Tại kỳ họp thứ 7 – Quốc hội khoá XIV, Bộ trưởng Bộ ngành Văn hoá – Thế thao – Du lịch (VHTT&DL) Nguyễn Ngọc Thiện cũng đã phải thừa nhận hiện nay có nhiều cuộc thi sắc đẹp được cấp phép nhưng lại tổ chức không đúng đăng ký hoặc tổ chức trá hình trước chất vấn đầy thẳng thắn của đại biểu Đặng Thị Phương Thảo đến từ đoàn Nam Định.
Tuy nhiên, “tư lệnh” ngành VHTT&DL vẫn chưa đưa ra được những giải pháp căn cơ để khắc phục tình trạng này. Và đây không phải là lần đầu tiên ngành VHTT&DL loay hoay với bài toán kiểm soát tình trạng “loạn danh hiệu” này.
Điều đáng nói, mới đây, một sự việc khiến số đông phải ngỡ ngàng, sửng sốt… và không thể lý giải nổi đó là một công ty xuất nhập khẩu ô tô nghiễm nhiên được Sở VHTT&DL tỉnh Vĩnh Phúc cấp giấy phép tổ chức chung kết trao giải “Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam 2019”.
Cái cuộc thi mà theo cách gọi của PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái là “ất ơ” này thậm chí còn ngang nhiên và trắng trợn tới mức tự lấy logo của nhiều báo đài đặt ở mục Đơn vị truyền thông để khuếch trương - quảng bá, trong đó có cả báo Dân trí.
Một doanh nghiệp không liên quan gì đến nghệ thuật biểu diễn mà vẫn được cấp phép tổ chức cuộc thi sắc đẹp, không cần xem xét đến năng lực tổ chức và những điều kiện “cần - đủ” khác liệu có phải là một lỗ hỏng về năng lực quản lý?
Nếu các nhà quản lý địa phương cứ “nhắm mắt ký đại” để các doanh nghiệp được tự tung, tự tác chạy theo lợi nhuận và làm nhiễu loạn đời sống bởi những danh hiệu “trời ơi đất hỡi” thì văn hoá sẽ xô dạt về đâu?
Ở một khía cạnh khác, khi mà cơ chế “cung – cầu” đang thao túng không ít các cuộc thi sắc đẹp thì các danh hiệu “Nữ hoàng…” đã từng được trao liệu có đáng tin? Và những người được tôn là “nữ hoàng” sau khi có danh hiệu sẽ đóng góp như thế nào cho lĩnh vực mình hoạt động, cho cộng đồng xung quanh?
Chưa kể, một cuộc thi tử tế, một cuộc thi chính danh… sao lại phải đi mạo danh một cơ quan (hoặc nhiều cơ quan) báo chí để khuếch trương – quảng bá.
Không ai có thể hình dung nổi, nếu một ngày nào đó, khi bước chân ra đường người ta sẽ chỉ toàn gặp “nữ hoàng”, “người đẹp”, “hoa khôi”… đội vương miện rồi ngồi so bì độ cao thấp với nhau về danh hiệu. Lúc đó, hẳn đời sống cùng những hệ giá trị văn hoá sẽ đảo lộn tới mức “phai mòn” khái niệm.
Nói theo PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái là đã đến lúc cần phải “tuýt còi báo động” đối với tình trạng loạn các cuộc thi sắc đẹp để trả lại cho đời sống sự đẹp đẽ vốn có. Và tư duy của các nhà quản lý cũng cần phải được “lau rửa” để lấp kín những lỗ hổng trong quản lý và hệ thống văn bản quy phạm pháp luật.
Trả lời báo Dân trí, NSND Quang Vinh - Quyền Cục trưởng Cục NTBD “Không thể để cho tình trạng doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng cũng có thể tổ chức cuộc thi người đẹp, doanh nghiệp sản xuất thực phẩm cũng có thể tổ chức biểu diễn nghệ thuật… lộng hành như hiện nay được. Cơ chế này sẽ tạo nên sự hỗn loạn về các cuộc thi sắc đẹp, loạn danh hiệu và làm khó cho cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm tra - giám sát”.
Bảo Quân