Dân trí đã trao đổi với PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam về tình hình dịch Covid-19 tại Đà Nẵng.
- 3 ngày liên tiếp, Bộ Y tế công bố 15 ca mắc Covid-19 trong cộng đồng. Ông đánh giá như thế nào về tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam thời điểm này, đặc biệt tại Đà Nẵng?
Tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp, gia tăng nhanh về số ca mắc và tử vong. Vì thế, ngay từ đầu chúng tôi đã dự báo Việt Nam thể nào cũng có ca bệnh trong cộng đồng, không thể nào giữ được mãi. Chúng tôi không bất ngờ với điều này, tuy nhiên không ngờ khi ca bệnh được phát hiện tại Đà Nẵng.
Tình hình dịch tại Đà Nẵng hiện nay khá phức tạp, chúng ta chưa xác định được nguồn lây và đây là các lây nhiễm trong cộng đồng. Điều quan trọng lúc này là cần điều tra kỹ các ca bệnh, lịch trình đi lại, tiếp xúc với những ai (lập danh sách, theo dõi các trường hợp tiếp xúc gần, có liên quan), có triệu chứng từ ngày nào…
Bước đầu cho thấy 15 ca mắc này có liên quan đến 3 bệnh viện gồm: Bệnh viện C Đà Nẵng, Bệnh viện Đà Nẵng và Bệnh viện Chỉnh hình và Phục hồi chức năng Đà Nẵng. Hiện tại có thể chắc chắn có sự lây nhiễm trong bệnh viện.
Số ca mắc có thể không chỉ dừng lại tại đây mà còn có thể phát hiện thêm bệnh nhân trong những ngày tới. Vì thế, ngành Y tế Đà Nẵng cần đẩy mạnh xét nghiệm trên diện rộng, nhằm xác định sớm ca bệnh từ đó tiếp tục khoanh vùng, dập dịch.
- Câu chuyện của Đà Nẵng phải chăng là lời cảnh tỉnh cho các địa phương khác trên cả nước?
Khi dịch bệnh lây lan ra cộng đồng, chúng tôi đã xác định các cơ sở y tế là một trong những điểm nguy cơ cao, “cửa ngõ” phát hiện sớm ca bệnh. Thực tế tại Đà Nẵng là một minh chứng. 3 bệnh viện ở Đà Nẵng đã áp dụng biện pháp cao nhất. Đây là bài học cho các địa phương.
Ngoài ra, chúng ta không nên chỉ tập trung vào Đà Nẵng. Các tỉnh, thành khác cũng có khách du lịch, người nhập cảnh trái phép và yếu tố nguy cơ tương tự Đà Nẵng. Vì thế, nguy cơ dịch bệnh xảy ra ở các nơi là như nhau.
Sở Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh cần tăng cường lấy mẫu xét nghiệm những người có dấu hiệu sốt, ho, viêm phổi. Phát hiện ca bệnh ở đâu thì khoanh vùng, dập dịch xử lý ở vùng đó. Điều này hết sức quan trọng để bệnh không lây lan.
Các bệnh viện khác trong cả nước cũng không được chủ quan, lơ là, phải tiếp tục tăng cường chống dịch, thực hiện nghiêm vấn đề sàng lọc, phân luồng, quản lý các ca bệnh, ca nghi ngờ, không để lọt ca bệnh... Bộ Y tế đã có nhiều văn bản hướng dẫn biện pháp chống lây nhiễm trong các cơ sở y tế. Thời điểm hiện nay, các cơ sở càng cần thực hiện nghiêm hướng dẫn này.
Đà Nẵng đã phong tỏa 3 bệnh viện, đây là mức độ cao nhất, thực hiện nội bất xuất, ngoại bất nhập cũng như áp dụng triệt để mọi biện pháp. Chúng ta đang thực hiện các biện pháp kiểm soát giống như với Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) trước đó.
- Những người vừa trở về từ Đà Nẵng cần lưu ý điều gì, thưa ông?
Các bệnh viện ở Đà Nẵng có ca mắc chính là ổ dịch. Vì thế, những người trở về từ Đà Nẵng, từ ổ dịch (liên quan đến bệnh viện) thì cần phải khai báo y tế, tự cách ly tại nhà trong vòng 14 ngày.
Những trường hợp khác (khách du lịch, không vào ổ dịch) thì tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nếu có dấu hiệu gì bất thường như sốt, ho, khó thở… thì cần báo cáo cơ quan y tế địa phương.
- Trước thông tin xuất hiện liên tiếp ca bệnh trong cộng đồng, nhiều người dân tỏ ra lo lắng, hoang mang. Theo ông người dân cần làm gì để phòng bệnh?
Đối với người dân đang sống ở Đà Nẵng, cần thực hiện theo đúng chỉ đạo của thành phố về thực hiện giãn cách xã hội, không tiếp xúc đông người khi không cần thiết, đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn…
Trong bối cảnh hiện tại, người dân cả nước không nên hoang mang, lo lắng mà tăng cường cảnh giác với dịch bệnh, thực hiện nghiêm khuyến cáo của ngành y tế phù hợp với địa phương mình. Tất cả phải đeo khẩu trang khi ra nơi công cộng, khai báo y tế, rửa tay khử khuẩn, thực hiện giãn cách xã hội.
Nam Phương thực hiện