"Ai cũng có thể là nguồn lây khi dịch lan rộng"
Nguồn: Báo Điện tử VnExpress
Các chuyên gia dịch tễ khuyến cáo, khác với đợt dịch trước, ổ dịch Hải Dương có thể liên quan biến chủng siêu lây nhiễm, ai cũng có thể là nguồn lây nhiễm.
Trao đổi với VnExpress, sáng 29/1, phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cho biết trong đợt dịch liên quan Hải Dương - Quảng Ninh, đối tượng mắc Covid-19 chủ yếu là người trẻ tuổi, quá trình đi lại, tiếp xúc trong cộng đồng lớn nên rất khó kiểm soát. Việc phát hiện muộn, lại không tìm được F0, thậm chí F1, khiến dịch ngày càng lan rộng.
"Việc truy tìm F0 không còn cần thiết mà phải nhanh chóng lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng đến F3", phó giáo sư Nga nhận định. Tại cơ sở y tế, tất cả người có tiền sử dịch tễ, có biểu hiện mắc bệnh đường hô hấp, cần được cách ly, lấy mẫu xét nghiệm.
Ngoài ra, số người lây nhiễm được phát hiện nhiều nghĩa là virus có thể tồn tại khá lâu trong cộng đồng. "Bất kỳ ai cũng có thể trở thành nguồn lây nhiễm", theo phó giáo sư Nga, nên cần truy vết thần tốc đến F3, tìm ra người mắc Covid-19, người liên quan để phòng ngừa dịch bệnh.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn sáng 29/1 khẳng định so với các đợt trước, điều kiện khó khăn hơn nhưng chúng ta lại chủ động hơn.
"mục tiêu không phải tìm ra được F0 mà quét diện rộng tìm ra người mắc Covid-19", Thứ trưởng Sơn nhấn mạnh. Hệ thống điều trị cũng bắt tay xây dựng các bệnh viện dã chiến tại Hải Dương.
|
Công ty Poyun ở Hải Dương, nơi phát hiện các bệnh nhân Covid-19. Ảnh:Thế Quỳnh. |
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM), lập luận rằng trong bối cảnh ổ dịch được nhận định là đã "quá lâu rồi", thì truy tìm F0 cũng không biết là F0 ban đầu hay F0 thứ mấy. Chưa kể, 180 ca Covid-19 cộng đồng công bố trong ba ngày qua đều có thể là F0, có thể lây lẫn nhau hoặc một người nào đó khác lây cho họ. Nếu tìm ra F0 thì chúng ta vẫn tiếp tục thực hiện các phương pháp phòng ngừa như hiện tại để không lây lan ra cộng đồng.
Ổ dịch ở Chí Linh, Hải Dương lây nhiễm ít nhất 10 ngày, theo nhận định của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam hôm 28/1 - khi nhận 84 ca nhiễm. Phó thủ tướng yêu cầu lấy mẫu xét nghiệm nhanh, sớm đến tận F3, trong khi thông thường lấy mẫu F1 đến F2. Các địa phương khi phát hiện ca nghi nhiễm, lập tức phải khoanh vùng. "Nghi có F1 thì phải coi như F0, F2 coi như F1 để truy vết triệt để", phó thủ tướng yêu cầu.
Hiện chưa rõ nguyên nhân đợt dịch tại Hải Dương và Quảng Ninh bùng phát nhanh, quá trình giải trình tự gene hai bệnh nhân ghi nhận đầu tiên là 1552 (nữ công nhân Poyun ở Chí Linh, Hải Dương) và 1553 (nhân viên sân bay Vân Đồn, Quảng Ninh). Giới chuyên môn giải thiết có thể nhiễm biến thể nCoV từ Anh, do một người làm việc cùng "bệnh nhân 1552" xuất cảnh sang Nhật được xét nghiệm nhiễm biến thể Anh.
Tiến sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM), cho biết theo các nghiên cứu, chủng mới nCoV của Anh tăng độc lực khoảng 30%, khả năng lây nhiễm cao hơn 70%. Khi chưa xác định được F0, thời gian từ ủ bệnh đến lúc phát hiện bệnh kéo dài, nguồn lây rộng hơn.
Như đợt dịch này, khả năng lây nhiễm trong cộng đồng sẽ rất lớn, nguy cơ dịch bùng phát trên diện rộng. Song, với kinh nghiệm qua nhiều đợt chống dịch, sự đồng lòng của người dân, quyết định giãn cách xã hội để giảm nguy cơ lây lan, hy vọng Việt Nam sẽ sớm khống chế dịch.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam hai ngày trước khi bắt đầu phát dịch nêu quyết tâm "10 ngày khống chế thành công dịch", đến tối 29/1 trong cuộc họp Ban chỉ đạo Quốc gia đã chia sẻ niềm tin "8 ngày khống chế thành công dịch".
|
Chuyên gia Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương chi viện Hải Dương, chuẩn bị lấy mẫu xét nghiệm công nhân nhà máy Poyun, ngày 28/1. Ảnh: Thế Quỳnh. |
Theo các chuyên gia, phải siết mạnh hơn, chặt hơn các biện pháp để đảm bảo an toàn cho người dân. Đồng thời điều tra truy vết, tìm kiếm tất cả những địa điểm đi lại và người có tiếp xúc với các bệnh nhân, cách ly tập trung trường hợp tiếp xúc gần. Người dân cần giữ khoảng cách an toàn, không tụ tập thì virus cũng không có cơ hội lây lan.
Các cơ sở y tế phải nâng mức báo động, tất cả thầy thuốc phải luôn cảnh giác cao hơn một mức so với trước đây vì các trường hợp ho sốt, khó thở đều đến cơ sở y tế kiểm tra.
Tất cả sân bay, điểm giao thông công cộng, cơ sở y tế, trường học, nhà máy, công sở, trung tâm thương mại, chợ phải tự đánh giá và cập nhật lên bản đồ chống dịch (antoancovid.vn). Cơ sở an toàn mới được hoạt động. Người đứng đầu các địa phương chịu trách nhiệm nếu xảy ra dịch bệnh.
Ban chỉ đạo Quốc gia chống dịch đã phát lệnh kích hoạt tất cả cơ chế cao nhất, sẵn sàng cho kịch bản hàng chục nghìn người nhiễm, quyết tâm 10 ngày phải khoanh và dập các ổ dịch này.
Trong ba ngày từ 28/1 đến 31/1, Bộ Y tế ghi nhận 182 ca dương tính nCoV ở 5 tỉnh thành gồm Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh và Hà Nội. Trong đó hai ổ dịch lớn nhất là nhà máy Poyun ở thành phố Chí Linh, Hải Dương, và sân bay Vân Đồn ở Quảng Ninh. Hiện Hải Dương ghi nhận 157 ca nhiễm, Quảng Ninh 20 ca, Hà Nội và Bắc Ninh mỗi nơi 2 ca, Hải Phòng một ca.
( C. H sưu tầm)