Luật sư Trần Hải Đức - Ảnh: GIA MINH
Đau đáu trước câu hỏi này, luật sư Trần Hải Đức - một người có nhiều năm hoạt động trong ngành tư pháp chia sẻ với Tuổi Trẻ quan điểm của cá nhân ông.
Cái ác chưa giảm
Tính từ năm 2011, sau vụ Lê Văn Luyện sát hại một gia đình tại Bắc Giang, số vụ thảm sát có dấu hiệu tăng lên, mức độ dã man cũng tăng cao.
Tiếp theo vụ Lê Văn Luyện, năm 2015, vụ Nguyễn Hải Dương và đồng phạm sát hại 6 người tại Bình Phước, tới nay là nghi can Nguyễn Hữu Tình sát hại cả một gia đình. Xen lẫn khoảng thời gian đó là nhiều vụ án giết người, cướp tài sản...
Có một điểm chung là các đối tượng gây án đều còn rất trẻ. Hiện tượng này nói lên điều gì?
Đây là một câu hỏi mà những người có trách nhiệm liên quan tới việc xây dựng chính sách phát triển con người, phát triển xã hội cũng như bảo đảm an ninh trật tự cần có sự nghiên cứu nghiêm túc để tìm ra nguyên nhân, đề ra giải pháp ngăn chặn.
Còn nhớ, năm 2011, khi cái tên Lê Văn Luyện trở thành một hội chứng được dư luận xã hội nêu lên, qua các cuộc hội thảo, hàng loạt nguyên nhân được đưa ra để giải thích về tâm sinh lý, về động cơ phạm tội của Luyện.
Rất nhiều bài học mang tính lý luận, thực tiễn đưa ra rút kinh nghiệm để mong rằng đây chỉ là hiện tượng cá biệt, sẽ không có những "Lê Văn Luyện" nữa...
Thực tế lại không phải vậy. Số vụ thảm sát ngày càng tiếp diễn, mức độ tàn ác cao hơn. Đến lúc chúng ta cần nhìn nhận một cách khách quan, phải chăng chúng ta chưa tìm cho ra căn nguyên và có giải pháp giải quyết gốc rễ vấn đề?
Nhìn vào những hiện tượng nêu trên không phải để bôi đen xã hội. Nhìn vào góc tối ấy để tìm ra những nguyên nhân sâu xa nhằm thay đổi nó, làm cho xã hội tốt đẹp hơn.
Từ vụ án thảm sát của Lê Văn Luyện, cá nhân tôi cho rằng đó không phải sự ngẫu nhiên, mà là kết quả của một thời gian dài khi cả xã hội phát triển trong sự khiếm khuyết. Khiếm khuyết lớn nhất là từ nền tảng giáo dục.
Chương trình giáo dục trong nhà trường đầy những mục tiêu cao xa, nhưng lại quên đi chức năng lớn nhất là đào tạo nên "con người" có những đức tính nhân bản, biết yêu thương, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình, cộng đồng, đặc biệt là biết "làm lành lánh dữ". Cho nên số vụ bạo hành và giết người ngày càng tăng.
Xã hội quá coi trọng danh lợi, vật chất
"Có tiền mua tiên cũng được", "Cái gì không mua được bằng tiền thì mua được bằng rất nhiều tiền", những câu nói cửa miệng này nghe tưởng chừng chỉ là cho vui nhưng thực tế lại có một giá trị thực tiễn.
Một vài câu nói hài hước khác: "Nhất hậu duệ, nhì quan hệ, ba tiền tệ" hay "Cầm tiền thì sợ tiền rơi, cầm tờ A4 (quyết định bổ nhiệm chức danh) đời đời ấm no"... thể hiện một thực trạng xã hội coi trọng danh lợi, địa vị, vật chất hơn mọi giá trị khác.
Nhìn vào bộ máy nhà nước, có không ít trường hợp chạy chức chạy quyền, mua quan bán chức, phe nhóm lợi ích.
Những cậu ấm, cô chiêu được hưởng những ưu đãi, biệt đãi, sự thăng tiến thần kỳ. Mọi thứ đều được công khai là "đúng quy trình" sau khi được thanh tra - kiểm tra và chỉ lộ ra khi bị cơ quan có thẩm quyền kiên quyết làm đến nơi đến chốn.
Nhiều người sẽ đặt câu hỏi: Liệu có bao nhiêu vụ việc "đúng quy trình" trong xã hội sẽ được làm rõ là sai trái trong thời gian tới? Tâm lý này rất đáng lo ngại, nhất là những người trẻ cảm thấy hoang mang, mất niềm tin khi không biết cái gì là chuẩn mực để định hướng hành vi của mình.
Người trẻ đa số luôn khát khao khẳng định bản thân mình, trở thành những hình mẫu của xã hội. Điều đó là tốt. Nhưng chúng ta chưa giáo dục, định hướng cho thế hệ trẻ thế nào là giá trị chân chính.
Chúng ta có nhiều người trẻ tốt, một đặc điểm chung là những người trẻ này thường có môi trường giáo dục từ gia đình tới môi trường xung quanh tốt.
Phần còn lại là sự mất định hướng sống, coi việc trở thành đại gia lắm tiền nhiều của, sống hưởng thụ bất chấp tất cả, thậm chí trở thành anh chị, chuyên "nghề" dao búa, đâm thuê chém mướn để "lập nghiệp".
Nếu không có các giải pháp trung hạn, ngắn hạn, dài hạn để ngăn chặn tình trạng này thì tội ác trong giới trẻ sẽ ngày càng trở nên phổ biến hơn, tàn ác hơn.
Định hướng tới giá trị nhân văn
Nền giáo dục hay định hướng phát triển xã hội cần xác định giá trị căn bản nhất - đó là tính nhân văn. Mọi phương pháp, chương trình, hành động của bộ máy nhà nước, của xã hội phải hướng con người tới cái đích cuối cùng này.
Tiền tài, địa vị, danh lợi hay mọi giá trị khác cần được xác định là công cụ để hướng con người tới những giá trị thiêng liêng, cao quý là tình yêu thương, chứ không phải vật chất, danh lợi, hưởng thụ là đích đến.
Tình yêu thương giữa con người với con người, giữa con người với thiên nhiên phải được coi là chân giá trị. Mỗi người cần tự nhìn lại mình, thay đổi bắt đầu từ chính mình để thay đổi người trẻ, thay đổi tương lai chứ không nên đổ lỗi cho hoàn cảnh, điều kiện.
Sự thay đổi ấy phải được khởi đầu từ những người có trách nhiệm trong ngành giáo dục và các cấp lãnh đạo trong bộ máy nhà nước. Quan trọng hơn là mỗi chúng ta cũng cần thấy trách nhiệm phải làm điều đó ngay lúc này.
Người lớn sẽ là tấm gương, là bài học giá trị nhất để con trẻ đi theo, mỗi chúng ta cần là người tốt trước khi dạy trẻ em trở thành người tốt.
Luật sư TRẦN HẢI ĐỨC