Không chủ quan với bệnh hen
Nguồn: Báo Điện tử Dân Việt
Theo Bộ Y tế, Việt Nam ước tính có khoảng 4% dân số mắc bệnh hen. Tuy nhiên, chỉ có 30% người mắc hen được quản lý và điều trị. Nhiều người bệnh nặng, tử vong do không được điều trị đúng
Nguy hiểm vì tự ý dùng bình xịt hen
PGS-TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết, ước tính có đến 4% dân số nước ta mắc hen, song tỷ lệ được kiểm soát bệnh chỉ khoảng 30%, còn 70% người bệnh hen còn lại chưa hiểu biết, chưa nhận thức, chưa được chăm sóc. Nhận thức của cộng đồng về bệnh hen cũng chưa tốt, dẫn đến việc tự ý điều trị, điều trị sai cách khiến bệnh nặng hơn, thậm chí tử vong. "Năm 2020, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn quốc gia về chẩn đoán và điều trị Hen phế quản người lớn và trẻ em trên 12 tuổi, trong đó cảnh báo việc sử dụng thường xuyên hoặc quá mức thuốc cắt cơn có thể làm tăng nguy cơ nhập viện và gây tử vong cho người bệnh"- PGS Khuê cho biết.
Một trong những sai lầm mà bệnh nhân hen hay mắc là lạm dụng bình xịt cắt cơn hen. Tuy nhiên, thuốc cắt cơn tác dụng ngắn giúp bệnh nhân tạm thời giảm triệu chứng hen, nhưng việc chỉ sử dụng thuốc này trong thời gian dài sẽ làm giảm sự bảo vệ của phế quản, tăng phản ứng quá mức của đường thở dẫn đến nguy cơ vào đợt cấp hen phế quản.
òn theo PGS-TS Lê Thị Tuyết Lan - Chủ tịch Hội Hen - Dị ứng miễn dịch lâm sàng TP. HCM, dữ liệu sơ bộ từ một nghiên cứu trong lĩnh vực dược thực hiện tại nhà thuốc năm 2020 từ 14 tỉnh, thành ở Việt Nam cho thấy, có đến 68 bệnh nhân hen đã mua từ 3 bình thuốc cắt cơn hen trở lên trong năm vừa qua.
"1 năm mà dùng tới 3 bình cắt cơn hen là quá nhiều. Tôi cũng đã biết nhiều bệnh nhân hen đã dùng bình cắt cơn hen rất tùy tiện, cứ khó thở là xịt và cho rằng cách tốt nhất để kiếm soát các triệu chứng hen mà bỏ qua nhiều các lưu ý khác về bệnh hen. Hơn nữa, chỉ cần sử dụng thuốc cắt cơn quá 3 lần/tuần đã là dấu hiệu tăng nguy cơ của đợt hen cấp, thậm chí có thể dẫn đến các hậu quả đáng tiếc như: Tăng phản ứng quá mức đường thở, giảm đáp ứng giãn phế quản và có thể tăng nguy cơ tử vong" - PGS Lan chia sẻ.
PGS-TS Nguyễn Viết Nhung - Chủ tịch Hội Phổi Việt Nam cho biết: "Thuốc cắt cơn hen phải được dùng đúng mới có thể duy trì sức khỏe ổn định cho người mắc bệnh hen, giảm thiểu chi phí và giúp người bệnh tránh được hậu quả đáng tiếc. Các bác sĩ ở cơ sở có vai trò quan trọng trong việc phát hiện sớm tình trạng lạm dụng thuốc cắt cơn hen".
Đề phòng bệnh tăng nặng
Theo các chuyên gia y tế, mùa đông giá rét là một trong những yếu tố kích phát cơn hen. Theo một số nghiên cứu, trong đó các yếu tố gây tác động cơn hen nhiều nhất là thay đổi thời tiết (85,2%), gắng sức (gần 70%), nhiễm lạnh (53,2%), viêm đường hô hấp... Bệnh nhân hen cũng thường mắc các bệnh dị ứng kèm theo như viêm mũi dị ứng, mề đay, dị ứng thức ăn, viêm kết mạc dị ứng, viêm da cơ địa…
Ngoài ra, có tình trạng sai lầm trong điều trị hen là một số bệnh nhân do quá sợ tác dụng phụ của thuốc điều trị và dự phòng hen nên không dùng theo đúng chỉ định của bác sĩ để kiểm soát hen; hoặc bệnh nhân sử dụng thuốc không đúng liều lượng, hướng dẫn của bác sĩ... Thậm chí còn có tình trạng bệnh nhân mượn đơn của người khác để đi mua thuốc điều trị hen cho mình...
Theo bà Lan, bệnh hen là bệnh mãn tính, bệnh nhân phải "cùng tồn tại" với bệnh đến cuối đời nhưng có nhiều phương pháp kiểm soát cơn hẹn hiệu quả, giúp bệnh nhân có cuộc sống bình thường. Người bệnh cần tuân thủ điều trị, dùng thuốc dự phòng thường xuyên để kiểm soát các triệu chứng hen và phòng các cơn hen cấp. Việc tự ý ngừng thuốc sẽ rất nguy hiểm làm bệnh trở nặng, thậm chí nguy hiểm tính mạng. "Chưa có bằng chứng khoa học về việc mẹo dân gian có thể chữa khỏi bệnh hen. Do đó, người dân không nên tin lời đồn thổi dùng mẹo dân gian mà bỏ qua cơ hội điều trị bằng thuốc dự phòng, khiến bệnh nặng hơn" - bà Lan Khuyến cáo.
( C. H sưu tầm)