Vì sao Việt Nam có nhiều ca Covid-19 tử vong giai đoạn mới?
Nguồn: Báo Điện tử Vietnamnet
20 trường hợp mắc Covid-19 tại Việt Nam tử vong có nhiều điểm khác biệt với bệnh nhân 91 - phi công người Anh.
Tính đến tối 13/8, Việt Nam đã ghi nhận 20 trường hợp mắc Covid-19 tử vong, chiếm 2,2% trên tổng số 905 ca mắc.
Ngoài ra, các cơ sở y tế báo cáo vẫn còn hơn 12 trường hợp đang rất nặng, tiên lượng tử vong cao. Trong khi đó, giai đoạn 1 chỉ có 2 ca rất nặng là bệnh nhân 19 và bệnh nhân 91 - Phi công người Anh.
Là người trực tiếp vào Đà Nẵng kể từ khi dịch Covid-19 giai đoạn mới bùng phát, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Trường Sơn đánh giá, số ca nặng vẫn đang là thách thức lớn đối với đội ngũ các y bác sĩ điều trị.
|
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn thăm bệnh nhân điều trị Covid-19 tại Đà Nẵng. Ảnh: Lê Bảo - Minh Thùy |
“Chúng tôi di chuyển và làm việc ở tất cả các bệnh viện từ Đà Nẵng, Quảng Nam rồi đến Huế, cùng tham gia với cán bộ y tế địa phương nỗ lực cứu chữa cho trường hợp mắc. Tuy nhiên, do tình trạng các bệnh nhân tương đối nặng, có các bệnh lý mãn tính kèm theo nên tiên lượng rất khó”, Thứ trưởng chia sẻ.
Hơn 2 tuần qua, Bộ Y tế cùng với các chuyên gia đầu ngành luôn tập trung mọi nguồn lực, trí tuệ, để cứu chữa với phương châm tìm mọi cách mang lại cơ hội sống cho những trường hợp nặng mắc Covid-19.
So với trường hợp bệnh nhân 91 đã được điều trị khỏi, Thứ trưởng Sơn cho biết, các ca Covid-19 giai đoạn mới có nhiều điểm khác biệt: Thứ nhất, rất nhiều bệnh nhân có cùng lúc nhiều bệnh nền nặng và thời gian bệnh mắc bệnh dài, gây ra các biến chứng như suy tim, suy thận, suy gan, suy kiệt cơ thể…
Do đó, khả năng đáp ứng của các ca Covid-19 nặng giai đoạn mới so với bệnh nhân 91 là rất kém. Cơ thể bệnh nhân đã bị giảm miễn nhiễm và khi bị virus SARS-CoV-2 xâm nhập, là cơ hội khiến tình trạng bệnh nhân trở nặng rất nhanh.
“Chúng tôi đánh giá, các trường hợp nguy hiểm nhất hiện nay là các trường hợp có bệnh lý nền nặng, đặc biệt là phải chạy thận nhân tạo. Có những bệnh nhân đã chạy thận hơn 10 năm dẫn đến tình trạng suy giảm miễn dịch gia tăng, rất khó chống đỡ khi virus vào cơ thể”, PGS Sơn thông tin.
Theo PGS Sơn, dù Bộ Y tế và các chuyên gia hàng đầu liên tục cập nhật phác đồ (đến này đã có 6 lần chỉnh sửa), bổ sung rất nhiều từ nghiên cứu, thực tiễn, tuy nhiên thực tế khi áp vào người bệnh, mỗi trường hợp mỗi khác.
“Phác đồ chỉ là khung điều trị. Với các trường hợp nặng, ngoài hội chẩn tại bệnh viện còn có hội chẩn quốc gia với những giáo sư, bác sĩ giàu kinh nghiệm nhất nước để có những quyết định điều trị phù hợp với từng cá thể”, Thứ trưởng nói.
Từ bài học của Đà Nẵng, Thứ trưởng cho rằng kinh nghiệm lớn nhất là không được để dịch Covid-19 lây lan trong các nhóm yếu thế như người bệnh nặng đang được điều trị tại các bệnh viện, những người cao tuổi, các bệnh nhân bị những bệnh lý nền như bệnh tiểu đường, suy thận.
Đây là điểm dễ phát tán Covid-19, làm tăng gánh nặng cho điều trị cho bản thân người mắc Covid-19 và cho cả ngành y tế.
Việc điều trị cho ca Covid-19 cần phải được phát hiện sớm, theo dõi và có những biện pháp xử lý càng nhanh càng tốt để hạn chế sự lan rộng của virus trong cơ thể cũng như hạn chế những biến chứng do các bệnh lý nền hoặc do Covid-19 như trường hợp phi công Anh.
Do số lượng bệnh nhân nặng lớn, Việt Nam đang gấp rút triển khai nghiên cứu tách chiết huyết tương của những ca Covid-19 đã khỏi bệnh để truyền cho người đang mắc bệnh ở thể nặng và nghiêm trọng giúp họ nhanh hồi phục, hạn chế các biến chứng.
Hiện nhiều quốc gia trên thế giới cũng đang áp dụng phương pháp này. Bước đầu, đã có 5 bệnh nhân Covid-19 khỏi bệnh tình nguyện hiến huyết tương.
( C. H sưu tầm)