Có lẽ, những nghi vấn sau vụ trạm thu phí cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây bị cướp 2,2 tỉ đồng và VECE ra văn bản từ chối vĩnh viễn không phục vụ 2 ô tô khiến dư luận dậy sóng và như giọt nước tràn ly.
Từ việc những trạm thu phí đặt nhầm chỗ, chỉ định thầu các nhà đầu tư BOT, tính nhầm thời gian thu phí đến cách tính tổng mức đầu tư…
cho đến cung đường cao tốc BOT vận hành chưa đầy năm đã ổ gà la liệt tưởng như đã là ngoài sức chịu đựng của dư luận. Nhưng không. Càng ngày càng lộ ra những điều ngoài sức tưởng tưởng của người dân, của Quốc hội và Chính phủ.
Người viết không muốn nhắc lại những nghi vấn, những thanh minh của Doanh nghiệp trong vụ bị cướp 2,2 tỉ đồng, mà muốn nói đến khía cạnh khác. Trước áp lực dư luận, những thông tin từ lãnh đạo Tổng cục Đường bộ khiến người dân không chỉ giật mình, mà thực sự sốc. Trao đổi với Vietnamnet.vn, ông Tô Nam Toàn, Vụ trưởng Vụ KHCN và Hợp tác quốc tế, Tổng cục Đường bộ VN (TCĐB) thừa nhận việc giám sát doanh thu phí từ trước tới nay đều dựa trên báo cáo của nhà đầu tư, Tổng cục Đường bộ chỉ giám sát theo hình thức định kỳ, kiểm tra đột xuất xem báo cáo có đúng không. Vài năm một lần, tuy nhiên, công tác kiểm tra, giám sát cũng chỉ thực hiện được bề ngoài như kiểm tra ổ cứng, dữ liệu lưu trữ.
Hóa ra là như vậy ư? Nghĩa là cơ quan quản lý hầu như phải chấp nhận và tin vào sự trung thực báo cáo của Doanh nghiệp?
Về cái gọi là trung thực này, chúng ta thử hình dung, ngay như tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, các doanh nghiệp thành viên trong liên doanh vốn theo dõi chặt chẽ thu chi, vẫn còn bị qua mặt. Nhà đầu tư Cienco 1 liên doanh trong Cty BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ vì không tin mức thu do đối tác công bố nên đã đặt camera theo dõi để chứng minh sự gian dối. Sau đó, TCĐB vào cuộc, kết quả mỗi ngày trạm này thu được hơn 1,9 tỉ đồng, nhưng trong báo cáo gửi TCĐB, các cổ đông chỉ khai ở mức 1,2-1,4 tỉ đồng/ngày. Hoặc như, tại cao tốc TP.HCM – Trung Lương, việc sử dụng phần mềm gian lận tại trạm thu phí diễn ra từ năm 2015, nhưng do có tố cáo, đến năm 2018 cơ quan điều tra mới phát hiện và xử lý. Vậy có thể tin vào được sự trung thực của những doanh nghiệp này? Và khi niềm tin đặt nhầm chỗ, hậu quả sẽ khôn lường.
Xâu chuỗi lại các diễn biến cho thấy, không chỉ là rất không ổn, mà còn rất khó hiểu trong công tác quản lý liên quan đến BOT giao thông.
Đó là việc Bộ GTVT hầu như toàn chỉ định thầu cho doanh nghiệp, chấp nhận đặt nhầm chỗ trạm thu phí với lý giải khó chấp nhận, nhất trí những kiểu tính toán vô lối, khiến sau này kiểm toán 27 dự án vào cuộc đã cắt thời gian thu phí cả trăm năm. Thậm chí, có dự án, khi kiểm toán cắt giảm thời gian thu phí, thì trạm thu phí đã quá thời gian thu cả năm trời; nay đến việc tưởng đơn giản nhất, việc thu phí không dừng cũng không thực hiện đúng hạn, nếu không muốn nói là chỉ nhúc nhắc trên giấy tờ. Trao đổi với báo chí, Tổng cục trưởng Đường bộ Nguyễn Văn Huyện lý giải nguyên nhân: Tiến độ triển khai thu phí tự động năm 2018 chậm chủ yếu do vướng về mức phí nhà đầu tư BOT trích lại trả cho doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng (?!). Cách giải thích này liệu thuyết phục được dư luận? Nay lại lộ ra việc, cơ quan chức năng hầu như phải tin vào báo cáo doanh thu của doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp sai thì họ “chuyền bóng”: Đã có công an !?
Liên quan việc thực hiện trạm thu phí tự động không dừng, trao đổi với báo Tiền phong, ĐB Quốc hội Đỗ Văn Sinh - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế đặt câu hỏi: “Quốc hội có nghị quyết, Chính phủ đã chỉ đạo, tại sao không làm? Trách nhiệm thuộc về ai và sẽ xử lý trách nhiệm như thế nào? Tất cả cần được làm rõ, không thể để nghị quyết ban hành mà như ném vào không khí.”
Vậy, những dấu hiệu sai phạm có hệ thống này liệu có phải do nguyên nhân khách quan hay bởi được các nhóm lợi ích đạo diễn? Trong khi đó, hầu như tất cả cán bộ chịu trách nhiệm chính về những nội dung trên, không chỉ vẫn bình an vô sự mà còn tiếp tục thăng tiến, tiếp tục hứa và hứa!
Vương Hà