra sau khi trận đấu đã kết thúc. Còn thực tế, trong diễn biến cuồn cuộn của trận đấu trên sân, tiếng còi trong những tình huống nhạy cảm như thế của ông Trọng chắc chắn tác động đến tâm lý thi đấu của hai đội. Và TP HCM chịu ảnh hưởng mạnh nhất. Thay vì tôn trọng các quyết định của trọng tài, những ý nghĩ về việc trọng tài thiên vị Hà Nội đã khiến lối chơi của họ bị căng cứng. Toàn trận, TP HCM tung 19 cú sút nhưng chỉ sáu lần đi đúng hướng. Trong đó, năm lần là các quả sút xa hoặc sút phạt ở khoảng cách 20 mét trở lên. Họ hoàn toàn thiếu những pha dàn xếp cận thành, dù hàng thủ của Hà Nội rất chắp vá.
Cố tình dâng đội hình lên cao, tổ chức bẫy việt vị thành công đến 15 lần, nhưng tại sao "bài vở" tấn công của TP HCM chỉ đơn giản là sút xa? Thủ lên cao, công lại lùi thấp, điều này khiến cho khu trung tuyến của TP HCM trở nên chật chội, dẫn đến sự chồng chéo về nhiệm vụ trong thi đấu. Và điều đó khiến họ nhận ba bàn thua đều cùng một kịch bản: Hà Nội phá việt vị, đưa bóng vào sát khung thành trước khi ghi bàn. Bên cạnh ba bàn thua đơn giản ấy, hàng phòng ngự của TP HCM còn mắc ít nhất hai lỗi nghiêm trọng khác, nhưng các cầu thủ Hà Nội bỏ lỡ.
Hà Nội thì chỉ tung ra 10 cú sút, năm lần đi đúng hướng và ghi ba bàn. Số điểm trọn vẹn đưa họ lên thứ tư với 18 điểm, coi như kiếm được một suất ở Top 8. Thế nhưng, trận thắng của Hà Nội chưa đủ để nói rằng họ đã thực sự trở lại đường đua vô địch. Trận đấu này chỉ chứng minh một chi tiết: sau năm năm đầu tư liên tục, TP HCM đang gần giống như Thanh Hóa ngày nào. Nghĩa là, họ là đội bóng mạnh nhưng chưa tiệm cận đến đẳng cấp của một nhà vô địch. Diễn biến trên sân Thống Nhất không quá xuất sắc về chuyên môn, nhưng đó là một cuộc đấu thượng hạng về bản lĩnh. Sức ép từ trọng tài là một phần của trận đấu kiểu này, Hà Nội cũng thiệt thòi với hai lần đưa bóng vào lưới và bị từ chối, nhưng họ vẫn nhẫn nại chờ đến thời điểm thích hợp để tung đòn sát thương với việc đưa Trương Văn Thái Quý vào thay Nguyễn Quang Hải và làm thay đổi toàn bộ cục diện. Ngược lại, TP HCM căng cứng ngay từ đầu, nên khi không giải quyết được sự bế tắc trong hiệp một bằng một bàn thắng, họ bị tác dụng ngược từ các quyết định của trọng tài, càng đá càng giống như một chú cá quẩy mạnh và chui đầu vào rọ.
Phân tích như vậy để thấy thay vì đổ lỗi hay phê phán trọng tài, TP HCM nên tập trung vào việc giải quyết các vấn đề về chuyên môn. Và một ngày sau trận đấu, lãnh đạo CLB đã ra tay bằng việc đưa ông Chung Hae-seong lên vị trí Giám đốc Kỹ thuật, và tạm thời để Chủ tịch Nguyễn Hữu Thắng kiêm nhiệm HLV. Ông Chung có vẻ không phải "tướng đánh trận". Chiến thuật thi đấu nghèo nàn, rập khuôn và hầu như không có điều chỉnh. TP HCM cũng thi đấu rất tệ trên sân nhà với ba trận gần nhất chỉ kiếm được đúng một điểm. Điều này cho thấy ngay cả tâm lý của cầu thủ cũng không được chuẩn bị kỹ càng.
Nếu cần thay đổi, có lẽ TP HCM nên nhìn đến HAGL, đội bóng mà ông Chung từng gắn bó với vai trò Giám đốc Kỹ thuật. Những đứa trẻ của bầu Đức tiến không nhanh, nhưng chắc chắn. Họ đang trải qua trận thứ năm liên tiếp bất bại và chỉ thủng lưới hai bàn - một tiến bộ đáng chú ý khi sáu trận trước đó, số bàn thua của họ là 10. Hiện tại HAGL được 17 điểm, và gần như có một vị trí trong Top 8 do đã cách nhóm sáu đội cuối bảng từ bốn đến năm điểm trong khi giai đoạn một chỉ còn hai vòng. Trên sân Thanh Hóa, HAGL chỉ cho chủ nhà tung ra đúng một cú sút đi đúng hướng - cho thấy họ đã biết cách kiểm soát trận đấu theo ý mình. Với cách chơi biết mình biết ta như thế, nếu có sự phục vụ của Công Phượng, HAGL có thể sẽ càng nguy hiểm.