8 tiếng "đói không dám ăn, khát không dám uống" ở tuyến đầu chống Covid-19

Ngày đăng: 07:58 15/05/2021 Lượt xem: 222

8 tiếng "đói không dám ăn, khát không dám uống" ở tuyến đầu chống Covid-19

                                                                Nguồn: Báo Điện tử Dân Trí

"Một khi đã mặc bộ đồ phòng hộ lên thì oxy không bao giờ là đủ để chúng tôi có thể thở thoải mái", nữ điều dưỡng khoa Cấp cứu bắt đầu câu chuyện về cuộc chiến trên tuyến đầu chống dịch.



Nỗi lo về kẻ thù "vô hình"

Ngồi chờ đến lượt được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2, điều dưỡng Phạm Thúy Hạnh, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương lại "đánh trống ngực".

8 tiếng đói không dám ăn, khát không dám uống ở tuyến đầu chống Covid-19 - 1
 

Nhấn để phóng to ảnh

Ngày 5/5, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh đã được phong tỏa (Ảnh: Đỗ Linh).

"Lại có thêm người trong viện dương tính, có khi nào tiếp theo sẽ là mình?", câu hỏi đè nặng tâm trí của nữ điều dưỡng 41 tuổi này.

Kể từ khi Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh ghi nhận chùm ca mắc Covid-19 và buộc phải phong tỏa, các nhân viên y tế trực chiến tại Bệnh viện phải tiến hành xét nghiệm SARS-CoV-2 định kì 3 ngày một lần. Mỗi lần như vậy, đối với điều dưỡng Hạnh lại là một "bài test tâm lý".

8 tiếng đói không dám ăn, khát không dám uống ở tuyến đầu chống Covid-19 - 2
 

Nhấn để phóng to ảnh

Điều dưỡng Phạm Thúy Hạnh, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Đã hơn 1 năm tham gia chống dịch, việc phải cách ly tại Bệnh viện hàng tháng trời để thực hiện nhiệm vụ trở nên quá quen thuộc. Tuy nhiên, theo chia sẻ của chị, cuộc chiến lần này lại đặt ra nhiều thách thức mới.

"Dịch tấn công vào Bệnh viện, không chỉ bệnh nhân, người nhà, mà cả lực lượng chống dịch của chúng tôi cũng đã trở thành nạn nhân. Do đó, ngay cả khi không vào bệnh phòng, chúng tôi vẫn canh cánh nỗi lo về nguy cơ lây nhiễm", nữ điều dưỡng bộc bạch.

Hết ca làm, điều dưỡng Hạnh và đồng nghiệp vẫn phải duy trì khoảng cách tối thiểu là 2 mét, việc nói chuyện cũng được hạn chế tối đa.

8 giờ đồng hồ không ăn, không uống

Mỗi ca làm việc của điều dưỡng Hạnh kéo dài 8 tiếng đồng hồ. Chị cùng 2 đồng nghiệp khác sẽ có nhiệm vụ chăm sóc khoảng 25 bệnh nhân đang được điều trị, số lượng này tăng hơn đáng kể so với khoảng thời gian trước.

Không chỉ có khối lượng công việc lớn, mà theo điều dưỡng Hạnh, sự ngột ngạt từ bộ quần áo phòng hộ cũng là thứ góp phần vắt kiệt sức của những nhân viên y tế đang tham gia chống dịch.

"Một khi đã mặc bộ đồ phòng hộ lên thì oxy không bao giờ là đủ để chúng tôi có thể thở thoải mái", nữ điều dưỡng kể, "Cảm giác bí bách lại càng tăng thêm gấp bội giữa tiết trời mùa hè này. Mồ hôi đổ ròng ròng khiến chúng tôi mất sức rất nhanh".

8 tiếng đói không dám ăn, khát không dám uống ở tuyến đầu chống Covid-19 - 3
 

Nhấn để phóng to ảnh

Một khi đã mặc bộ đồ phòng hộ lên thì oxy không bao giờ là đủ để các y, bác sĩ có thể thở thoải mái (Ảnh minh họa: Minh Nhật).

"Đói không dám ăn, khát không dám uống", là cách điều dưỡng Hạnh mô tả về khoảng thời gian vào ca trực. Theo giải thích của chị, một khi đã mặc đồ phòng hộ, nếu muốn cởi ra để ăn uống, đi vệ sinh sẽ rất phức tạp và bắt buộc phải thay bộ đồ mới.

"Trong 8 tiếng làm việc, nếu mệt chúng tôi chỉ ra phòng đệm đứng nghỉ 5-10 phút để hồi sức, lấy oxy rồi lại tiếp tục cuộc chiến", chị nói.

Thời điểm kết thúc ca trực cũng là lúc áo quần của các blouse trắng ướt sũng mồ hôi, còn người thì như "đi mượn": Hai chân ê ẩm vì đi lại nhiều, trên gương mặt lại in lên những vết hằn "chỉ nhìn đã thấy đau", mà chiếc kính phòng hộ và khẩu trang thít chặt suốt 8 tiếng để lại.

8 tiếng đói không dám ăn, khát không dám uống ở tuyến đầu chống Covid-19 - 4
 

Nhấn để phóng to ảnh

Điều dưỡng Hạnh người ướt sũng mồ hôi sau ca trực (Ảnh: BVCC).

Sau mỗi ca làm, các y, bác sĩ phải khử khuẩn, tắm rửa rồi mới được về phòng. Tuy nhiên, cuộc chiến của họ chưa phải đã chấm dứt.

"Bệnh nhân nhập viện đông, nhân lực lại có hạn, nên dù không trong ca trực chúng tôi vẫn luôn trong tư thế sẵn sàng "vào trận", để hỗ trợ kịp thời cho đồng nghiệp đang ở vòng trong", nữ điều dưỡng nói.

Nỗi lòng nặng trĩu của người mẹ

Vì dịch bệnh, gia đình nhỏ của điều dưỡng Hạnh lại đang phải chia tách ở 3 nơi. Chị trực chiến ở Bệnh viện, chồng làm lĩnh vực cầu đường đang phải cách ly tại Hà Tĩnh, nhà ở Hà Nội giờ chỉ còn con gái lớn học lớp 12 và cậu con trai út mới 3 tuổi.

Nhắc đến con, giọng nữ điều dưỡng hơi nghẹn lại: "Con gái lớn giờ phải vừa làm chị, vừa làm mẹ để chăm em và quán xuyến trong gia đình. Thiệt thòi nhất là năm nay cháu chuẩn bị bước vào kì thi đại học quan trọng, mà lại không có bố mẹ ở cạnh bên để hướng dẫn, bảo ban".

8 tiếng đói không dám ăn, khát không dám uống ở tuyến đầu chống Covid-19 - 5
 

Nhấn để phóng to ảnh

Nhận nhiệm vụ trực chiến trên tuyến đầu, các y bác sĩ phải gác lại hạnh phúc riêng.

Tuy nhiên, theo chị, hoàn cảnh của gia đình mình còn may mắn hơn nhiều đồng nghiệp khác đang trực chiến trên tuyến đầu chống dịch này.

"Có những y, bác sĩ con chỉ mới hơn 1 tuổi, mỗi lần gọi cho con là một lần ứa nước mắt. Chứng kiến đồng nghiệp như vậy lòng tôi cũng nặng trĩu theo".

Khi được hỏi về mong muốn của bản thân lúc này, chị nói: "Chỉ mong sao mọi người dân ngày càng có ý thức tốt hơn, các lực lượng chống dịch sẽ bớt đi phần nào gánh nặng, ngày dịch bệnh được kiểm soát sẽ gần hơn và chúng tôi sẽ lại được về nhà đoàn tụ với gia đình".

( C. H sưu tầm)

 
tin tức liên quan