Báo cáo WHO điều tra nguồn gốc COVID-19 tiết lộ điều bất ngờ ở Trung Quốc

Ngày đăng: 04:25 22/02/2021 Lượt xem: 187

Báo cáo WHO điều tra nguồn gốc COVID-19 tiết lộ điều bất ngờ ở Trung Quốc

                                                  Nguồn: Báo Điện tử VTC

Nhóm điều tra nguồn gốc COVID-19 cảm thấy "vô lý" khi có một số khía cạnh liên quan đến bệnh nhân đầu tiên mà cơ quan chức trách Trung Quốc đã không điều tra.


 

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết sẽ công bố báo cáo về nguồn gốc COVID-19, trong đó khuyến nghị các nhà chức trách Trung Quốc phải điều tra toàn diện hơn hai "manh mối": về lịch sử tiếp xúc của bệnh nhân đầu tiên được ghi nhận tại Vũ Hán và chuỗi cung ứng thực phẩm tại chợ hải sản Hoa Nam, nơi bị nghi là nguồn gốc virus gây bệnh.

Trả lời CNN, các nhà khoa học tham gia điều tra nguồn gốc COVID-19 tại Vũ Hán cảm thấy “vô lý” khi cơ quan chức năng Trung Quốc đã không điều tra tổng thể hai manh mối trên.

bao cao who dieu tra nguon goc covid 19 tiet lo dieu bat ngo o trung quoc
(Ảnh minh họa: Getty)

Bệnh nhân đầu tiên tại Vũ Hán được cho là nhiễm virus vào ngày 8/12/2019. Ông là nhân viên văn phòng, khoảng 40 tuổi, sống cùng vợ con, trong khoảng thời gian đó không có chuyến đi nào xa nhà.

Theo Peter Daszak, thành viên đội điều tra WHO, họ gặp bệnh nhân này và được biết bố mẹ ông đã đến thăm một chợ thực phẩm tươi sống (wet market) ở Vũ Hán không lâu trước khi ông mắc bệnh.

“Cuối cuộc phỏng vấn, thông qua phiên dịch, ông ấy nói cụ thể là bố mẹ tôi đã đến một 'wet market' ở địa phương”, Daszak nói.

Khu chợ được nhắc đến không phải là chợ hải sản Hoa Nam. “Việc sử dụng cụm từ ‘wet market’ đặc biệt trong hoàn cảnh căng thẳng chính trị này khiến tôi thấy một điều rất đáng chú ý là các chợ khác ở Vũ Hán, không chỉ chợ Hoa Nam, cũng bán các sản phẩm từ động vật hoang dã (có thể nhiễm virus)”.

Theo Daszak, các nhà khoa học Trung Quốc đã đảm bảo với nhóm WHO rằng bố mẹ của bệnh nhân âm tính với virus gây bệnh. Tuy nhiên, họ dường như đã không truy vết lịch sử tiếp xúc của hai người này ở khu chợ. "Không nhất thiết phải truy vết lịch sử tiếp xúc của họ nếu bạn phát hiện ra họ âm tính, nhưng đó là việc đáng làm để hiểu về sự lây lan của COVID-19 xung quanh Vũ Hán", Daszak nói.

Bệnh nhân được cho biết là người có lối sống đô thị điển hình, không tham gia các hoạt động thể thao đông người, sở thích chính là lướt web. Việc ông không có liên hệ trực tiếp với các khu chợ hay lịch sử du lịch nguy cơ cao cho thấy thời điểm phát hiện ca bệnh của ông là khi "đã có lây nhiễm cộng đồng", theo giáo sư Maureen Miller tại Đại học Columbia.

Liên quan đến chuỗi cung ứng, WHO sẽ khuyến nghị điều tra sâu hơn bao gồm đi xuống tận các trang trại, xét nghiệm với nông dân, phỏng vấn và xét nghiệm người thân của họ, đồng thời tìm hiểu xem có bằng chứng nào cho thấy đã từng bùng phát dịch ở đó trước Vũ Hán hay không.

Daszak cho biết, các nhà khoa học Trung Quốc đã đến thăm các trang trại động vật hoang dã trong và xung quanh tỉnh Hồ Bắc, và một số "nhà cung cấp thượng nguồn", nhưng không phải các trang trại phía Nam mà ông và nhóm WHO "quan tâm nhất".

Việc kiểm tra chuỗi cung ứng sẽ cho phép các nhà khoa học xem con vật, hay con người nào, có thể đã truyền virus trước khi nó bị phát hiện ở Vũ Hán. Daszak nói: “Có thể sự lan truyền đã xảy ra, sớm hơn một chút, vào tháng 11, hoặc thậm chí có thể là tháng 10”.

Giáo sư Yanzhong Huang, nhà nghiên cứu cấp cao về y tế cộng đồng, trả lời CNN rằng thật “sốc” khi các quan chức Trung Quốc không điều tra “hai gợi ý quan trọng như thế này”.

“Họ có những nhà khoa học hàng đầu, những người vô cùng hiểu biết và đủ để nhận ra mức độ quan trọng của thông tin”, ông nói.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh trước đó khẳng định: "Trung Quốc đã tiến hành nghiên cứu rất kỹ lưỡng, chuyên nghiệp, dựa trên cơ sở khoa học với các chuyên gia của WHO" và nhấn mạnh nhóm WHO hài lòng với sự hợp tác của họ. Bà Hoa Xuân Oánh tiếp tục cho rằng nên nghiên cứu về sự xuất hiện của virus bên ngoài Trung Quốc.

( C. H sưu tầm)

tin tức liên quan