Mật ong còn có tên khác là phong mật. Mật ong là mật của con ong mật gốc châu Á (Apis corana Fabricus.) hay ong mật gốc châu Âu (Apis mellifera L.), thuộc họ ong mật (Apidae). Mật ong có chứa nhiều đường đơn (glucose, levulose) và rất ít đường đôi (saccharose), có các men lipaza, galactaza, diastaza..., các vitamin (B1, B2, B6, PP, acid panthotenic) và khoáng chất. Cứ 100g mật ong cung cấp 335 calo.
Bưởi ướp giấm và mật ong rất tốt cho người cao tuổi viêm khí phế quản, ho nhiều đờm.
Theo Đông y, mật ong vị ngọt, tính bình; vào kinh tâm, tỳ, vị và đại trường. Danh y Lý Thời Trân, đời nhà Minh, đề cập đến 6 công hiệu của mật ong: “Tính mát nên thanh nhiệt, tính ấm nên bổ trung, tính ngọt nên giải độc, tính mềm nên nhuận khô, tính bổ nên chống đau, điều hòa bách dược và công dụng như cam thảo”. Mật ong rất tốt cho người bị viêm khô khí phế quản, ho khan ít đờm, táo bón, đau do loét dạ dày tá tràng, tắc ngạt mũi, trĩ mũi, viêm loét miệng; giải độc ô đầu. Cách dùng và liều lượng: ngày dùng 15-40g; bằng cách ăn tươi, nấu hãm, trộn làm viên hoàn.
Ngoài tác dụng bổ phế nhuận tràng thông tiện giải độc, do giá trị dinh dưỡng cao và hương vị thơm ngon nên mật ong thường được dùng làm gia vị trong chế biến thức ăn, bánh kẹo; làm tá dược trong y học, đặc biệt là trong các dạng thuốc hoàn, thuốc nước của Y học cổ truyền. Xin giới thiệu 11 món ăn thuốc quý từ mật ong.
Lê chưng mật ong: lê 1 quả khoét bỏ phần lõi hạt, cho mật ong vào đem chưng cách thủy rồi ăn. Món này rất tốt cho người bị sốt (đạo hãn âm hư).
Mật ong trứng gà: mật ong 50g, trứng gà 1 quả. Hai thứ đun cách thủy, cho mật ong sôi lăn tăn, đập trứng vào, khuấy đều. Ăn ngày 1-2 lần. Món này tốt cho người bị viêm khí phế quản mạn tính.
Nước sắc bách bộ bạch cập trộn mật ong: bách bộ 25g, bạch cập 25g, mật ong 50g. Dược liệu sắc hãm lấy nước, hòa với mật ong, chia 2 lần uống trong ngày. Dùng thích hợp cho bệnh nhân lao phổi, giãn phế quản, khái huyết.
Mật ong pha nước sôi: mật ong lượng vừa đủ pha với nước sôi, khuấy đều. Đây là bài thuốc hay chữa táo bón ở trẻ còn bú mẹ.
Vừng đen trộn mật ong: vừng đen rang chín tán mịn để trong lọ kín, mật ong lượng tương đương. Ngày dùng 2 lần (sáng, chiều), lấy mỗi thứ 2 thìa trộn nhuyễn đều ăn với nước sôi. Món này thích hợp cho người cao tuổi táo bón kinh diễn.
Mật ong trộn nước trần bì cam thảo: cam thảo 10g, trần bì 6g, mật ong 50g. Dược liệu sắc hoặc hãm, gạn lấy nước bỏ bã, trộn với mật ong, chia 3 lần uống trong ngày. Món này rất tốt cho người bệnh viêm loét dạ dày tá tràng.
Dưa chuột trộn mật ong: dưa chuột bánh tẻ (chưa già) 10 quả nhỏ chấm với mật hoặc ướp mật ong rồi ăn. Món này tốt cho trẻ mắc hội chứng lỵ (đau quặn mót nặn, đại tiện nhiều lần nhưng số lượng ít...).
Bưởi ướp giấm mật ong: bưởi 1 quả, bóc bỏ vỏ cùi, thái lát, thêm 30ml mật ong, đun cách thủy cho chín nhừ, thêm 15ml giấm ăn khuấy trộn đều, ăn vào buổi sáng và tối. Thích hợp cho người cao tuổi viêm khí phế quản ho nhiều đờm.
Nước gừng mật ong trộn bột hạnh nhân đào nhân: đào nhân 30g, hạnh nhân 15g. Hai thứ nghiền nát trộn với nước gừng và mật ong lượng thích hợp rồi ăn. Món này rất tốt cho người bị suy hô hấp thở gấp, hen suyễn mạn tính.
Xi-rô bạch quả mật ong: bạch quả 10g (lùi hoặc rang chín, bóc bỏ vỏ cứng) cho vào nồi, đổ nước nấu chín, thêm mật ong lắc đều. Ăn mỗi tối một lần. Dùng tốt cho người bệnh hen phế quản, lao phổi có ho suyễn.
Rượu mật ong: rượu trắng hòa mật ong, liều lượng thích hợp, uống ngày 2 lần, mỗi lần 1 chén con trước bữa ăn. Món này tốt cho người bị nổi ban mề đay, sẩn ngứa nửa người.
Kiêng kỵ: Người thấp nhiệt tích trệ, tiêu chảy không dùng.
Lưu ý: Không đựng mật ong trong dụng cụ bằng sắt.
TS. Nguyễn Đức Quang
(PS st Theo SK&ĐS)