Con đường lây nhiễm nCoV

Ngày đăng: 02:01 18/02/2021 Lượt xem: 225

                                   Con đường lây nhiễm nCoV

                                                    Nguồn: Báo Điện tử VnExprees

Bạn có thể mắc Covid-19 nếu ở cùng người nhiễm nCoV trong phòng kín, kém thông gió, đông đúc, thời gian kéo dài.


 

Paul Hunter, giáo sư khoa y dược Đại học Đông Anglia kiêm cố vấn không thường trực của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cho biết rất khó để xác định cách người bị nhiễm nCoV, mặc dù virus này đã lây cho 107 triệu người trên thế giới.

Ví dụ, một người có thể chạm vào mặt bàn quầy thu ngân mà bệnh nhân Covid-19 từng động tới, nhưng cũng tiếp xúc với nhân viên siêu thị hoặc con của người đó bị lây từ các bạn cùng lớp. Bởi vậy, xác định phương thức lây nhiễm là điều khó khăn. Song, sau một năm, các nghiên cứu đã cho thấy nhiều bằng chứng về con đường lây lan nCoV.

Lây qua bề mặt tiếp xúc

Về mặt lý thuyết, nCoV có thể lây qua bề mặt của các đồ vật chung đụng. Tuy nhiên, gần đây, một số nhà khoa học cho rằng điều này đã được nhấn mạnh nhiều hơn mức cần thiết. Trong một nghiên cứu đăng trên tạp chí Y khoa Lancet vào tháng 7/2020, Emanuel Goldman, một nhà vi sinh vật học tại Trường Y Rutgers New Jersey, nhận định lời khuyên của một số chính phủ về việc sát khuẩn bề mặt còn tồn tại những hạn chế. Theo ông, phần lớn các thử nghiệm diễn ra trong phòng thí nghiệm với lượng lớn virus, không hoàn toàn giống với thực tế. Ông nhận xét xu thế sát khuẩn đồ đạc bằng chất tẩy rửa mạnh là không đủ căn cứ, nhưng đồng thời khuyên người dân nên rửa tay thường xuyên.

Bài xã luận của tạp chí Nature đăng vào đầu tháng 2 viết rằng lây nhiễm nCoV qua bề mặt là điều hiếm gặp. WHO và các cơ quan y tế cần giải thích rõ hơn những khuyến cáo của họ về cách phòng chống dịch.

Theo giáo sư Hunter, nCoV có thể lây qua tiếp xúc bề mặt có virus, nhưng việc chứng minh gặp nhiều thách thức. Những nghiên cứu tốt nhất về vấn đề này đều đã được tiến hành từ buổi đầu đại dịch trước khi virus lan rộng tới mức khó xác định đường lây truyền.

Vào tháng 2/2020, các nhà khoa học đã kiểm tra bề mặt các đồ vật tại bệnh viện Vũ Hán - nơi điều trị số lượng lớn bệnh nhân Covid-19 khi ấy. Họ tìm thấy virus trên chuột máy tính, thùng rác, thành giường, tay nắm cửa và thậm chí ở đế giày của nhân viên y tế. Một nghiên cứu khác xuất bản trên Tạp chí Y khoa New England phát hiện virus có thể sống tới 72 giờ trên nhựa và thép, 8 giờ trên đồng và 4 giờ trên bìa carton.

Tuy nhiên, sau một năm sống chung với đại dịch, các nhà dịch tễ học vẫn chưa tìm thấy bằng chứng rõ ràng về trường hợp nhiễm nCoV do tiếp xúc với bề mặt có virus. Vào tháng 7/2020, WHO ghi nhận đây có thể là con đường lây nhiễm nhưng không có báo cáo về trường hợp cụ thể nào mắc bệnh theo cách này.

con duong lay nhiem ncov

Nguời dân Mỹ đeo khẩu trang khi đi ra ngoài để tránh lây nhiễm nCoV. Ảnh:NY Times

Lây qua giọt bắn

Giới khoa học nhìn chung đồng tình rằng nCoV lây qua giọt bắn giữa những người tiếp xúc gần. Khi bạn ho hoặc hắt hơi, hàng ngàn giọt nước bọt nhỏ li ti không thể nhìn thấy bằng mắt thường sẽ bắn ra. Chúng có thể bay xa gần 1 mét trước khi chạm đất hoặc 2 mét nếu ho mạnh.

Những giọt nước nhỏ nhất sẽ tiếp tục bay trong không khí một lúc. Còn những giọt lớn hơn là phương tiện chính để virus lây truyền cho con người. Nếu các giọt này tiếp xúc với mặt của bạn, bạn có nguy cơ mắc bệnh.

Hát hoặc nói to cũng gây rủi ro cao vì luồng hơi bật ra nhiều. Tháng 3/2020, trong số 121 thành viên của dàn hợp xướng tại Skagit, Washington, 53 người mắc Covid-19 và 2 người tử vong. Tại thời điểm đó, số ca mắc ở bờ Tây nước Mỹ vẫn tương đối ít. Giáo sư Hunter cho biết lây nhiễm qua giọt bắn chủ yếu xảy ra khi nhiều người tập trung trong không gian kín, không giãn cách xã hội.

Lây truyền qua không khí

nCoV có lây truyền qua không khí hay không là một câu hỏi gây tranh cãi. Những giọt bắn nhỏ nhất từ người nhiễm virus có thể lơ lửng trong không trung hàng giờ. Điều đó có nghĩa bạn có thể bị nhiễm nCoV dù không tiếp xúc gần. Vi khuẩn gây bệnh lao và virus gây bệnh sởi, thủy đậu thường lây qua con đường này

Ở thời điểm đầu của đại dịch, phần lớn giới khoa học vẫn hoài nghi về khả năng virus lây truyền qua không khí. Tuy nhiên, đến mùa hè năm 2020, 239 nhà khoa học từ 32 quốc gia đã viết thư gửi đến WHO, kêu gọi cơ quan này nhìn nhận vấn đề một cách nghiêm túc hơn. Giờ đây, các chuyên gia của WHO và Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ đã công nhận khả năng này nhưng xếp ở mức nguy cơ thấp.

Theo một nghiên cứu xuất bản vào tháng 5/2020 trên tạp chí Nature Research, vật chất di truyền của nCoV đã được tìm thấy trong mẫu không khí ở hai bệnh viện tại Vũ Hán. Chúng xuất hiện ở nhà vệ sinh và phòng nơi bác sĩ được bỏ khẩu trang. Phát hiện này củng cố thêm bằng chứng về khả năng virus có trong không khí và nhấn mạnh vai trò của việc giữ cho phòng thoáng đãng, nhưng không trả lời câu hỏi liệu một người có thể mắc bệnh theo cách này hay không. Virus có thể đã chết hoặc phân hủy ra thành những hạt nhỏ.

Một cuộc điều tra khác tại một nhà hàng ở Quảng Châu, Trung Quốc, từng tìm thấy dấu vết của nCoV trong hệ thống điều hòa không khí. Nhà hàng trở thành mục tiêu điều tra sau khi một thực khách lây bệnh cho 9 người khác khi ăn ở đó.

Hướng dẫn của WHO vào tháng 11/2020 cho biết: "Lây nhiễm qua không khí có thể xảy ra tại các bối cảnh nhất định, đặc biệt là trong nhà, nơi tập trung đông người và bức bí, nơi người nhiễm virus tiếp xúc với những người khác trong khoảng thời gian dài như nhà hàng, dàn hợp xướng, phòng tập thể dục, hộp đêm, văn phòng hoặc nơi thực hiện nghi lễ tôn giáo".

Năm 2020, Thủ tướng Đức Angela Merkel khuyến cáo người dân mở cửa sổ như một cách chống dịch hiệu quả mà không hề tốn kém.

( C. H sưu tầm)

 
tin tức liên quan