3 bản án lạ lùng thời Nguyễn

Ngày đăng: 08:53 31/10/2018 Lượt xem: 498

Ba bản án lạ lùng dưới triều Nguyễn

 

Dù hàng trăm năm đã trôi qua nhưng ba bản án dành cho những công thần như Lê Văn Quân, Lê Văn Duyệt, Nguyễn Văn Thành của triều Nguyễn vẫn khiến hậu thế ngạc nhiên.

 

Dưới thời phong kiến, “thiên tử” là đấng tối cao trong thiên hạ, phần lớn quy tắc, chuẩn mực trong xã hội, kể cả luật pháp đều do vua quyết định, vậy nên, nhiều khi vẫn xuất hiện những những bản án vượt ra khỏi quy định của luật pháp đương thời.

Bị đánh 100 roi sau khi chết

Lê Văn Quân (?-1791) quê ở Định Tường (Tiền Giang ngày nay). Ngay từ trẻ, ông đã đi theo chúa Nguyễn Ánh, lúc xông trận rất dũng mãnh, nên được người đương thời đặt cho biệt hiệu là Dũng Nam Công.

Theo sách Giai thoại lịch sử Việt Nam, vốn có hiềm khích với Võ Tánh -hổ tướng nổi tiếng khác của vua Gia Long nên Lê Văn Quân thường chủ động không phối hợp tác với Võ Tánh trên chiến trường, khiến quân Nguyễn nhiều phen thua Trận. Sau nhiều lần bị quân Tây Sơn đánh bại, Lê Văn Quân bắt đầu nhụt chí và thấy mình thua kém hẳn mọi người.

Khi quân Xiêm La quấy nhiễu biên thùy, vua Gia Long xuống chiếu triệu Lê Văn Quân về mang quân chống đỡ. Tuy nhiên, khi nhận được chiếu Lê Văn Quân không chịu tiến quân ngay mà còn dâng biểu tâu lên vua Gia Long nói xấu Võ Tánh, ý muốn vua giao Võ Tánh đánh trận thay mình.

Sau khi bị vua Gia Long nổi giận, quở trách, sợ bị trị tội nên Lê Văn Quân cáo bệnh không xuất quân, vua phải sai Cai cơ Nguyễn Văn Lợi đến thay.  Dẹp xong giặc Xiêm La quấy nhiễu, năm Tân Hợi (1791), vua cùng đình thần bàn nghị tội của Lê Văn Quân.

 ba ban an la lung duoi trieu nguyen, khien hau the ngac nhien hinh anh 1

Vua Gia Long. Ảnh: Tư liệu.

Tất cả triều thần đều cho rằng Lê Văn Quân phải bị xử tử, nhưng vua nghĩ ông ta cũng có công lao nên không nỡ giết, bèn sai tước hết chức tước, bắt chờ lập công chuộc tội. Tuy nhiên, do không suy xét cẩn trọng nên Lê Văn Quân sợ sệt, xấu hổ, uống thuốc độc tự tử.

Biết tin Lê Văn Quân tự tử, vua Gia Long vừa tiếc lại vừa tức, tới tận nhà thương khóc, sai người đánh vào quan tài 100 gậy, xong mới cấp cho tám người lính làm phu mộ, cho hai người lính khác làm phụ coi mộ cho cha đẻ của Lê Văn Quân, cho con ông đang làm lính được về phụng dưỡng mẹ.

Lê Văn Duyệt và bản án sau khi qua đời

Lê Văn Duyệt (?-1832) quê ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, ngay từ nhỏ đã thông minh, nhanh nhẹn, sức khỏe hơn người. Về sau, trở thành vị tướng giỏi phò trợ chúa Nguyễn Ánh giành nhiều thắng lợi trên mọi mặt, dựng nên triều Nguyễn.

Công lao lấn án triều thần, sau này, ông hai lần được giao giữ chức Tổng trấn Gia Định cho tới khi qua đời. Vốn là người tài năng, đức độ, Lê Văn Duyệt được người dân Nam Bộ rất tôn kính gọi ông là “ông Lớn Thượng”.

Tuy nhiên, bi kịch lại đến với Lê Văn Duyệt sau khi qua đời năm 1832. Ông bị vua Minh Mạng xét lại công tội lúc còn sống, bị bạc đãi với người thân. Quá bức xúc, người con nuôi Lê Văn Khôi của ông khởi binh chống lại triều đình ở Gia Định. Tuy nhiên, cuộc nổi dậy nhanh chóng bị đánh bại.

 ba ban an la lung duoi trieu nguyen, khien hau the ngac nhien hinh anh 2

Chân dung Lê Văn Duyệt. Ảnh: Báo Pháp luật.

Dẹp xong khởi nghĩa Lê Văn Khôi, vua Minh Mạng ra chỉ dụ cho Tổng đốc Gia Định đến mộ phần Lê Văn Duyệt san bằng mồ mả, xích khóa lại, dựng bia đá ghi tám chữ “Nơi hoạn quan Lê Văn Duyệt chịu tội”.

Dù đã chết, Lê Văn Duyệt vẫn bị kết án bảy tội xử trảm (chém), hai tội xử giảo (thắt cổ), một tội phát quân. Người thân trong gia đình đều bị xử tội theo những khung hình phạt khác nhau.

Công thần chết bởi một bài thơ

Nguyễn Văn Thành (1758-1817) là một trong những vị khai quốc công thần của triều Nguyễn. Tuy nhiên, giống như Lê Văn Quân và Lê Văn Duyệt, về cuối đời, Nguyễn Văn Thành và con trai ông cũng phải đón nhận những bản án oan ức.

Theo sách Đại Nam thực lục, Nguyễn Văn Thành có con trai Nguyễn Văn Thuyên, vốn hâm mộ văn chương nên đã làm một bài thơ tặng cho Nguyễn Văn Khuê và Nguyễn Đức Nhuận ở Thanh Hóa. Nội dung bài thơ đó như sau:

“Nghe nói Ái Châu nhiều tuấn kiệt / Dành để chiếu bên ta muốn chờ / Vô tâm ôm mãi ngọc Kim Sơn / Tay sành mới biết ngựa Ký Bắc / Thơm nghìn dặm lan trong hang tối / Vang chín chằm phượng hót gò cao / Phen này nếu gặp Tể (tướng) trong núi / Giúp ta kinh luân chuyển hóa cơ”.

Khi nội dung bài thơ đến tai các quan trong triều, những người có hiềm khích với Nguyễn Văn Thành đã dựa vào hai câu cuối của bài thơ lập luận, suy đoán, thêu dệt thành ý phản loạn, muốn truất ngôi vua của cha con ông. Hệ quả là, ông bị tước hết chức quan và tiếp tục chờ xử lý.

Trước sức ép của nhiều triều thần, vua Gia Long không thể bảo vệ được công thần của mình. Cuối cùng Nguyễn Văn Thành phải uống thuốc độc tự tử, con trai Nguyễn Văn Thuyên bị tội trảm quyết (chém).

Sau khi Nguyễn Văn Thành chết, quân lính mới nhặt được tờ di chiếu trần tình của Văn Thành trước lúc chết. Vua Gia Long cầm tờ trình khóc to đưa lên cho bầy tôi xem mà dụ rằng: “Văn Thành từ lúc nhỏ theo trẫm có công lao to. Nay nhất đán đến nỗi chết, trẫm không bảo hộ được ấy là trẫm kém đức”.

 
Theo Nguyễn Thanh Điệp (Zing)
tin tức liên quan