Rà soát một dự án giảm được 6000 tỷ đồng?

Ngày đăng: 10:33 27/11/2017 Lượt xem: 1.415

Rà soát 1 dự án, tiết kiệm 6000 tỷ đồng! 

 
 
 

(Dân trí) - Trong một bản tin mà Dân trí đăng tuần trước, Dự án đường sắt đô thị số 2, đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình qua rà soát đã cắt giảm được 6.000 tỷ đồng. Từ đây đặt ra câu hỏi: Có nên tổng rà soát ngay toàn bộ các dự án hiện đang sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn vay mà chưa được thanh tra, kiểm tra?
 

 

 

Dự án nói trên có tổng chiều dài 5,9 km đi ngầm dưới đất, với suất đầu tư lên tới gần 5.900 tỷ đồng/km. Thế mà chỉ qua một đợt rà soát, không phải tự chủ đầu tư mà do có ý kiến từ các bộ, ngành về đơn giá, suất đầu tư, có sức ép chỉ đạo từ lãnh đạo Thành phố Hà Nội, Ban quản lý dự án mới tính toán lại và "rút gọn" tổng mức đầu tư từ 34.743 tỷ đồng còn 28.918 tỷ đồng.

Rà soát một lần, giảm gần 1.000 tỷ đồng/km. Nếu không rà soát, cứ thế triển khai thì ngân sách nhà nước lại phải chi ra gần 6.000 tỷ đồng để trả nợ vay đầu tư cho dự án. Một con số rất choáng váng.

Nhưng đây không phải là lần đầu tiên Hà Nội có thể tiết kiệm những khoản tiền lớn như vậy qua việc kiểm tra, rà soát.

Còn nhớ năm 2016, trong buổi làm việc với Tổ công tác của Chính phủ, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết, chỉ riêng chi phí cắt cỏ ông cũng đã tổ chức họp 6 lần, chỉ đạo rà soát khoản kinh phí này đã làm giảm số tiền dự toán từ 886 tỷ đồng còn có 178 tỷ đồng, tiết kiệm 708 tỷ đồng. Ông còn khẳng định, sau khi cắt giảm, việc duy tu, trang trí còn đẹp hơn lên.

Còn riêng các cơ quan: Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, năm nào báo cáo tổng kết 2 cơ quan này cũng cho biết, qua thanh tra, kiểm toán hàng ngàn dự án, giúp giảm chi ngân sách hàng chục ngàn tỷ đồng.

Riêng các dự án ngành giao thông, dự án đầu tư Quốc lộ 1 trước đây, qua rà soát cũng giảm chi phí đầu tư hàng ngàn tỷ đồng. Báo cáo của Kiểm tóan Nhà nước vừa qua tại 27 trạm thu phí BOT cũng giúp làm giảm tới ...100 năm thu phí, với số tiền thu phí có thể lên tới hàng chục ngàn tỷ đồng.

Tất cả những câu chuyện trên cho thấy điều gì? Một điều dễ thấy ngay là ở các dự án mà có thể dễ dàng qua rà soát, đã làm giảm bớt, tiết kiệm được hàng trăm đến hàng ngàn tỷ đồng thì rõ ràng, khâu lập dự toán quá dễ dãi, lỏng lẻo. Nếu như các dự án, khoản mục đó mà không được kiểm tra, rà soát thì đương nhiên, có những khoản tiền đã được chi vống lên, chi bừa bãi và có nguy cơ cao là thất thoát, tham nhũng, lãng phí.

Thứ hai, rõ ràng công tác rà soát, kiểm tra, thanh tra, bao giờ cũng rất cần thiết và nó không nên chỉ được tiến hành sau khi các dự án, công trình, các khoản mục đầu tư đã kết thúc như cách làm nhiều năm nay mà nên kiểm tra, kiểm toán, rà soát ngay từ đầu triển khai lập dự toán, làm ngay khi các công trình, dự án đang được thi công... để nếu có sai thì chấn chỉnh, thu bớt tiền lại để các chủ đầu tư, các đơn vị triển khai không làm bừa, làm ẩu, không bớt xén. Chứ để các dự án hoàn thành rồi, thậm chí cố nơi hoàn thành xong, quyết toán xong, những người lãnh đạo các đơn vị, chủ đầu tư dự án nghỉ hưu, chuyển công tác thì rất khó thu hồi lại các khoản tiền đã chi sai.

Ngay cả ở Hà Nội thôi, cho dù gần đây người ta thấy có những việc rà soát gói đầu tư này, dự án kia nhưng không phải không có những biểu hiện chi tiêu "quá tay" như một loạt tuyến phố ở Hà Nội vừa thay lớp đá vỉa hè cũ bằng loại đá mới được cho là "đá tự nhiên", "có tuổi thọ 70 năm"... thì vừa thay xong đã nứt vỡ hàng loạt.

Hay trước đây, riêng mỗi việc đánh mã số (quét vôi) các thân cây của Hà Nội hết 4,5 tỷ đồng, tức là mất tới 670 ngàn đồng cho việc đánh dấu vôi vào mỗi cây. Điều này đã trở thành một câu chuyện đàm tiếu trong dư luận. Thì tất cả các chuyện này cũng rất cần phải "rà soát".

Việt Nam đang trong quá trình phát triển nhanh. Mỗi năm có hàng chục ngàn dự án đầu tư, mua sắm công, nâng cấp cơ sở vật chất, đổi mới công nghệ... ở các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước với số vốn đầu tư hàng trăm ngàn tỷ đồng. Nơi nào cũng lập dự toán lỏng lẻo thì có lẽ không sao có đủ lực lượng kiểm tra, thanh tra nào rà soát hết được. Và đó có thể là một nguyên nhân khiến đầu tư công còn kém hiệu quả, thất thoát lớn khiến nợ công vẫn đăng tăng và ở mức rất cao.

Do đó, không chỉ là phải rà soát hết, thanh tra, kiểm toán kỹ mà buộc các cơ quan, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước, sử dụng vốn vay phải đảm bảo dự toán chính xác, chặt chẽ, nếu không đúng phải chịu trách nhiệm, bị xử lý nghiêm khắc thì mới có thể giảm bớt tình trạng này.

Chứ như ở Dự án đường sắt đô thị số 2 ở Hà Nội, qua rà soát, phát hiện lập dự toán thừa tới gần 1.000 tỷ đồng mỗi km thi công mà cũng chẳng thấy nói ai bị kiểm điểm dù ở mức nhẹ, thì tình trạng tùy tiện lập dự toán lỏng lẻo, kê khai vống vốn đầu tư lên để tùy ý chi tiêu thì căn bệnh lãng phí, thất thoát trong đầu tư công sẽ mãi không có phương thuốc nào điều trị nổi.

Mạnh Quân


tin tức liên quan