Người Việt sống lâu nhưng không khỏe
Nguồn: Báo Điện tử VnExpress
Phụ nữ Việt tuổi thọ trung bình 77,1 song đến 11 năm sống với bệnh tật. Nam giới Việt tuổi thọ trung bình 74,4 thì có 8 năm mắc bệnh, theo Tổng cục Dân số.
Ông Nguyễn Hồng Quân, Chủ tịch Hội Giáo dục Chăm sóc Sức khỏe Cộng đồng Việt Nam, ngày 17/12 cho rằng hiện nay tuổi thọ trung bình của người Việt cao hơn nhiều nước có cùng thu nhập bình quân đầu người, tuy nhiên sức khỏe yếu hơn.
Thống kê của Tổng cục Dân số, người cao tuổi hiện chiếm gần 12% dân số nước ta, dự báo đến năm 2025 tỷ lệ 17,9%, và có thể đến giữa thế kỷ 21 chiếm đến 23,5%. Tới 60% người cao tuổi sức khỏe yếu đến rất yếu. Trung bình mỗi người cao tuổi mắc khoảng 3-6 bệnh nền, hầu hết là bệnh mạn tính như rối loạn chuyển hóa, xương khớp, tim mạch, thần kinh, hô hấp, tiêu hóa, các vấn đề thính giác, thị giác...
Ông Nguyễn Xuân Trường, Vụ trưởng Cơ cấu và Chất lượng Dân số, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Bộ Y tế, cũng chia sẻ người Việt tuổi thọ cao song số năm sống khỏe mạnh thấp so với nhiều nước.
"Nghịch lý là nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người cao tuổi ở Việt Nam ít được đáp ứng đầy đủ", ông Trường nói. 95% người cao tuổi có nhu cầu chữa bệnh nhưng chưa hoàn toàn được đáp ứng. Lý do là không đủ khả năng kinh tế (chiếm 45,3%), điều kiện đi lại khó khăn (17,3%) và điều kiện y tế địa phương không đáp ứng được (16,5%).
Bác sĩ Trần Thị Dung, Giám đốc Trung tâm Tư vấn và Hỗ trợ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, nhận định có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng sa sút sức khỏe ở người cao tuổi. Khi chức năng các cơ quan cơ thể suy giảm, khả năng phòng chống bệnh tật giảm. Tế bào thần kinh do đó cũng giảm, chậm chạp, phản ứng kém nên bệnh đến. Khi mắc bệnh, người già chậm phục hồi vì các cơ quan nội tạng giảm sút.
Nhiều người cao tuổi từng sống qua thời kỳ quan niệm "tậu trâu, lấy vợ, làm nhà" là quan trọng nhất, nên lúc còn trẻ không quan tâm đầy đủ đến chăm lo cho sức khỏe. Sự già đi (lão hóa) của cơ thể là điều kiện để bệnh tật phát triển.
"Sự già hóa các bộ phận quan trọng trong cơ thể xảy ra rất sớm, từ năm 35 tuổi. Ăn uống, tập luyện không đúng sẽ làm cho các bộ phận lão hóa nhanh hơn. Sự thiếu kiến thức này cũng làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người cao tuổi", bác sĩ Dung nhấn mạnh.
|
Các cụ già Hà Nội bên hồ Gươm. Ảnh: Giang Huy. |
Theo Tổng cục Dân số, Việt Nam là một trong số những quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Tuổi thọ tăng là một trong những thành tựu to lớn về phát triển kinh tế - xã hội nói chung và chăm sóc sức khỏe nói riêng. Tuy nhiên, già hóa dân số diễn ra với tốc độ nhanh đặt ra những thách thức rất lớn về sự cần thiết phải thay đổi hệ thống an sinh xã hội, lao động việc làm, giao thông, vui chơi giải trí..., đặc biệt là hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi.
Để bảo vệ sức khỏe cho bản thân, bác sĩ Dung khuyến cáo, người cao tuổi cần lưu ý những nguyên tắc: ăn hợp lý giảm muối, mỡ và đường, ăn tinh không ăn thô. Tập luyện thường xuyên để cơ thể lưu thông máu, tinh thần luôn vui vẻ (hãy tha thứ, hãy lãng quên, ít giận hờn, không oán trách...). Sử dụng thêm thuốc bổ để bù đắp thiếu hụt các chất trong cơ thể. Đặc biệt, phải kiểm tra sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần để phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời.
( C. H sưu tầm)