Vaccine Covid-19 đầu tiên của Việt Nam có gì đặc biệt?
Nguồn: Báo Điện tử Thời Mới
Từ tháng 5/2020, công ty Nanogen bắt nghiên cứu và sản xuất vaccine ngừa Covid-19 có tên Nanocovax, có thể cho hiệu quả bảo vệ trên 90% và có hiệu lực ít nhất 6 tháng.
Đây là dự án theo đơn đặt hàng của Bộ Khoa học Công nghệ, dựa trên công nghệ protein tái tổ hợp. Nhóm nghiên cứu của Nanogen có tới 500 người trong đó có khoảng 300 người trực tiếp tham gia nghiên cứu không quản ngày đêm suốt 6 tháng qua.
Theo ông Hồ Nhân, Tổng giám đốc Nanogen, vấn đề khó nhất khi phát triển vaccine ngừa Covid-19 là lựa chọn phương pháp. Trên thế giới đang sử dụng 4 công nghệ: virus bất hoạt, công nghệ RNA, công nghệ virus và protein tái tổ hợp.
Trong đó các hãng dược lớn, tập đoàn đa quốc gia lựa chọn công nghệ mới nhất là mRNA, tạo ra đoạn gene từ gai virus, sau đó tiêm vào người để tạo ra miễn dịch. Đây là công nghệ vaccine gián tiếp.
Sau khi cân nhắc kĩ các ưu nhược điểm của công nghệ này, Nanogen nhận thấy, đoạn gene được tiêm vào quá lớn, lên tới mấy ngàn cặp nhiễm sắc thể nên nguy cơ dị ứng rất lớn. Cơ thể chỉ có thể lấy vài phần trăm tạo ra kháng nguyên, một phần phân rã, xâm nhập vào tế bào gốc có thể di truyền cho các thế hệ sau.
Vì vậy, Nanogen chọn công nghệ protein tái tổ hợp, là công nghệ truyền thống đã được công ty này sử dụng trong nhiều sản phẩm khác suốt 10 năm qua. Dù vậy, giai đoạn đầu cực kỳ khó khăn, do phải tạo ra các gai protein y hệt như gai của virus SARS-CoV-2 và chọn lọc trên tế bào.
Đại diện Công ty Nanogen cho biết, Nanocovax phòng COVID-19 là vaccine thế hệ mới, khác với vaccine truyền thống. Vaccine truyền thống như uốn ván, ho gà hay bại liệt được tạo bằng phương pháp lấy các vi sinh vật bệnh làm yếu đi hoặc làm bất hoạt để tiêm vào cơ thể là nguồn bệnh tạo ra miễn dịch. Còn Nanocovax là tổng hợp nhân tạo bằng cách lấy một đoạn ADN gai virus SARS-CoV-2 để tạo ra vaccine.
Khi bắt đầu nghiên cứu, công ty có hai phương án là vaccine tiểu thể (sub-unit) dựa trên protein gai của SARS-CoV-2, và vaccine VLP (virus like particles), đều sử dụng công nghệ tái tổ hợp. Do vaccine VLP mất thời gian hơn, nên để đảm bảo tốc độ, Nanogen quyết định làm vaccine tiểu thể, thành phẩm là Nanocovax.
Vaccine COVID-19 cần nhiều thời gian cho thiết kế đoạn gene và chọn đúng dòng tế bào để tích hợp đoạn gene vào. Chuyên gia thí nghiệm lấy trình tự một đoạn S protein gai trên SARS-CoV-2, tích hợp nó vào dòng tế bào động vật mà Nanogen đang nuôi cấy. Tế bào phân chia, lớn lên, sản xuất ra protein. Sau đó, protein này được tách riêng, làm sạch, trở thành bán thành phẩm. Nó tiếp tục được pha chế với các tá dược khác để tạo thành vaccine.
Công ty Nanogen khẳng định "hoàn toàn yên tâm" về tính an toàn và hiệu quả sinh miễn dịch của Nanocovax. Bởi, công ty thử nghiệm nhiều lần trên chuột và khỉ, kết quả khả quan. Riêng hiệu quả trên người cần chờ kết quả thử nghiệm lâm sàng.
Theo lãnh đạo Nanogen, Nanocovax ngoài nhược điểm mất thời gian tạo dòng thì có rất nhiều ưu điểm. Do sinh miễn dịch trực tiếp nên tính an toàn cao hơn, ít phản ứng phụ, bảo quản dễ dàng bằng tủ lạnh thông thường (2-8 độ C).
Vaccine Nanocovax gồm 4 hàm lượng 25 mcg, 50 mcg, 75 mcg, 100 mcg. Do được nhà nước đặt hàng và trợ giá nên giá đến tay người tiêu dùng ở mức 120.000 đồng/mũi (mỗi liều gồm 2 mũi).
Ngoài sản phẩm tiêm bắp, Nanocovax cũng có sản phẩm dạng xịt dùng cho trẻ em và nhóm người già, người có bệnh nền.
Nanocovax là vaccine COVID-19 đầu tiên của Việt Nam được thử nghiệm lâm sàng trên người. Giai đoạn một, khởi động ngày 10/12, thử nghiệm trên 60 tình nguyện viên, giai đoạn hai khoảng 400 người và gối đầu sang giai đoạn ba. Nếu quá trình thử nghiệm thuận lợi, dự kiến vaccine được đưa vào tiêm chủng khoảng tháng 5/2021.
(C. H sưu tầm)