Giải mã "ác mộng" đá 11m tại EURO 2020
Nguồn: Báo Điện tử VTC
Ở EURO 2020, số lượng phạt đền và luân lưu 11m hỏng nhiều đến mức khó tin.
"Trước đây những quả phạt đền được xem như màn đối đầu 50-50, nhưng tôi nghĩ tỉ lệ bây giờ là 70-30", ESPN dẫn lời Eric Steele, cựu HLV thủ môn của Manchester United. Ông cho rằng việc các thủ môn buộc phải giữ chân trên vạch cầu môn trước khi đối phương dứt điểm làm tăng ưu thế cho người sút.
Bất kể vòng bảng EURO 2020 chứng kiến số lượng và tỉ lệ phạt đền hỏng ăn cao kỷ lục ở một giải đấu lớn, ông Steele vẫn cho rằng cơ hội dành cho các thủ môn giảm đi khi đứng trước những quả 11 mét ở loạt luân lưu. Tuy nhiên, 4 trận đấu loại trực tiếp không thể giải quyết thắng thua trong 120 phút, con số cao nhất từ trước tới nay, tiếp tục cho thấy những cú đá từ chấm phạt đền chưa bao giờ khó như ở giải đấu lần này.
|
Gianluigi Donnarumma, người hùng cứu luân lưu ở 2 trận liên tiếp, trở thành thủ môn đầu tiên giành giải cầu thủ xuất sắc nhất EURO. |
Trong 15 kỳ EURO trước đây, trận duy nhất có nhiều hơn 4 cầu thủ đá hỏng luân lưu là tứ kết năm 2016. Cho đến nay đó vẫn là loạt "đấu súng" mà những cú sút được thực hiện tệ nhất lịch sử giải đấu, với tổng cộng 7 người bỏ lỡ cơ hội.
Ở EURO 2020, có tới 2 trận chứng kiến 5 cầu thủ đá hỏng luân lưu là Tây Ban Nha gặp Thụy Sĩ (vòng 1/8) và Italy gặp Anh (chung kết). Tỉ lệ thực hiện luân lưu thành công ở giải đấu này là 63%, có nghĩa là chưa đến 2/3.
Ngoài ra, các trận đấu loại trực tiếp cũng làm tăng thêm tỉ lệ hỏng phạt đền của EURO 2020. Có thêm 3 cú đá phạt 11 mét được thực hiện, trong đó chỉ Romelu Lukaku (Bỉ) thành công. Ricardo Rodriguez (Thụy Sĩ) bị thủ môn cản phá trong trận đấu với đội tuyển Pháp, trong khi Harry Kane (Anh) phải cần tới cú đá bồi mới đưa được bóng vào lưới Đan Mạch.
Tổng cộng EURO 2020 có 17 quả phạt đền và tỉ lệ thất bại lên tới gần một nửa. Trong 15 cầu thủ thực hiện phạt đền, có tới 8 người không thành công. Nếu tính cả phạt đền và luân lưu, tỉ lệ hỏng ăn từ chấm đá phạt 11 mét ở EURO 2020 là 40%.
Chưa có nghiên cứu nào về tác động của việc thắt chặt quy định về di chuyển đối với các thủ môn đến cơ hội cản phá của họ. Dù vậy theo cựu HLV thủ môn Eric Steele, khả năng thành công của một quả phạt đền vẫn phụ thuộc vào người sút.
"Có những cầu thủ như Bruno Fernandes, họ nhìn thủ môn trước khi sút vì họ có đủ sự tự tin. Nhưng các cầu thủ sút phạt đền bây giờ biết rằng chỉ cần sút thật nhanh và thật mạnh, họ sẽ ghi bàn", ông Steele phân tích. Hầu hết các cầu thủ bị thủ môn cản phá ở EURO 2020 là những người không làm giống như lời khuyên này.
|
EURO 2020 chứng kiến số lần hỏng luân lưu và phạt đền kỷ lục. |
Việc các thủ môn phải giữ chân trên vạch cầu môn đồng nghĩa với việc họ tập trung hơn vào việc quan sát và phán đoán. Không có nhịp bước chân sớm, họ khó bị đánh lừa hơn. Ngay cả Jorginho, một chuyên gia sút phạt đền theo kiểu nhảy chân sáo, cũng hỏng ăn ở trận chung kết khi không thể đánh lừa được Jordan Pickford.
HLV Eric Steel nêu ra ví dụ: "Những thủ môn như Pepe Reina hay Peter Schmeichel trước đây có một điểm mạnh. Họ không đổ người sớm mà thường đứng yên lâu nhất có thể".
Một yếu tố khác là những bước chạy đà. ESPN dẫn lời chuyên gia tâm lý Tom Young rằng nếu cầu thủ sút kéo dài thời gian thực hiện cú đá của mình, anh ta sẽ càng gặp khó khăn hơn. Với xu hướng không đổ người sớm của các thủ môn, việc chạy đà nhiều bước hoặc có nhịp dừng nếu không được thực hiện dứt khoát từ việc lựa chọn đến cú dứt điểm sẽ trở thành bất lợi cho người sút.
( C. H sưu tầm)