Theo PGS-TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng quốc gia, sau tiêm vaccine việc cơ thể sẽ tiếp xúc với một kháng nguyên lạ.
Phản ứng bình thường của cơ thể là huy động hệ miễn dịch chống lại và tiêu diệt kháng nguyên lạ đó, đồng thời tạo trí nhớ miễn dịch, hay còn gọi là kháng thể để chống lại những đợt tấn công tiếp theo của kháng nguyên. Những phản ứng miễn dịch đó biểu hiện ra bên ngoài như đau tại chỗ tiêm, sốt, đau người, đau mệt mỏi… ở mức độ khác nhau.
Tuy nhiên, tùy cơ địa mỗi người phản ứng sau tiêm vaccine là khác nhau. Không phải ai sau tiêm cũng có biểu hiện phản ứng và điều này không phản ánh việc tạo miễn dịch của vaccine. Để đánh giá miễn dịch sau tiêm chính xác cần xét nghiệm máu định lượng kháng thể.
“Thực tế vaccine là một trong những sinh phẩm an toàn nhất. Các vaccine trước khi được đưa vào sử dụng đều được đánh giá tính an toàn và hiệu quả, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của Tổ chức Y tế thế giới và Bộ Y tế. Còn việc cơ thể phản ứng hay không phản ứng chứng minh người đó có hay không có kháng thể thì chưa chính xác”, bà Hồng nói.
|
PGS TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng Văn phòng Tiêm chủng mở rộng Quốc gia. |
Chung quan điểm, PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam nêu rõ, không phải cứ tiêm xong vaccine COVID-19 gặp phản ứng thì mới chứng minh cơ thể một người đã sản sinh ra kháng thể chống lại virus.
Về cơ bản có hay không sinh kháng thể phụ thuộc từng người, và người đó phải được xét nghiệm mới biết được. “Không phải ai khi tiêm vaccine đều sinh kháng thể ngay, kể cả người phản ứng sốt hay không sốt. Cũng không thể khẳng định người bị sốt sau khi tiêm sẽ có kháng thể hoặc nhiều kháng thể hơn người không phản ứng gì. Việc này tuỳ thuộc vào thể trạng của từng người. Thậm chí có trường hợp người gặp phản ứng nhưng không sinh nhiều kháng thể bằng người chẳng có phản ứng gì”, ông Phu nói.
Theo BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng I TP.HCM, việc sinh miễn dịch hay không sau tiêm vaccine COVID-19 là do miễn dịch, cơ địa của mỗi người. Việc cơ thể phản ứng không liên quan hay chứng minh rằng người đó có kháng thể chống lại virus.
“Giống như việc có vaccine sau khi tiêm tạo miễn dịch hơn 90% nhưng có vaccine thì chỉ được trên 70% hoặc trên 80%. Vì vậy nói sốt, đau người hay sưng chỗ tiêm là sinh miễn dịch thì không dựa căn cứ khoa học nào cả. Thậm chí có người tiêm xong còn không thể sinh miễn dịch dù cơ thể phản ứng”, BS Khanh nói.
Còn theo BS CKII Nguyễn Hồng Hà, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, phản ứng của mỗi người đối với tác nhân bên ngoài đưa vào đều khác nhau. Người phản ứng mạnh, người phản ứng ít, người phản ứng nặng, người phản ứng nhẹ thậm chí không phản ứng. Cho nên, tuỳ vào mỗi người mà sẽ sinh được tỷ lệ kháng thể nhất định sau khi tiêm vaccine chứ không phụ thuộc vào việc người đó phản ứng thế nào khi tiêm vaccine.
“Nhiều người sau tiêm không thể có kháng thể 100%. Điều này phụ thuộc vào hệ miễn dịch của mỗi người, người nào miễn dịch tốt thì sản sinh nhiều kháng thể. Còn người yế khó đạt được miễn dịch tốt”, BS Hà nói.
|
BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng I TP.HCM. |
Nhiều chuyên gia về dịch tễ cũng cho rằng, không thể dựa vào phản ứng của cơ thể trước vaccine mà cho rằng người đó có hay không có kháng thể. Các chuyên gia đều đồng tình, việc sinh kháng thể hay không, kháng thể nhiều hay ít sau khi tiêm vaccine tuỳ thuộc vào cơ địa của mỗi người chứ không liên quan tới phản ứng của người đó với vaccine.
Vì sao phải tiêm mũi vaccine nhắc lại?
Trước thắc mắc của nhiều người về việc tại sao phải tiêm mũi nhắc lại (mũi 2) dù mũi 1 vaccine COVID-19 đã tạo kháng thể, BS Trương Hữu Khanh cho hay, khi nghiên cứu vaccine nhà sản xuất đều tính đến là mỗi mũi sẽ có nồng độ bao nhiêu thì hợp lý, tiêm số mũi nhiều hay ít sẽ hiệu quả và khoảng cách mỗi mũi là bao nhiêu. Vaccine COVID-19 cũng nằm trong nguyên tắc này.
Tuỳ vào nghiên cứu của loại vaccine đó thế nào. Có loại chỉ cần tiêm 1 mũi đã đạt miễn dịch mong muốn nhưng có loại phải 2, thậm chí là 3 mũi mới hiệu quả. Ngoài ra còn tuỳ thuộc vào loại vaccine, nghĩa là có loại sau khi tiêm xong đạt 80% miễn dịch nhưng có loại đạt tới 90%. Hoặc loại vaccine tiêm 1 mũi đạt 70% nhưng có loại tiêm 1 mũi chỉ đạt 30% nên phải tiêm mũi 2.
"Hiểu nôm na là tiêm mũi 1 vẫn có thể có hoặc không sinh kháng thể, hoặc nếu sinh kháng thể thì cũng không đạt hiệu quả mong muốn nên chúng ta phải tiêm mũi 2 để bổ sung thêm và củng cố lượng kháng thể đó sao cho cơ thể đạt được hiệu quả cao nhất chống lại virus. Vì vậy, việc tiêm mũi 2 hay tiêm nhắc lại vaccine là điều rất quan trọng để xây dựng hệ thống miễn dịch tốt nhất”, BS Khanh nhấn mạnh.
PGS-TS Dương Thị Hồng cho biết, mỗi vaccine trước khi đưa vào sử dụng đều được nghiên cứu qua quá trình và được đánh giá khoa học, nhằm lựa chọn được lịch tiêm chủng tạo miễn dịch phòng bệnh hiệu quả nhất.
Đối với các vaccine phải tiêm nhiều liều, việc tiêm chủng không đủ mũi, hầu hết không có tác dụng phòng bệnh, dù cơ thể vẫn đáp ứng miễn dịch nhưng kháng thể không đủ để phòng bệnh trong trường hợp cơ thể phải tiếp xúc với lượng virus lớn. Vì vậy, để phòng bệnh COVID-19 theo các hướng dẫn của các nhà sản xuất vaccine hiện nay thì cần tiêm đầy đủ 2 mũi mới đạt hiệu quả như mong muốn.
|
Tiêm mũi 2 hoặc nhắc lại vaccine là rất quan trọng để xây dựng hệ thống miễn dịch tốt cho cơ thể. |
Theo PGS-TS Trần Đắc Phu, việc tiêm mũi 2 vaccine giúp kháng thể “nhớ lại” virus để có phản ứng chống lại virus đó.
“Có vaccine chỉ 1 mũi, nhưng nhiều loại vaccine tới 2, 3 mũi thậm chí nhắc lại nhiều hơn. Như vaccine COVID-19 hiện nay phải tiêm 2 mũi. Điều này nằm trong tính toán, nghiên cứu của các nhà khoa học. Nó giống như virus là kẻ trộm và vaccine là tấm lá chắn bảo vệ. Khi virus tấn công một lần thì lá chắn vẫn chưa thể bảo vệ tuyệt đối, nhưng khi gặp virus đó nhiều lần, cơ thể quen với việc phải chống lại virus thì sẽ có kháng thể tốt hơn. Tuỳ vào mỗi loại vaccine mà chúng ta phải tiêm mấy lần mới 'nhớ' được”, ông Phu nói.
Các chuyên gia truyền nhiễm khác cũng khẳng định, phải tiêm nhắc lại vaccine vì mũi ban đầu được coi là mũi tiêm sinh kháng thể, còn mũi 2 là để củng cố hệ miễn dịch khoẻ hơn. Tiêm mũi 2 kích thích các tế bào có “trí nhớ miễn dịch”, từ đó kháng thể chống lại virus trong mũi nhắc lại được tăng lên và bền vững hơn.
Vì vậy mà các nhà khoa học phải thử nghiệm rất nhiều lần qua các giai đoạn mới cho ra được loại vaccine hoàn chỉnh. Các chuyên gia đều tính đến việc tiêm bao nhiêu mũi và mỗi mũi phải cách nhau bao nhiêu lâu thì mới đạt được tỷ lệ miễn dịch cao nhất.
Tính tới 16h ngày 12/6, Việt Nam tiêm vaccine COVID-19 cho tổng cộng 1.454.221 người là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch. Trong đó, số người đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 là 54.385 người.