Nghệ sĩ Giang còi mắc ung thư hạ họng giai đoạn muộn, cách phòng bệnh như thế nào?
Nghệ sĩ Giang còi mắc ung thư hạ họng giai đoạn muộn, cách phòng bệnh như thế nào?
Nguồn: Báo Điện tử InfoNet
Theo thông tin trên báo chí, nghệ sĩ Lê Hồng Giang (Giang còi) mắc ung thư hạ họng giai đoạn 3. Nghệ sĩ cho biết căn bệnh ung thư của anh rất khó phát hiện, khi biết được thì cũng là lúc di căn.
Trước đó, nghệ sĩ Giang còi bị mất tiếng và đi khám. Khi anh đến bệnh viện bác sĩ chẩn đoán u hạ họng thể sùi hạ họng xoang lê bên phải, tổn thương thứ phát phổi hai bên, tổn thương thứ phát ở gan, xơ gan, sỏi túi mật.
Chứng mất tiếng là do dây thanh quản bị sùi và liệt, giống như dây đàn không còn độ ngân nữa nên gây ra mất tiếng.
Trước khi bị ung thư, nghệ sĩ Giang còi từng khổ sở với bệnh hen phế quản. Khỏi hen 2 năm thì bị viêm phổi. Sau đó là điều trị lao.
Giáo sư Mai Trọng Khoa – Nguyên Giám đốc Trung tâm Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết theo Globocan 2018, ung thư hạ họng là bệnh khá phổ biến với 80.608 ca mới mắc và 34.894 ca tử vong mỗi năm. Ở Việt Nam ung thư hạ họng hay gặp hơn ung thư thanh quản nhưng kết quả điều trị lại kém hơn do các triệu chứng lâm sàng ban đầu tương đối kín đáo, phần lớn người bệnh đến khám đều ở giai đoạn muộn. Bệnh chủ yếu gặp ở nam giới và có liên quan nhiều đến vấn đề nghiện rượu, hút thuốc lá, hít nhiều các khí thải độc hại…
Theo hiệp hội quốc tế chống ung thư (UICC), ung thư hạ họng xuất hiện theo 3 vùng: xoang lê, vùng sau nhẫn phễu và vùng thành sau hạ họng. Ở giai đoạn sớm, tổn thương hay gặp tại một vùng giải phẫu nhưng ở giai đoạn muộn thường lan sang vùng thanh quản và khó phân biệt xuất phát điểm. Chỉ định và tiên lượng hoàn toàn phụ thuộc vào vị trí tổn thương cũng như giai đoạn bệnh.
|
Dấu hiệu ung thư hạ họng. |
Nếu như ung thư thanh quản có tiên lượng tốt thì ung thư hạ họng có tiên lượng rất xấu, điều trị rất khó khăn. Xu hướng hiện nay là tăng cường điều trị bảo tồn thanh quản, giảm thiểu phẫu thuật tàn phá lớn ảnh hưởng đến chức năng sinh lý thanh quản, vì vậy điều trị bằng xạ trị gia tốc và kết hợp hoá chất là phương pháp được lựa chọn mang lại kết quả điều trị tốt cho những bệnh nhân ung thư hạ họng giai đoạn muộn không thể phẫu thuật.
GS Khoa cho biết tỷ lệ mắc bệnh rất khác nhau ở các nước và ngay cả các vùng, các tỉnh trong cùng một nước cũng khác nhau. Ở Việt Nam, ung thư hạ họng đứng thứ 3 sau ung thư vòm họng, ung thư mũi xoang trong phạm vi ung thư vùng tai mũi họng.
Nguyên nhân của bệnh chưa xác định rõ nhưng thực tế cho thấy các yếu tố tăng nguy cơ ung thư hạ họng đó là những người vừa nghiện rượu và thuốc lá, ngoài ra các yếu tố kích thích niêm mạc họng như các khí, hơi, bụi mang tính nghề nghiệp của những người hay tiếp xúc với các chất này.
TS Hoàng Đình Chân – nguyên bác sĩ tại Bệnh viện K Trung ương cho biết với trường hợp ung thư hạ họng vùng xoang lê, dấu hiệu thường gặp nhất là nuốt khó một bên hoặc khó chịu ở một bên họng, đặc biệt khi nuốt nước bọt, đây là dấu hiệu cảnh báo ung thư hạ họng giai đoạn đầu.
Sau những dấu hiệu đầu tiên, cảm giác nuốt ngày càng tăng dần và đau nhói lên tai ngày càng rõ, có thể khạc đờm nhầy lẫn máu.
Tiếp đó, xuất hiện dấu hiệu nói khó do khối u đã bắt đầu lan vào thành họng, thanh quản, khám thì đã sờ thấy hạch cổ vì các triệu chứng lâm sàng cũng như hạch cổ của ung thư hạ họng giai đoạn đầu khá kín đáo, ít rầm rộ hoặc tồn tại một thời gian quá dài.
Ung thư hạ họng là bệnh vẫn chưa thể chữa khỏi hoàn toàn. Các biện pháp điều trị u hạ họng bao gồm: phẫu thuật, tia xạ, hóa chất và điều trị miễn dịch.
Để phòng tránh ung thư hạ họng, TS Chân cho biết cách tốt nhất là từ bỏ rượu bia và thuốc lá, vì đây là hai yếu tố nguy cơ chính gây ung thư hạ họng.
Chế độ dinh dưỡng cân đối, tránh suy dinh dưỡng và thiếu vitamin. Ăn uống lành mạnh (nhiều rau củ quả, hạt ngũ cốc), đồng thời hạn chế thịt đỏ, thức ăn đã qua chế biến.
Vệ sinh răng miệng sạch sẽ, điều trị các bệnh lý vùng mũi họng triệt để nếu có. Thực hiện bảo hộ lao động thật tốt.
( C. H sưu tầm)