HAGL được coi là ông Vua sân nhà mùa này bởi cả 5 chiến thắng của đội bóng phố Núi đều được thực hiện trên sân Pleiku. Mỗi khi thi đấu xa nhà, HAGL lại trở thành một đội bóng tầm thường và kể từ đầu giải, Tuấn Anh, Xuân Trường cùng các đồng đội chưa một lần giành chiến thắng, với chỉ vỏn vẹn 4 trận hoà. Thành tích sân khách tồi tệ là nguyên nhân khiến HAGL không thể cạnh tranh ở những vị trí cao trên bảng xếp hạng. Không chỉ thế, danh xưng Ông vua sân nhà cũng bị tổn thương sau thất bại 0-4 trong thế trận lép về toàn diện trước Hà Nội FC. Thời tiết mưa, mặt sân nhão, diện tích sân cỏ nhỏ nhất Việt Nam cùng lợi thế đương nhiên của đội chủ nhà đã không giúp đội bóng phố Núi giành chiến thắng nữa.
Rất nhiều lý do được chỉ ra sau 2 thất bại nặng nề trước Viettel và Hà Nội FC của HAGL và tất cả đều thông cảm với HLV Nguyễn Văn Đàn vì đội bóng phố Núi lực lượng rất mỏng, không đồng đều và càng ngày càng mất đi tham vọng chiếm lĩnh đỉnh cao. HLV Trương Việt Hoàng của Viettel nghiên cứu rất kỹ HAGL và nhận ra rằng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Thanh, Hồng Duy, Văn Toàn kiểm soát bóng rất tốt nên yêu cầu các học trò lui về ½ sân nhà để phòng ngự. Khi có bóng, Viettel chủ động tổ chức tấn công nhanh để khai thác hàng thủ thiếu chặt chẽ và điểm yếu từ những tính huống bóng căng ngăn của thủ môn Bửu Ngọc. Quả thật, sai lầm của Bửu Ngọc đã biếu cho Viettel 2 bàn thắng rất sớm, HAGL vỡ trận, thua 1-4 quá dễ dàng.
Bước vào trận với Hà Nội FC với điểm tựa sân nhà, HAGL cũng chỉ cầm cự được 23 phút trước khi thủng lưới bàn đầu tiên và lỗi cơ bản một lần nữa lặp lại. Trong tình huống phòng ngự khi Hà Nội FC được hưởng đá phạt góc, các cầu thủ HAGL ngẫu hứng kèm người đứng gần mình mà không có tính tổ chức ở trình độ cơ bản. Theo lý thuyết, ở những tình huống cố định, cầu thủ to cao của đội phòng ngự sẽ đi tìm cầu thủ cao to của đội tấn công để giành lợi thế hoặc ít nhất là sự cân bằng trong không chiến. Thế nhưng, ở tình huống này, cầu thủ thấp nhất của HAGL có mặt trên sân là Nguyễn Phong Hồng Duy lại phải kèm cầu thủ cao nhất bên phía Hà Nội FC lúc ấy là Bùi Hoàng Việt Anh. Cụ thể, Hồng Duy cao 1m70, Việt Anh cao 1m87 và ở pha không chiến này, cùng với đà dậm nhảy, Việt Anh hơn Hồng Duy khoảng 60cm trên không và khi Quang Hải chuyền bóng chính xác, lưới của HAGL đã rung lên. Cũng với những lỗi sơ đẳng như vậy trong phòng ngự, đội bóng phố Núi thủng lưới thêm 3 bàn nữa và thua trắng 4 quả ngay trên sân nhà.
So sánh kỹ trên sân, HAGL không thua kém Hà Nội FC về bộ khung, với những tên tuổi lớn nhất cả nước như Tuấn Anh, Văn Toàn, Văn Thanh, Hồng Duy và cả một Xuân Trường đang trở lại. Họ là đối trọng của những Quang Hải, Văn Quyết, Hùng Dũng, Thành Chung, Văn Kiên… Nhưng sự khác biệt giữa 2 đội, giữa người thắng – kẻ thua, nằm ở những mảnh ghép còn lại. Trong mùa giải, Hà Nội FC gánh rất nhiều những chấn thương, với Đình Trọng, Duy Mạnh và Văn Hậu nghỉ hết mùa, Omar chỉ chơi được 2-30 phút một trận thì những mảnh ghép mới như Văn Xuân, Việt Anh, Văn Tới đã thực sự trưởng thành. Văn Xuân tả xung, hữu đột, phòng ngự chắc, phản công nhanh và đóng góp vào lối chơi chung, là nguồn tiếp bóng hiệu quả cho Văn Quyết bên cánh trái. Bùi Hoàng Việt Anh không chỉ khoá chặt ngòi nổ Chevaughn Walsh mà còn ghi được 2 bàn thắng, trong khi, ở phần sân đối diện, những cầu thủ trẻ, lứa kế cận của Tuấn Anh, trong đó có Dụng Quang Nho có một trận đấu đáng quên.
Chất lượng ngoại binh là vấn đề lớn của HAGL bởi Kelly và Chevaughn Walsh trở thành gánh nặng cho các nội binh, còn phía đối thủ, Rimario xé nát hàng thủ HAGL, ghi 1 bàn thắng và để lại rất nhiều những tình huống nguy hiểm. Omar vào sân thay người vài phút cuối trận cũng đã có bàn thắng. Rồi những cầu thủ mới, được bổ sung cho đội trong lúc nước sôi – lửa bóng, HAGL cũng đuối hơn hẳn so với Hà Nội FC. Thủ môn Bửu Ngọc mắc sai lầm sơ đẳng, khiến đội thua ở trận trước, còn trận này, lão tướng Anh Đức được tin dùng nhưng trở nên lạc lõng với phần còn lại vì lớn tuổi, nặng nề và không chơi theo phong cách của HAGL. Còn Tấn Tài vẫn là trái tim của Hà Nội FC, điều tiết, phân phối bóng một cách hiệu quả. Thủ môn Tấn Trường đã lấy vị trí chính thức của Văn Công và đóng góp một phần âm thầm nhưng đáng kể với thành công của đội bóng Thủ đô.
Trước trận đấu, HAGL có thể thua nhưng không nghĩ, đội bóng phố Núi lại thua dễ đến thế. Ngay cả đến người của Hà Nội FC cũng không nghĩ đội mình lại chơi một cách ung dung, không mất sức và thắng nhàn nhã đến như vậy. HAGL thua 0-1, 0-2 rồi 0-3, khán giả lặng lẽ bỏ về và nhiều người không được chứng kiến bàn thua thứ 4 của đội nhà. Hội CĐV HAGL trên sân Pleiku như đoán trước rằng đội mình không thể ghi bàn nên pháo bông được đốt lên để chúc mừng đối thủ và kèm theo những tràng pháo tay hoan nghênh. Sau trận đấu, nhiều CĐV HAGL đã xin chụp ảnh lưu niệm cùng các cầu thủ Hà Nội FC. Thậm chí, một CĐV lớn tuổi còn kể rằng Hà Nội FC vô địch mùa 2010 nhưng đã bị đánh bại trên đất Pleiku bởi một HAGL không thứ hạng với tỷ số 1-4. Nhưng câu chuyện đấy cũng đã 10 năm rồi…
Có 2 câu hỏi được CĐV bóng đá Việt Nam đặt ra cho HAGL. Một là: tại sao các ngoại binh đến với đội bóng phố Núi thì chơi rất tệ nhưng khi đầu quân cho đội bóng khác lại chơi rất hay mà Rimario là một ví dụ? Câu trả lời thì có nhiều, theo quan điểm của mỗi người, nhưng bản thân các cầu thủ ấy cho rằng rất khó để hoà nhập và thích ứng được với lối chơi của HAGL. Câu hỏi thứ 2: Vì sao cầu thủ HAGL lên tuyển, họ chơi hay mà về CLB lại trở thành cái bóng của chính mình? Có thể vì tài năng của HLV Park Hang Seo nhưng cũng có thể khi lên tuyển, những Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Thanh, Hồng Duy, Văn Toàn lại được phối hợp với các đồng đội giỏi đến từ… Hà Nội FC. Một đường chuyền xuất sắc mà có người dứt điểm thành bàn, đó sẽ là đẳng cấp nhưng nếu bị đồng đội bỏ lỡ, người ta sẽ lãng quên. Không ai thống kê số lượng đường chuyền thuận lợi của các cầu thủ HAGL bị các đồng đội lãng phí.
HAGL thua trước những đội bóng mạnh, bị đánh bật ra khỏi nhóm có cơ hội giành huy chương và hiện đứng thứ 7 trong 8 đội nhóm đầu, chỉ hơn được tân binh V-League Hồng Lĩnh Hà Tĩnh. Nhiều người đổ lỗi cho HLV Nguyễn Văn Đàn nhưng thật khó để kỳ vọng hơn ở một người mới có 3 trận cầm quân chính thức thì 2 trận gặp ứng cử viên vô địch trong khi lực lượng đội nhà vừa mỏng, vừa yếu lại vừa thiếu. Nhiều người cũng cho rằng Nếu HAGL có Công Phượng, mọi thứ sẽ khác. Đúng, nhưng có thể, tình hình chỉ bớt tệ đi mà thôi. Chỉ có một người có thể cứu được HAGL lúc này, cứu được lứa Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn… là Bầu Đức.
Chỉ có bầu Đức mới làm được cuộc cách mạng, cải tổ toàn diện HAGL, quy hoạch lại những vị trí quan trọng nhất, cả về quản lý lẫn chuyên môn. Chỉ có bầu Đức mới kêu gọi được sự cộng hưởng từ những người giỏi nhất, giàu nhất cho công cuộc chấn hưng HAGL. Chỉ có Bầu Đức mới có quyền quyết định đòi tất cả những ngôi sao của đội đang cống hiến trong màu áo khác về phục vụ cho HAGL như Công Phượng, Thanh Sơn, Minh Bình, Đông Triều, Văn Sơn, Đức Lương, Thành Long.. Chỉ có bầu Đức mới ngăn chặn được đà đi xuống cả về chuyên môn lẫn tham vọng của lứa cầu thủ tài năng năm nào bởi điều nguy hiểm với HAGL là các cầu thủ đã quen với những thất bại.
Bầu Đức yêu đội bóng của mình, yêu cầu thủ như con ruột nhưng sẽ là một tội ác nếu thế hệ của Tuấn Anh, Công Phượng, Văn Toàn… kết thúc sự nghiệp ở HAGL mà không có lấy 1 chức vô địch V-League. Sẽ là vô cảm nếu vẫn bắt các CĐV HAGL yêu đội bóng của mình, hết mình vì đội bóng của mình mà chẳng nhận được gì cho tương xứng. Rồi HAGL sẽ ra sao sau 3 năm nữa, khi lứa Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Văn Toàn, Văn Thanh, Hồng Duy, Minh Vương… hết hợp đồng với đội bóng phố Núi? Lứa cầu thủ này sẽ tan đàn, xẻ nghé, mỗi người có thể sẽ chinh phục đỉnh cao trong màu áo mới, còn HAGL bao giờ mới có một lứa tương tự? Vẫn còn kịp nếu Bầu Đức thay đổi tư duy và bắt tay vào hành động ngay từ bây giờ…