Hiệu quả phòng Covid-19 của vắc-xin 'Sputnik V' Nga là bao lâu?
Nguồn: Báo Điện tử InfoNet
'Sputnik V' trở thành vắc-xin phòng Covid-19 đầu tiên trên thế giới do Nga sản xuất và hiệu quả phòng bệnh được cho là 2 năm.
Hôm 11/8, Tổng thống Vladimir Putin thông báo Bộ Y tế Nga đã cấp phép cho loại vắc-xin Covid-19 mang tên "Sputnik V" do Viện Nghiên cứu Gamaleya và Bộ Quốc phòng Nga cùng phát triển.
Đáng nói, Tổng thống Putin tiết lộ một trong hai cô con gái của ông cũng đã thử nghiệm tiêm vắc-xin này.
|
Bộ Y tế Nga tuyên bố hiệu quả phòng Covid-19 của vắc-xin 'Sputnik V' là 2 năm. (Ảnh: RDIF) |
Chỉ sau vài giờ công bố cấp phép sử dụng vắc-xin Covid-19, Nga đặt tên cho loại vắc-xin mới là "Sputnik". Cái tên này mang tính biểu tượng do "Sputnik" là tên vệ tinh đầu tiên trên thế giới do Liên Xô cũ sản xuất và phóng vào quỹ đạo năm 1957 đồng thời khai mào cho kỷ nguyên chạy đua vào vũ trụ trên toàn thế giới.
Vệ tinh này một thời được coi là niềm tự hào của Liên Xô cũ trong cuộc chạy đua công nghệ vũ trụ giai đoạn Chiến tranh Lạnh.
Còn hôm 11/8, Tổng thống Putin nhấn mạnh sự ra đời của vắc-xin Covid-19 là “bước tiến vô cùng quan trọng đối với thế giới”.
"Tôi hy vọng có thể bắt đầu sản xuất hàng loạt vắc-xin trong tương lai gần. Điều này vô cùng quan trọng. Tôi hy vọng lãnh đạo các quốc gia khác cũng đạt được bước tiến và sẽ có nhiều sản phẩm trên thị trường thuốc cũng như vắc-xin trên thế giới", ông Putin nói.
Mức độ an toàn bị nghi ngờ
Vắc-xin "Sputnik V" được Bộ Y tế Nga cấp phép sau chưa đầy 2 tháng thử nghiệm.
Song theo Reuters, những bước cuối cùng trong quá trình thử nghiệm lâm sàng đối với hiệu quả và mức độ an toàn của vắc-xin này vẫn chưa hoàn thiện bởi vắc-xin của Nga chỉ đang được thử nghiệm ở giai đoạn 3.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko, liều dùng đối với vắc-xin "Sputnik V" dựa trên cơ sở dùng cho 6 loại vắc-xin khác. Các kết quả nghiên cứu cho thấy, "Sputnik V" có độ an toàn và hiệu quả cao trong phòng chống Covid-19.
Vắc-xin này được tiến hành thử nghiệm vào ngày 18/6 trên 38 tình nguyện viên. Tất cả những người được tiêm đã tạo được hệ miễn dịch. Nhóm tình nguyện viên đầu tiên đã rời khỏi cơ sở nghiên cứu vào ngày 15/7 và nhóm thứ hai là vào ngày 20/7.
Ngay cả Tổng thống Putin cũng khẳng định, sau khi tiêm vắc-xin tình trạng sức khỏe của con gái ông khá tốt. “Con gái tôi đã tham gia thử nghiệm vắc-xin. Sau mũi tiêm đầu tiên, cơ thể của con bé là 38 độ C và ngày hôm sau hạ xuống còn 37 độ C. Sau mũi tiêm thứ hai, nhiệt độ cơ thể con bé tăng chút ít nhưng mọi chuyện đều ổn và cơ thể đã sản sinh ra kháng thể”, ông Putin nói.
RT dẫn lời Bộ trưởng Murashko nói thêm, “tất cả các tình nguyện viên đều không gặp phải những biến chứng nghiêm trọng” sau khi tiêm vắc-xin.
Bộ Y tế Nga cũng công bố sau khi tiêm 2 mũi vắc-xin, thời gian phòng Covid-19 trên người tiêm là 2 năm.
Những liều vắc-xin phòng Covid-19 đầu tiên của Nga sẽ được sản xuất tại hai cơ sở là Viện Nghiên cứu Gamaleya và công ty Binnopharm.
Nhiều quốc gia đã bày tỏ sự quan tâm tới vắc-xin Covid-19 của Nga. Ngoài ra, Quỹ Đầu tư Trực tiếp của Nga (RDIF) đang đầu tư tiền vào dây chuyền sản xuất và thúc đẩy đưa vắc-xin ra nước ngoài.
Cũng trong ngày 11/9, ông Kirill Dmitriev, Giám đốc RDIF xác nhận vắc-xin Covid-19 của Nga đã nhận đơn đặt hàng từ hơn 20 quốc gia với tổng cộng khoảng 1 tỷ liều. Trong khi, thế giới có hơn 100 loại vắc-xin Covid-19 đang được phát triển.
Sau tuyên bố vắc-xin "Sputnik V" được phép sử dụng, các nhân viên y tế và giáo viên sẽ là hai đối tượng đầu tiên được tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Việc tiêm vắc-xin cho người dân sẽ bắt đầu từ tháng 1/2021 và hoạt động tiêm là tự nguyện.
Phát ngôn viên của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), ông Tarik Jasarevic cho biết sẽ chỉ xác nhận độ an toàn cho vắc-xin "Sputnik V" do Nga sản xuất sau khi vắc-xin này trải qua quy trình đánh giá dữ liệu an toàn và hiệu quả.
Ông Jasarevic cho biết quy trình đánh giá của WHO dựa trên thông tin thu thập được qua các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Đại diện WHO cũng khẳng định, tốc độ phát triển nhanh của một số loại vắc-xin là đáng khích lệ và hy vọng những loại vắc-xin này sẽ được chứng minh an toàn và hiệu quả trong phòng bệnh.
"Tuy nhiên việc đẩy nhanh quá trình phát triển vắc-xin không có nghĩa là làm ảnh hưởng tới tính an toàn", ông Jasarevic cho hay.
Việc Nga công bố cấp phép sử dụng loại vắc-xin Covid-19 đầu tiên trên thế giới mở ra hy vọng khả năng ngăn chặn đại dịch toàn cầu. Dịch Covid-19 đang khiến hơn 20 triệu người mắc bệnh và hơn 733.000 người đã tử vong. Trong đó, Mỹ hiện đứng đầu thế giới về số ca mắc Covid-19.
( C. H sưu tầm)